22:51 11/11/2012

Chất vấn, tản mạn trước giờ khai cuộc

Nguyên Sa

8h sáng 12/11, bắt đầu phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp Quốc hội thứ tư

Sáng 14/11, Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: MĐ.<br>
Sáng 14/11, Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: MĐ.<br>
Chủ Nhật, gió mùa về, Hà Nội lạnh run trong mưa phùn. Bấm số di động của một vị đại biểu tỉnh ngoài, định bụng nhờ ông giải thích rõ hơn một ý trong chất vấn mà ông đã gửi đến một thành viên Chính phủ.

Vừa nhấc máy, ông đã bảo, đang “đau đầu” với bộn bề báo cáo và văn bản trả lời để tiếp tục chất vấn ở hội trường. Vì, rõ ràng là mình chưa ưng thì cũng khó trả lời cho bà con cử tri, nhưng mà “xoáy” vào điểm nào để có câu trả lời thỏa đáng thật chẳng dễ dàng một chút nào hết.

Không quan tâm đến mưa rét, vì trong lòng đang “nóng” khi nhiều câu trả lời về cùng một vấn đề cứ loanh quanh hết kỳ này sang kỳ khác, ông chia sẻ.

Không dám phiền ông, quay lại với hàng trăm chất vấn được các vị đại biểu gửi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, thấy vừa quen vừa lạ.

Quen hơn cả là danh tính người gửi chất vấn, hầu như kỳ nào cũng thế, chỉ khoảng dăm bảy chục vị chọn hình thức chất vấn qua văn bản.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng kiên trì theo đuổi các vấn đề liên quan đến kỷ luật ngân sách, trong khi Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ngày càng sắc sảo hơn khi “truy” các vấn đề liên quan đến xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM bên cạnh sự sốt ruột về nợ xấu, quản lý vàng, vẫn trĩu nặng ưu tư khi chất vấn về doanh nghiệp nhà nước.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân chẳng ngại ngần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ rằng Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có vi phạm kỷ cương, phép nước không, khi đã im lặng không trả lời văn bản về một số vụ khiếu kiện của công dân được ông chuyển đến khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

Lạ, là kỳ này chỉ duy nhất một đại biểu chất vấn Thủ tướng, qua văn bản.

Một vị đại biểu đoàn Bình Phước nói rằng, đầu kỳ họp ông đã chuẩn bị nội dung chất vấn người đứng đầu Chính phủ, song ngay tại phiên khai mạc Thủ tướng đã nhận lỗi. Vậy nên ông sẽ theo dõi quá trình sửa lỗi, rồi sẽ lại chất vấn, nếu thấy cần thiết.

Chỉ được nghỉ không lên hội trường ngày Chủ Nhật, nhiều vị đại biểu đã tận dụng tối đa khoảng thời gian này để nghiên cứu các báo cáo về kết quả thực hiện lời hứa sau chất vấn của hai kỳ họp liền trước. Từ đó, chọn vấn đề nào chưa rõ, lời hứa nào chưa có nhiều chuyển biến để tiếp tục truy vấn tại hội trường.

Hàng ngàn trang trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp trước cũng như chi tiết các ý kiến gửi đến kỳ họp này cũng đã nằm trong e-mail của tất cả các vị đại diện của dân từ mấy ngày nay.

Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó có ghi nhận lời hứa của các thành viên Chính phủ ở kỳ họp thứ 2 và thứ 3 cũng đã được gửi lại, để các đại biểu tiện đối chiếu, đánh giá.

Cả đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) và Lê Như Tiến (Quảng Trị) đều chấm điểm cao cho báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Khi các thông tin về quy hoạch thủy điện, lộ trình vận hành thị trường bán điện cạnh tranh… được cung cấp khá đầy đủ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến đúc kết, chất vấn là quá trình nhận thấy, nhận thức, nhận biết và nhận ra.

Khi chất vấn, đại biểu đặt ra nhiều vấn đề, ngay lúc đó có thể chưa nhận ra hết, song hậu kỳ họp cần phải hành động ngay để tạo chuyển động theo hướng tích cực, và vì thế mới có các báo cáo hậu chất vấn, ông Tiến nói.

Cũng theo vị đại biểu này, mỗi kỳ họp Quốc hội đều cần dành thời gian để thảo luận và có hình thức phù hợp để thể hiện mức độ đánh giá với các “bản tự kiểm điểm” của các vị bộ trưởng, nhất là với các báo cáo chưa đạt chất lượng.

Với sự xuất hiện chỉ từ 4 - 5 thành viên Chính phủ mỗi kỳ chất vấn, nhiều vị đại biểu cho rằng phải làm tốt hơn nữa việc chất vấn và trả lời bằng văn bản.

Và ở kỳ họp này, cũng đã có vị bộ trưởng ở ghế “dự bị” trả lời chất vấn lại được một số vị đại biểu khen vì trả lời nhanh, đầy đủ các chất vấn bằng văn bản.

Gửi phiếu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính không chỉ một vấn đề, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp/HCM) nhận xét, “Bộ trưởng trả lời mọi câu hỏi của tôi rất kịp thời và đầy đủ, tôi rất hài lòng”.

8h sáng 12/11, bắt đầu phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp Quốc hội thứ tư. Chắc chắn, những vấn đề nóng ở hàng trăm chất vấn qua văn bản vẫn sẽ lên nghị trường, khi một số vị đại biểu chưa hài lòng với câu trả lời không đối thoại, qua trang giấy.

Ở suy nghĩ khác, một số vị đại biểu lại dứt khoát không “lộ đề” trước khi danh sách chất vấn tại hội trường được “khóa sổ”. Lý lẽ của việc này là, chất vấn bộ trưởng chưa hài lòng thì sẽ tiếp tục chất vấn Thủ tướng, với các vấn đề ở tất cả mọi lĩnh vực của đời sống.