13:20 29/09/2008

Phản bội cộng đồng, doanh nghiệp tự kết liễu mình

Thấy gì từ những sự kiện như vụ Vedan phá hủy môi trường hay “sữa độc” tại Trung Quốc?

"Cái thiếu là xã hội vẫn chưa thể xây dựng được một nền văn hóa kinh doanh, hệ thống chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực về trách nhiệm xã hội cho một lực lượng doanh nhân".
"Cái thiếu là xã hội vẫn chưa thể xây dựng được một nền văn hóa kinh doanh, hệ thống chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực về trách nhiệm xã hội cho một lực lượng doanh nhân".
Vedan vì tránh chi phí xử lý nước thải đã “giết” một dòng sông, hoặc vì lợi nhuận mà công ty sữa Trung Quốc đã xem nhẹ tính mạng của các cháu bé.

Từ những sự kiện này, ông Nguyễn Đình Cung - Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - đã đặt vấn đề xây dựng trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh cho doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp “đen”, có thể sẽ bị xử lý theo pháp luật nhưng dường như người tiêu dùng thấy như thế vẫn chưa đủ?

Các doanh nghiệp này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức kinh doanh, chà đạp lên quyền lợi cộng đồng và xã hội. Chúng ta buồn không chỉ vì những thiệt hại mà các doanh nghiệp gây nên mà còn vì hành vi phi đạo đức kinh doanh, vô trách nhiệm với xã hội, với người tiêu dùng của doanh nghiệp.

Cái thiếu là xã hội vẫn chưa thể xây dựng được một nền văn hóa kinh doanh, hệ thống chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực về trách nhiệm xã hội cho một lực lượng doanh nhân.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nghĩa là doanh nghiệp ra đời không chỉ là của riêng các cổ đông mà còn là một tổ chức xã hội có quan hệ tương tác với mọi giới trong cộng đồng. Vì vậy doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng.

Cộng đồng ở đây là môi trường sống xung quanh, người tiêu dùng và người lao động trong doanh nghiệp. Xã hội thừa nhận, tạo điều kiện để doanh nghiệp tồn tại, phát triển thì đương nhiên doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội. Trách nhiệm đó có thể gọi là trách nhiệm với các bên của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bỏ tiền làm từ thiện cũng chỉ là một hành vi thể hiện trách nhiệm. Trách nhiệm xã hội phải được thể chế hóa, được trang bị song hành với kỹ năng kinh doanh, là yếu tố cấu thành trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, là bắt buộc trong quá trình phát triển chứ không hoàn toàn là một hành vi nhất thời.

Ông có thể chỉ rõ những ràng buộc đó?

Thứ nhất, trong hệ thống luật pháp, như ở Việt Nam là Luật Đầu tư chẳng hạn, phải có các điều khoản bảo vệ quyền lợi các bên khi một doanh nghiệp ra đời. Đó là quyền lợi dân cư xung quanh, quyền lợi người tiêu dùng và người lao động tại doanh nghiệp.

Thứ hai, trong xã hội, thường là các hội nghề nghiệp hoặc các tổ chức liên quan, phải hình thành các bộ quy tắc ứng xử với các doanh nghiệp. Các bộ quy tắc này nhằm khuyến khích, đòi hỏi và tôn vinh đạo đức kinh doanh. Doanh nghiệp nào đáp ứng được những quy tắc đó thì tự thân uy tín được nâng cao, thương hiệu được thừa nhận.

Thứ ba là trong chiến lược, triết lý phát triển của mỗi công ty thường có những mục tiêu trách nhiệm xã hội, xác định sứ mệnh của mình với xã hội. Khi hoạt động, họ không thể phản bội xã hội vì đó là phản bội sứ mệnh, mục tiêu của chính mình...

Sâu sắc hơn, trách nhiệm xã hội được thấm nhuần vào phương pháp quản trị của từng doanh nghiệp. Ngay trong hội đồng quản trị của công ty phải có mặt các thành viên có chức năng giám sát, bảo vệ quyền lợi của các bên là người tiêu dùng, môi trường...

Vì vậy đạo đức kinh doanh được xác định là một tố chất không thể thiếu trong quá trình đào tạo doanh nhân... Những nguyên tắc này được xây dựng ở các nước phương Tây từ những năm 1950-1960. Đến nay ở châu Á nó vẫn chưa trở thành yếu tố văn hóa kinh doanh quan trọng.

Ai sẽ giúp hình thành văn hóa kinh doanh của doanh nhân?

Để xây dựng một thể chế đủ hiệu lực bảo vệ quyền lợi của các bên như nói trên; để tạo nên những quy tắc ứng xử văn minh và những nếp văn hóa kinh doanh có trách nhiệm xã hội thì nhân tố tiên quyết vẫn là Nhà nước.

Nếu xét về mặt thể chế và quản lý nhà nước thì bất ổn nằm ở đâu, thưa ông?

Dòng sông Thị Vải hấp hối hàng chục năm trời. Ta có bộ máy, có công cụ kiểm tra, nhân dân cũng đã trình báo... Thế nhưng bộ máy bảo vệ môi trường, tức là bảo vệ quyền lợi các bên của doanh nghiệp, hoàn toàn tê liệt.

Khi xử lý Vedan, tâm lý của nhà quản lý vẫn rụt rè khi quyết định đóng cửa một doanh nghiệp, dù nó hoàn toàn nên làm...

Lý giải đầu tiên chính là tư duy của giới quản lý vẫn thiên về tăng trưởng, nâng niu nhà đầu tư một cách dễ dãi mà không tính đầy đủ đến quyền lợi các bên. Quan điểm thiên lệch này vô tình dung túng cho những sự chà đạp trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hệ quả là chúng ta không tăng cường quyền hạn, năng lực đủ mức cần thiết cho bộ máy bảo vệ quyền lợi các bên.

Trong chiến lược của chính sách quản lý đầu tư, chúng ta nặng về quản lý quy mô, mức vốn... của doanh nghiệp mà sao nhãng hai yếu tố cần thiết khác là môi trường và sử dụng tài nguyên. Tư duy này cũng gây nên sự thiếu hụt quá nhiều thiết chế, công cụ pháp lý thực hiện cân bằng lợi ích giữa các bên trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông, bài học lớn nhất của những vụ việc Vedan, sữa có độc là gì?

Chúng ta đã nói nhiều đến phát triển bền vững, công bằng xã hội nhưng qua những việc này thì những mục tiêu ấy chủ yếu đang là khẩu hiệu. Chúng ta cần hiểu rằng nếu không thay đổi quan điểm về tăng trưởng, đầu tư thì thảm họa sẽ khôn lường. Chúng ta cần chuyển dần từ cầu “lượng” sang cầu “chất”.

Sự điều chỉnh đầu tiên chính là bộ máy quản lý đầu tư từ năng lực, quan điểm, nội dung, công cụ... Bộ máy này có thể phân loại các nhà đầu tư theo “lý lịch”, “môi trường sinh trưởng” của họ.

Cần xem doanh nghiệp đó đã xây dựng tiêu chuẩn, bộ máy, công cụ giám sát, cảnh báo về sự xâm hại môi trường, quyền lợi người tiêu dùng hay chưa rồi từng bước hình thành các chuẩn mực đạo đức kinh doanh.

Khuếch trương, xã hội hóa các tiêu chí đó trong toàn dân chúng. Ví dụ danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao có thể đưa các tiêu chí bảo vệ môi trường, sản xuất nhân văn... để tôn vinh doanh nghiệp.

Quang Thiện (Tuổi Trẻ)