10:14 03/11/2012

Chi tiền phạt bồi dưỡng cảnh sát giao thông: “Chưa phù hợp”

Nguyên Hà

Quy định sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông được đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ

Trong 3 năm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao 
thông tại ở Tp.HCM là 750 tỷ đồng, Hà Nội thu gần 600 tỷ đồng, Đồng Nai 
gần 543 tỷ đồng.
Trong 3 năm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông tại ở Tp.HCM là 750 tỷ đồng, Hà Nội thu gần 600 tỷ đồng, Đồng Nai gần 543 tỷ đồng.
Ủy ban Pháp luật trong báo cáo giám sát vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội đã kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, trong đó có việc trích 70% cho cảnh sát giao thông.

Cơ sở nào dành 70% tiền thu phạt vi phạm luật giao thông của năm 2011 (tương đương hơn 1.700 tỷ đồng) để bồi dưỡng cảnh sát giao thông cũng là nội dung đã được đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Tp.HCM) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội.

Theo trả lời của Bộ trưởng Huệ, việc này được thực hiện trên cơ sở tổng kết đánh giá công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông và nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ giao.

Tuy nhiên, kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải của Ủy ban Pháp luật lại cho thấy quy định về sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hiện nay là “chưa phù hợp”.

Báo cáo giám sát cho biết, trong 3 năm qua, tổng số tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải là trên 6,7 nghìn tỷ đồng, phần lớn thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Hiện nay, việc quản lý và sử dụng số tiền này được thực hiện theo quy định tại một số nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bất cập được cơ quan giám sát chỉ ra là Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định “Nghiêm cấm sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ bán tang vật, phương tiện bị tịch thu để trích thưởng. Song, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính lại quy định toàn bộ tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính được điều tiết 100% cho ngân sách địa phương, cụ thể được phân bổ như sau:

“1. Trích 70% cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

2. Trích 10% cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải hoạt động tại địa phương để sử dụng cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của địa phương…. Nếu tại địa phương có trạm cân kiểm tra xe, cảng vụ đường thuỷ nội địa đóng và hoạt động thì:

- Trích 2% cho trạm cân kiểm tra xe...

- Trích 2% cho cảng vụ đường thuỷ nội địa ….

3. Trích 10% cho ban an toàn giao thông của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Trích 10% cho các lực lượng khác trực tiếp tham gia vào công tác trật tự an toàn giao thông tại quận, huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn (trừ lực lượng Công an và Thanh tra giao thông vận tải địa phương”.


Ủy ban Pháp luật khẳng định, các quy định nêu trên không phù hợp với quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội thông qua (tháng 6/2012) và quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Dẫn đến việc sử dụng khoản thu này của ngân sách không tập trung, không bảo đảm mục đích thu của xử phạt vi phạm hành chính nói riêng, ngân sách nhà nước nói chung.

“Việc sử dụng tiền như trên dẫn đến việc hiểu không đúng mục đích của xử phạt vi phạm hành chính, gây dư luận không tốt trong nhân dân”, báo cáo giám sát nhấn mạnh.

Bất cập khác cũng được đoàn giám sát chỉ ra là do số thu của các địa phương có sự chênh lệch rất lớn, nên nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các địa phương có sự khác nhau, mức chi cho các lực lượng khác nhau trong cùng một địa phương chưa phù hợp với yêu cầu công việc.

Cụ thể, trong 3 năm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông tại ở Tp.HCM là 750 tỷ đồng, Hà Nội thu gần 600 tỷ đồng, Đồng Nai gần 543 tỷ đồng. Trong khi đó, Bắc Kạn thu chỉ thu được 7,6 tỷ đồng, Hà Giang 10 tỷ đồng, Lào Cai thu 14,5 tỷ đồng, Điện Biên 16 tỷ đồng...

Từ những phân tích trên, Ủy ban Pháp luật kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định về quản lý, sử dụng tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính nói chung cũng như trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng, đã được đoàn giám sát chỉ rõ là  không phù hợp với quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về ngân sách Nhà nước.