Đổi mới sáng tạo trong phát triển tài nguyên dược liệu tại Ninh Bình
Tri thức về cây thuốc tại tỉnh Ninh Bình là kết quả của quá trình tích lũy kinh nghiệm qua nhiều thế hệ. Trong bối cảnh hiện nay, khi xu hướng quay về với thảo dược, sản phẩm từ thiên nhiên ngày càng phổ biến, việc bảo tồn, số hóa và phát triển nguồn tài nguyên dược liệu địa phương mang ý nghĩa cấp thiết…

Chiều 18/5/2025, tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn đã chủ trì phối hợp với Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người và Viện Nghiên cứu y học Đinh Tiên Hoàng tổ chức Hội thảo:: “Đổi mới sáng tạo trong phát triển tài nguyên dược liệu địa phương từ di sản của Đức Thánh Nguyễn Minh Không”. Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp, trong lĩnh vực y tế và dược liệu.
TÀI SẢN DƯỢC LIỆU – VĂN HÓA QUÝ BÁU
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Văn Cường, Bí thư huyện Ủy huyện Gia Viễn khẳng định: Gia Viễn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và có hệ sinh thái phong phú, đặc biệt là hệ thực vật vùng núi đá vôi. Nơi đây lưu giữ kho tàng tri thức cây thuốc dân gian quý giá, không chỉ là "tài sản" của huyện mà còn góp phần quan trọng trong kho tàng y học cổ truyền Việt Nam.
Tri thức về cây thuốc tại Gia Viễn phản ánh sự thông tuệ, thích nghi của cộng đồng bản địa với điều kiện tự nhiên, là kết quả của quá trình tích lũy kinh nghiệm qua nhiều thế hệ. Từ tiềm năng và lợi thế lớn, nhiều địa phương, trong đó có huyện Gia Viễn đã khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm các mô hình tri thức bản địa”, ông Cường chia sẻ.
Theo Bí thư huyện Ủy Gia Viễn, thời gian qua, huyện Gia Viễn đã triển khai nhiều mô hình bảo tồn và phát triển cây dược liệu, trong đó nổi bật là việc xây dựng Vườn thảo dược Nguyễn Minh Không trong khuôn viên Di tích cấp quốc gia Đền Thánh Nguyễn. Vườn được phân chia thành các khu vực: Thảo dược viên Đền Thánh, Vườn thuốc nhân dân, Vườn thuốc đời người… Đây không chỉ là nơi lưu giữ, trình diễn hàng trăm loài thảo dược quý như trà hoa vàng, xạ đen, cúc tần bì, mạch môn, mộc hương,… mà còn là điểm đến hấp dẫn du khách yêu thích trải nghiệm sức khỏe và văn hóa truyền thống.
Mô hình du lịch cộng đồng kết hợp thiền – thuốc – trà cũng được giới thiệu tại hội thảo. Với chủ đề “Thiền – Thuốc”, tour du lịch này kết hợp thiền định, yoga, thưởng trà, tắm lá thuốc, tìm hiểu cây thuốc và tri thức dân gian, góp phần chăm sóc sức khỏe toàn diện thân – tâm – trí cho du khách.
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác như xông hơi, massage, đi bộ, dinh dưỡng lành mạnh… đang được triển khai mạnh mẽ, gắn kết với cảnh quan thiên nhiên trong lành và di sản văn hóa đặc thù của vùng đất Cố đô. Những mô hình này đang giúp tỉnh Ninh Bình định hình thương hiệu điểm đến du lịch sức khỏe, nâng tầm giá trị tài nguyên địa phương.
"Trong bối cảnh hiện nay, khi xu hướng quay về với thảo dược, sản phẩm từ thiên nhiên ngày càng phổ biến. Do đó, việc bảo tồn, số hóa và phát triển nguồn tài nguyên dược liệu địa phương mang ý nghĩa cấp thiết".
TS. Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện Khoa học thuốc Nam.
TS.Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện Khoa học thuốc Nam, cho hay tại vườn thảo dược Nguyễn Minh Không trong khuôn viên Di tích cấp quốc gia Đền Thánh, những cây thuốc được sưu tầm và trồng tại đây được phân loại theo từng giai đoạn đời người: từ sơ sinh, thiếu niên, trung niên đến cao tuổi. Cách tiếp cận này giúp du khách và cộng đồng dễ dàng tiếp cận kiến thức dược liệu thông qua các biểu tượng sinh học – văn hóa – tâm linh.
“Vườn thuốc không chỉ phục vụ giáo dục cộng đồng mà còn là mô hình trình diễn sáng tạo, góp phần lưu giữ tri thức truyền thống”, TS.Ngô Đức Phương khẳng định. Đồng thời, TS.Ngô Đức Phương đề xuất phát triển sách thuốc điện tử “Gia Viễn Dược Trí”, trên cơ sở số hóa dữ liệu cây thuốc trong Vườn thuốc đời người. Sách điện tử này sẽ tích hợp tên gọi, hình ảnh, mô tả thực vật, công dụng, cách dùng, lưu ý sử dụng cây thuốc, giúp chuẩn hóa và truyền bá tri thức dân gian một cách hiện đại.
TS.Phương cũng đề nghị huyện Gia Viễn cần điều tra thực địa, mở rộng danh mục cây thuốc đặc trưng của địa phương, nhất là tại các thung thuốc cổ như thung Lau, thung Lá, rìa rừng Cúc Phương – nơi vẫn lưu truyền nhiều loài cây quý ít người biết đến. Việc ghi chép, khảo sát sử dụng cây thuốc của cộng đồng dân tộc thiểu số, các gia đình làm nghề thuốc cũng là nguồn tư liệu vô giá cần được khai thác đúng hướng.
TRÀ HOA VÀNG – “BIỆT DƯỢC” QUÝ CẦN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Một nội dung quan trọng được đề cập tại hội thảo là phát triển cây Trà hoa vàng Cúc Phương (Camellia cucphuongensis) – loài cây quý hiếm đặc hữu vùng núi đá vôi miền Bắc, trong đó có huyện Nho Quan, Ninh Bình. Ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình, cho biết trà hoa vàng không chỉ có giá trị y học cao (chống oxy hóa, hạ huyết áp, bảo vệ gan…) mà còn là nguyên liệu trà cao cấp với tiềm năng kinh tế lớn.
Tuy nhiên, hiện nay loài cây này đang đối mặt nguy cơ cạn kiệt nguồn giống, kỹ thuật nhân giống còn yếu, chưa có quy trình sản xuất khép kín, thiếu nhãn hiệu thương mại đồng bộ. Nhằm bảo tồn và phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các viện nghiên cứu Trung ương triển khai đề tài xây dựng mô hình nhân giống trà hoa vàng bằng phương pháp giâm hom và đang hoàn thiện hồ sơ nhãn hiệu chứng nhận “Trà hoa vàng Cúc Phương”.

Việc xây dựng thương hiệu, chuẩn hóa quy trình canh tác, mở rộng vùng trồng theo hướng hữu cơ và kết nối với sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP chính là chìa khóa để nâng tầm giá trị cây trà hoa vàng nói riêng và các dược liệu quý tại Ninh Bình nói chung.
Bà Lê Huyền Trang, Trưởng Đại diện Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học, công nghệ (SVF) tại Hà Nội, cho hay được thành lập vào năm 2014, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tự hào là quỹ xã hội hóa và phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào sứ mệnh hỗ trợ hình thành và phát triển Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên toàn quốc. Tính đến nay, SVF đã hợp tác công tư với 24 tỉnh, thành phố, hỗ trợ nâng cao năng lực cho hơn 4.924 doanh nghiệp.
Bà Trang đề xuất Sáng kiến toàn diện: "Nâng tầm giá trị Trà Hoa Vàng Ninh Bình thông qua khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo". Với sáng kiến này, SVF kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra một bước đột phá cho ngành hàng Trà Hoa Vàng của tỉnh Ninh Bình: gia tăng số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh sản phẩm này, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển tài nguyên dược liệu một cách sáng tạo và bền vững. Các kiến nghị tập trung vào: xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp dược liệu địa phương; kết nối giữa nghiên cứu – ứng dụng – sản xuất – tiêu thụ; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; phát triển chương trình đào tạo kỹ năng sử dụng và chế biến cây thuốc; đặc biệt là thúc đẩy xã hội hóa xây dựng vườn thuốc nam gắn với di tích tâm linh và giáo dục truyền thống.