14:28 09/10/2008

Cảnh giác với “xuất khẩu” ô nhiễm

Phan Anh

Việt Nam đang đối mặt một thách thức nghiêm trọng là nạn "xuất khẩu" ô nhiễm môi trường từ các nước phát triển

Nước sông Thị Vải ô nhiễm nặng vì nước thải đổ ra từ nhà máy của Vedan.
Nước sông Thị Vải ô nhiễm nặng vì nước thải đổ ra từ nhà máy của Vedan.
Việt Nam đang đối mặt một thách thức nghiêm trọng là nạn "xuất khẩu" ô nhiễm môi trường từ các nước phát triển.

Ngày 8/10 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Đông Á về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp đến từ 16 quốc gia.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam và khu vực Đông Á đã chia sẻ kinh nghiệm trong trong kinh doanh sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, trao đổi thông tin về những công nghệ mới thân thiện môi trường, hướng tới nền sản xuất sạch và phát triển bền vững với các doanh nghiệp trong khu vực.

Lợi thế cạnh tranh nhờ “xuất khẩu” ô nhiễm

Trong phát triển và hội nhập, bên cạnh những cơ hội, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức trong đó có vấn đề về thay đổi tư duy, quan niệm về sản xuất sạch và bảo vệ môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định ngặt nghèo của thị trường và người tiêu dùng.

Trong quá trình này, vai trò của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia (MNC) có tầm quan trọng rất lớn trong quá trình tạo lập tính bền vững môi trường của các dự án FDI.

Thông thường MNC có công nghệ sạch, áp dụng những chuẩn môi trường cao hơn so với yêu cầu của nước chủ nhà, do vậy có khả năng góp phần vào quá trình phát triển bền vững môi trường của nước chủ nhà. Tuy nhiên, có trường hợp MNC đưa các dây chuyền sản xuất ô nhiễm, hoặc chuyển giao các công nghệ lạc hậu tới nước chủ nhà, mà những công nghệ này không được chấp nhận tại nước đầu tư.

Do đó, để thực hiện được FDI bền vững, MNC phải được chia sẻ trách nhiệm, được khuyến khích và kiểm tra bởi các bên, đặc biệt là: chính phủ nước chủ nhà; khách hàng; các hội nghề nghiệp; các tổ chức tài chính, bảo hiểm.

Cùng với những lợi ích do FDI mang lại, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là nạn "xuất khẩu" ô nhiễm môi trường từ các nước phát triển trên thế giới đang ngày càng gia tăng. Theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, hiện đang có tình trạng chuyển các ngành gây ô nhiễm môi trường nặng nề từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI.

Việc “xuất khẩu” ô nhiễm cũng mang lại cho các MNC một lợi thế cạnh tranh mới nhờ giảm chi phí sản xuất. Nguyên nhân của tình trạng này là do chi phí để khắc phục ô nhiễm môi trường tại các nước phát triển rất cao. Các doanh nghiệp của các nước này buộc phải tìm đến giải pháp chuyển lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm của họ ra nước ngoài.

Các nước phát triển như: Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch... đang đánh thuế mạnh vào các ngành gây ô nhiễm, trong khi đó các nước đang phát triển lại có mức thuế thấp hơn nhiều do khát vốn.  Các nước này trở thành những nước “nhập khẩu” ô nhiễm.

Với mục đích xây dựng và đưa vào áp dụng một phương thức tiếp cận chung về quản lý môi trường của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, năm 1993, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã triển khai xây dựng bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường ISO 14000 nhằm tiến tới thống nhất áp dụng hệ thống quản lý môi trường (EMS) đảm bảo sự phát triển bền vững trong từng quốc gia, khu vực và quốc tế. ISO 14000 thiết lập một hệ thống quản lý môi trường và cung cấp các công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhận thức và quản lý được tác động của mình đối với môi trường. Đây cũng là cơ sở để bên thứ ba đánh giá hệ thống quản lý môi trường của các doanh nghiệp.

Ông Đồng cho rằng, tham gia WTO, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để phát triển, được tham gia vào một thị trường rộng lớn; tự do cạnh tranh một cách công bằng và bình đẳng, không bị hạn chế bởi hạn ngạch. Tuy nhiên cũng có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt có một khó khăn mà không phải doanh nghiệp nào cũng biết và có thể xử lý được, đó là hệ thống rào cản về môi trường mà các nước phát triển dựng lên nhằm hạn chế hàng hóa của các nước thành viên mới, kém phát triển hơn, thông qua hệ thống tiêu chuẩn ISO 14000.

Xây dựng doanh nghiệp “trách nhiệm xã hội”

Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI,  “làm thế nào để giải quyết vấn đề môi trường đi đôi với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo tiến bộ xã hội nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững” vẫn là một trong những thách thức của thời đại mới. Đây được coi là vấn đề toàn cầu, nhất thiết phải có sự hợp tác giữa các nước phát triển cũng như đang phát triển.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế nhưng không gây tổn hại đến môi trường, chính phủ các nước trên thế giới đã nhiều lần nhóm họp, đề xuất các nguyên tắc, kế hoạch chiến lược nhằm giải quyết những mối đe dọa môi trường toàn cầu. Đó là những vấn đề ưu tiên đối với tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các thành phố cũng như các công dân.

Tuy nhiên, chỉ có hành động của các chính phủ là chưa đủ mà cần sự hợp tác thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp - đầu tầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- bằng cách thực hiện tốt trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, tuân thủ các luật lệ, ứng dụng công nghệ, phát minh mới thân thiện với môi trường, tiến tới xây dựng những ngành công nghiệp xanh, góp phần vào tăng trưởng xanh của từng quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay.

Sự kiện vi phạm của Vedan tại Việt Nam mới được phát hiện gần đây là một trong những mặt tối trong phát triển bền vững, một hình ảnh xấu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hành động của Vedan là hành vi có chủ ý, bất chấp quy định về bảo vệ môi trường.

Ông Đồng cho rằng, đây là cách “tiết kiệm” của doanh nghiệp để tăng lợi nhuận mà bỏ qua những quy định, quy chuẩn về môi trường. Lẽ ra các doanh nghiệp phải là đối tác quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và hình thành các tiêu chuẩn môi trường trong tương lai.

Có lẽ, Việt Nam không chỉ có một Vedan mà còn nhiều những “Vedan” cần phải phát hiện, lên án. Hiện nay trong hơn 100 khu công nghiệp ở Việt Nam, có đến 80% đang vi phạm các quy định về môi trường. Dọc sông Thị Vải cũng không chỉ có doanh nghiệp Vedan xả chất thải nguy hại. Ngành y tế sẽ đánh giá tác động của nước thải Vedan đưa ra môi trường tới sức khỏe người dân. Người dân hoàn toàn có thể kiện, đòi Vedan bồi thường thiệt hại với những bằng chứng cụ thể.

Tác hại lâu dài của dòng nước thải khiến cho hình ảnh thương hiệu mà Vedan Việt Nam cố công xây dựng từ năm 1991 đến nay trở nên nhạt nhoà. Hành động của Vedan không những gây bất bình với dư luận xã hội, mà còn nêu một “tấm gương xấu” về tinh thần “trách nhiệm xã hội” mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới.

Ông Đồng cho rằng, để hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường, Việt Nam cần kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở ô nhiễm nặng, từ chối những dự án FDI gây ô nhiễm môi trường nặng.

Với xu thế “làm ăn với thế giới” ngày càng gia tăng, doanh nghiệp Việt Nam phải sẵn sàng hội nhập quốc tế về các chuẩn mực hành xử trong quy tắc kinh doanh, trong đó có những điều kiện tiên quyết của một doanh nghiệp phát triển bền vững cần tuân thủ, đó là có trách nhiệm với xã hội về nhân văn và về môi trường sinh thái. Các nhà quản lý doanh nghiệp không thể làm ngơ trước những đòi hỏi từ xã hội, thể hiện qua chất lượng sản phẩm, điều kiện lao động và đặc biệt là ảnh hưởng của sản xuất tới môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, một khi các doanh nghiệp còn chưa nhận thức được rằng: phát triển bền vững chính là phương thức tối đa hoá lợi nhuận của doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất, thì những biện pháp xử lý nghiêm minh, chế tài bằng pháp luật của chính quyền đối với đối tượng sai phạm là rất cần thiết.