11:02 10/04/2019

Cần xác định rõ tiến độ trình Quốc hội sửa Luật Đất đai trong 2020

Nguyễn Lê

Đó là quan điểm của nhiều ý kiến tại Uỷ ban Pháp luật khi Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình năm 2019 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra

Đó là quan điểm của nhiều ý kiến tại Uỷ ban Pháp luật khi Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình năm 2019 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Sáng 10/4, bắt đầu phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Về điều chỉnh năm 2019, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn một số nội dung chính sách về đất đai. Đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020. 

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề nghị của Chính phủ vì cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 mới có hiệu lực thi hành hơn 4 năm, trong khi đất đai là vấn đề phức tạp có ảnh hưởng từ những yếu tố lịch sử để lại.

Các vấn đề đặt ra như hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tích tụ tập trung đất đai, quản lý đất cơ sở tôn giáo, người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở... đều là những vấn đề rất phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng hơn. 

Đồng thời Uỷ ban Kinh tế cho rằng, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm để xử lý những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực đất đai.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc việc đưa ra khỏi chương trình dự án luật này, vì thực tiễn thời gian qua cho thấy có nhiều vướng mắc về pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất quốc phòng cần được tháo gỡ. Trường hợp đưa dự án luật ra khỏi chương trình thì đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để xử lý những vấn đề vướng mắc hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, ủy ban này cơ bản thống nhất việc đưa dự án luật này ra khỏi chương trình năm 2019 như đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế. Tuy nhiên, về lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, qua thảo luận vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Ý kiến này cho rằng, đây là dự án luật đã được Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình năm 2019 nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa .

Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa 11) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, trong đó đặt ra yêu cầu cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, tạo điều kiện tích tụ, tập trung, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo đảm sự thống nhất của các quy định pháp luật liên quan  nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực quan trọng này cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Gần đây, trong báo cáo gửi Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ năm 2013 đến nay", Chính phủ cũng kiến nghị nhiều nội dung trong Luật Đất đai cần sửa đổi, bổ sung.

Do đó, đề nghị Chính phủ cần xác định rõ tiến độ trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai trong năm 2020 để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện pháp luật về đất đai theo các nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị và đòi hỏi của thực tiễn.

Loại ý kiến thứ hai, tán thành với Chính phủ về việc rút dự án luật này ra khỏi chương trình để tiếp tục nghiên cứu và trình Quốc hội sau năm 2020, bảo đảm sự thận trọng, đầy đủ, toàn diện của quá trình đánh giá, phân tích, đề xuất chính sách sửa đổi Luật.

Đối với những vấn đề vướng mắc đặt ra trong thực tiễn triển khai thi hành luật và một số chính sách mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội cần thực hiện thí điểm, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành nghị quyết trong năm 2019 để kịp thời xử lý, đồng thời, tạo cơ sở cho việc tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất, ông Định cho biết.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Ủy ban Pháp luật thống nhất với Ủy ban Kinh tế tán thành lùi thời gian trình Quốc hội dự án luật này 1 kỳ, từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 sang kỳ họp thứ 8 như đề nghị của Chính phủ để có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật theo hướng đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư, trong đó có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thêm về kết quả chuẩn bị và các giải pháp để bảo đảm thực hiện được đúng tiến độ chỉ lùi thời gian trình 1 kỳ họp như đã đề xuất.