05:40 16/04/2007

Cảnh giác với rao bán cổ phần bệnh viện

Hoàng Lộc

Suốt 2 tháng qua, khá đông nhà đầu tư đi săn lùng cổ phần của những bệnh viện ở Tp.HCM chuẩn bị cổ phần hóa

Khu điều trị kỹ thuật cao vừa được đưa vào hoạt động của Bệnh viện Bình Dân - Ảnh: TT.
Khu điều trị kỹ thuật cao vừa được đưa vào hoạt động của Bệnh viện Bình Dân - Ảnh: TT.
Suốt 2 tháng qua, khá đông nhà đầu tư đi săn lùng cổ phần của những bệnh viện ở Tp.HCM chuẩn bị cổ phần hóa, nhất là cổ phần của Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Hùng Vương.

Giới "cò" thì rao bán cổ phần của hàng loạt bệnh viện, kể cả bệnh viện cổ phần. Tuy nhiên, một số bệnh viện còn chưa hề có phương án cổ phần hóa và cổ phần của nhiều bệnh viện cổ phần không hề có trên thị trường.

Hai cổ phần bệnh viện được ra bán nhiều nhất là Bệnh viện Bình Dân (giá chào lên tới 70.000 đồng/cổ phần) và Bệnh viện Hùng Vương, giá chào lên tới 50.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, 2 bệnh viện này chưa hề có cổ phần vì mới chỉ có phương án hoặc đang chuẩn bị làm phương án, trong khi đó vẫn đang còn rất nhiều ý kiến tranh cãi có nên tư nhân hóa bệnh viện hay không.

Theo dự thảo đề án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân, Nhà nước sẽ giữ cổ phần chi phối 60%, cán bộ cứ một năm công tác được mua 100 cổ phần ưu đãi với giá bằng 60% giá đấu giá thành công bình quân ra công chúng, nhà đầu tư chiến lược sẽ được nắm tối đa 20% và phần còn lại, tối thiểu 20% vốn điều lệ sẽ được thực hiện đấu giá công khai cho tất cả những nhà đầu tư quan tâm đến cổ phần bệnh viện tham gia.

Ngày 13/4, Mặt trận Tổ quốc Tp.HCM đã tổ chức lấy ý kiến của một số bác sĩ, cán bộ, trí thức về vấn đề cổ phần hóa bệnh viện, trường học lớn, trong đó có Bệnh viện Bình Dân thuộc Sở Y tế Tp.HCM.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, khẳng định: "Cổ phần hóa không có nghĩa là bán bệnh viện, chúng tôi không bán..., chỉ kêu gọi người khác hùn vốn vào phát triển bệnh viện. Quá trình cổ phần hóa cần có sự giám sát của hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc và đông đảo nhân dân để đi đúng hướng, tránh những sai sót đáng tiếc”.

Ông Dũng còn cho biết, để hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh cho một số đối tượng chính sách, trong phương án cổ phần hóa, Bệnh viện Bình Dân đã kiến nghị UBND Tp.HCM cho phép bệnh viện giữ lại phần cổ tức sẽ trả cho phần vốn thuộc sở hữu Nhà nước (dự kiến là 60% vốn điều lệ).

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Tp.HCM, nói: “Bệnh viện và trường học là hai đơn vị sự nghiệp, hai lĩnh vực thuộc cơ sở hạ tầng của xã hội, không thể xem giống như doanh nghiệp... Với việc tư nhân nắm giữ gần một nửa cổ phần, các quyết định của bệnh viện rất dễ bị chi phối theo lợi ích riêng, hạn chế việc chăm lo sức khỏe cho người nghèo”.