14:37 06/06/2008

Châu Á giằng co giữa lạm phát và tăng trưởng

Lê Hường

Theo Citibank, các nhà hoạch định chính sách của châu Á tiếp tục phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng

Chống lạm phát buộc các nước châu Á phải chấp nhận tăng trưởng chậm lại.
Chống lạm phát buộc các nước châu Á phải chấp nhận tăng trưởng chậm lại.
Ngân hàng Citibank (Mỹ) vừa công bố bản báo cáo về triển vọng kinh tế châu Á. Theo đó, biến động trên thị trường dầu mỏ, tình thế tiến thoái lưỡng nan của các ngân hàng trung ương và động đất ở Trung Quốc là những thách thức chủ yếu của nền kinh tế khu vực này.

Các nhà hoạch định chính sách của châu Á tiếp tục phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại, lạm phát gia tăng và giá dầu có thể góp phần củng cố xu hướng này.

Tỷ lệ lạm phát trung bình có thể leo thêm 3,5 điểm phần trăm. Về lý thuyết, nếu giá dầu tăng đến 200 USD/thùng vào cuối năm nay, tỷ trọng chi tiêu cho dầu mỏ trong GDP sẽ vượt quá đỉnh cao năm 1980 tại hầu hết các nền kinh tế ở châu Á. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng của châu Á có thể giảm 1,5 điểm phần trăm. Tăng trưởng của các nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào năng lượng như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Đài Loan sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn.

Tài khoản vãng lai sẽ xấu đi ở những nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan và Thái Lan, ảnh hưởng đến đồng tiền của những nước này. Indonesia và Malaysia đã công bố một số điều chỉnh về giá nhiên liệu có thể được áp dụng, gánh nặng tài chính của ấn Độ từ việc trợ giá nhiên liệu có thể tăng thêm đáng kể.

Động đất ở Trung Quốc có thể có tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này trong ngắn hạn. Ba loại tác động kinh tế trực tiếp là phá hủy tài sản, sản xuất và tiêu dùng sụt giảm, tăng đầu tư cho tái cơ cấu. Vì vậy, vụ động đất này có thể có một số tác động tạm thời đến lạm phát và các chính sách kinh tế vĩ mô. Vì sản xuất sụt giảm và giao thông bị phá hủy, nên tỷ lệ lạm phát, đặc biệt là giá cả lương thực có thể giữ ở mức khá cao trong một thời gian tương đối dài.

Điều này có nghĩa là các cơ quan chức năng phải tiếp tục chiến đấu với lạm phát. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã trì hoãn việc thực thi yêu cầu tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng ở những khu vực chịu tác động mạnh nhất. Du lịch là lĩnh vực có khả năng phải trải qua một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, Citibank khẳng định, động lực đầu tư vào Trung Quốc có thể tiếp tục được gia tăng nhờ những nỗ lực tái cơ cấu.

Các nhà hoạch định chính sách ở châu Á tiếp tục phải đương đầu với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa lạm phát và tăng trưởng. Trong khi một số hoạt động kinh tế đã cho thấy những bước tiến khiêm tốn, tỷ lệ lạm phát vẫn tiếp tục leo cao trong những tháng gần đây.

Hầu hết các ngân hàng trung ương phải “giằng co” giữa sự cần thiết phải thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và mong muốn nới lỏng chính sách để ngăn chặn tốc độ suy giảm đà tăng trưởng kinh tế. Việc do dự thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh lạm phát đang tăng mạnh có thể dẫn đến những động thái chính sách mạnh hơn về sau hoặc lạm phát bùng phát.

Theo số liệu kinh tế hàng tháng mới nhất, tốc độ sản xuất công nghiệp đã giảm ở Trung Quốc, ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam trong khi tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan và Việt Nam đều sụt giảm.

Mặc dù, nhìn chung, tốc độ sụt giảm vẫn còn khiêm tốn về quy mô, nhưng xu thế hiện nay là đáng quan ngại đối với các cơ quan chức năng. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, tăng trưởng xuất khẩu đã giảm từ mức 30,6% trong tháng 3 xuống còn 21,8% trong tháng 4, trong khi tăng trưởng sản xuất giảm xuống 15,7% từ con số 17,8%, xét cùng kỳ.

Những số liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cho thấy, lạm phát gia tăng ngày càng trở nên phổ biến trong khu vực này.

Phản ứng của các ngân hàng trung ương đối với thách thức kinh tế vĩ mô này có phần khác nhau theo từng khu vực. Trung Quốc, Ấn Độ và Đài Loan duy trì những bước thắt chặt khiêm tốn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất cơ bản từ mức 8,75% lên 12%. Ngân hàng trung ương Indonesia cũng tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên mức 8,25%. Hàn Quốc và Philippines duy trì kêu gọi các chính sách thắt chặt tiền tệ.

Trước sức ép về lạm phát, Chính phủ Việt Nam phải chọn mục tiêu hàng đầu là ưu tiên kiềm chế lạm phát và giảm tốc độ tăng trưởng trong năm 2008 xuống mức 7%. Tuy nhiên, con số này được Citibank ước tính chỉ là 6,7% trong năm 2008 và 6,4% trong năm 2009.

Ngoài ra, Citibank cũng đưa ra nhận định rằng chất lượng các khoản vay và sự mất cân đối về thời hạn tín dụng đang gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại ở Việt Nam.