10:17 09/04/2021

Cắt giảm năng lượng tái tạo là bắt buộc

Nguyễn Mạnh

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến, trong năm 2021 sẽ phải cắt giảm khoảng 1,3 tỉ kWh điện năng lượng tái tạo do quá tải đường dây 500 kV. Trong trường hợp có thêm nguồn năng lượng tái tạo vận hành sớm so với tiến độ dự kiến, sản lượng cắt giảm sẽ còn cao hơn

Chính sách khuyến khích đầu tư làm bùng nổ các dự án năng lượng mặt trời.
Chính sách khuyến khích đầu tư làm bùng nổ các dự án năng lượng mặt trời.

Sản lượng cắt giảm năng lượng tái tạo năm 2021 sẽ cao gấp 3,56 lần so với năm 2020 (365 triệu KWh). Trong đó, có hơn 500 triệu KWh điện năng lượng mặt trời.

SỨC ÉP AN TOÀN HỆ THỐNG ĐIỆN

Theo báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh quý 1/2021 của EVN, trong 3 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 59,65 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, sản lượng huy động từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 7,79 tỷ kWh, tăng 180,6% so với cùng kỳ năm 2020 (riêng điện mặt trời lên tới 7,13 tỷ kWh).

Theo EVN, trong quý 1/2021, EVN gặp một số khó khăn trong huy động nguồn linh hoạt. Cụ thể, các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi năng lượng tái tạo, ảnh hưởng đến an ninh cấp điện cuối mùa khô; tăng số lần khởi động/thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than/tuabin khí, làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy.

Trong báo cáo mới đây, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) cho biết, trong giai đoạn hiện nay, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo cung cấp cho hệ thống chiếm mức cao (xấp xỉ 23,5%) đã góp phần đảm bảo nguồn cung, nhưng do khả năng phát điện phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng sơ cấp tức thời, thay đổi thường xuyên khó dự báo nên việc đảm bảo cung cầu vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn truyền thống.

Do đặc điểm công nghệ, các nguồn điện truyền thống (than, khí) thường vận hành không linh hoạt (tốc độ tăng/giảm công suất thấp, dải điều chỉnh nhỏ chỉ đạt khoảng 20-30% công suất đặt tổ máy, thời gian khởi động kéo dài…); Các nguồn nguồn thủy điện tuy vận hành linh hoạt hơn nhưng hiện chỉ chiếm khoảng 20% công suất hệ thống.

Đáng lưu ý, vào các cao điểm chiều tối hàng ngày, việc cung cấp điện hoàn toàn phụ thuộc vào các nguồn truyền thống do lúc này toàn bộ các nguồn cung từ điện mặt trời (khoảng 12.000-13.000 MW) đã không còn khả năng vận hành phát điện. Bên cạnh đó, nhiều thời điểm các nguồn điện phát ở khu vực miền Trung/Nam không thể phát được tối đa do các ràng buộc lưới điện truyền tải 110/220kV và cả liên kết 500kV từ miền Trung ra miền Bắc.

Chính vì vậy, việc huy động các nguồn điện hàng ngày cần được tính toán hợp lý, cơ cấu nguồn phải đảm bảo có dự phòng để đáp ứng không những các thay đổi của phụ tải tiêu thụ điện mà còn với các thay đổi bất thường của chính các nguồn năng lượng tái tạo với mức độ thay đổi hàng nghìn MW trong vài giây.

Với những lý do nêu trên, EVNNLDC cho rằng việc tiết giảm khả năng phát các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng như hiện nay là bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn cung cấp điện. Tuy nhiên, vẫn phải có những giải pháp hợp lý để khai thác các nguồn điện từ năng lượng tái tạo.

LÃNG PHÍ NGUỒN TÀI NGUYÊN

Trong thời gian tới, hiện tượng thừa nguồn, quá tải lưới điện gây tiết giảm năng lượng tái tạo được nhận diện sẽ tiếp tục xuất hiện, như giai đoạn tháng 7 - 9 (miền Bắc bước vào thời kỳ lũ chính vụ của các hồ thủy điện), sản lượng điện tiết giảm dự kiến khoảng 180 triệu kWh/tháng, giai đoạn tháng 10 - 12 (các nguồn điện gió vào vận hành đủ theo quy hoạch, đồng thời đang trong giai đoạn mùa lũ miền Trung - Nam), lượng tiết giảm có khả năng lên đến 350 - 400 triệu kWh/tháng.

Vì sao năng lượng tái tạo – nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường lại đang bị cắt giảm công suất trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện?

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam,  nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này đã thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, do phát triển nóng trong khi hệ thống lưới điện không thay đổi đã dẫn đến việc quá tải đường truyền tải, không còn cách nào khác là phải cắt giảm.

Chính sách khuyến khích đã thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, do phát triển nóng trong khi hệ thống lưới điện không thay đổi đã dẫn đến việc quá tải đường truyền tải, không còn cách nào khác là phải cắt giảm.

Về vấn đề quá tải của hệ thống điện, tại diễn đàn về các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam mới đây, ông Bùi Văn Thịnh, Hiệp hội Điện gió & Mặt trời Bình Thuận, cho rằng trong Quy hoạch điện VI, Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch điện VIII sắp tới đã quy định rất rõ ràng việc phát triển năng lượng tái tạo bao gồm cả nguồn và lưới. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc tuân thủ các quy hoạch chưa được quan tâm, vẫn xuất hiện cơ chế xin – cho bổ sung quy hoạch dẫn tới gây áp lực rất lớn cho hệ thống truyền tải.

Cũng tại diễn đàn này, ông Đào Du Dương, Phó chủ tịch thường trực Đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại Tp.HCM, cho biết việc bảo đảm an toàn an ninh năng lượng điện Quốc gia được giao cho EVN, nhưng đơn vị này vẫn đang rất bị động, không đưa ra được kế hoạch lâu dài, cũng như không dự đoán được sự bùng nổ của năng lượng tái tạo trong năm vừa qua.

Trong đó, các dự báo của EVN cũng như Bộ Công Thương về năng lượng tái tạo đều không sát với thực tế, không đánh giá hết được năng lực của việc doanh nghiệp năng lượng tái tạo Việt Nam. Ngoài ra, các quy hoạch điện còn mang tích chất chủ quan, độc quyền dẫn đến các quy hoạch không được kiểm soát. Từ đó, dẫn tới việc buộc phải cắt giảm điện năng lượng tái tạo, ông Dương nhấn mạnh.

Theo ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Sao Mai, việc cắt giảm điện năng lượng tái tạo khoảng 1,3 tỉ kWh trong năm 2021 do quá tải đường dây 500 kV không những có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho doanh nghiệp, mà còn là sự lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia. Ngành điện cần nâng cấp đường dây truyền tải theo đúng các quy hoạch điện đã được phê duyệt.