07:27 23/10/2020

Chính quyền ông Trump muốn kiềm chế Google: Không dễ!

An Huy

“Hạ bệ” Google sẽ khó hơn rất nhiều so với việc kiềm chế bất kỳ một công ty nào khác trong lịch sử

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Đối với những người dùng mạng Internet, Google đã trở thành một công cụ gần như "không thể không dùng". Cái tên "Google" đã trở thành một từ đồng nghĩa của "tìm kiếm trực tuyến".

Giờ đây, vị thế thống trị của Google trên thị trường tìm kiếm trên mạng đang bị đe dọa bởi Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ). Hôm 20/10, cơ quan này đã khởi kiện Google, mở ra một trong những vụ kiện chống độc quyền mang tính lịch sử nhằm vào một công ty công nghệ. Ở thời điểm này, chưa ai có thể đoán định hệ quả mà vụ kiện có thể gây ra cho Google, nhưng Thứ trưởng DOJ Jeffrey Rosen đã nói rằng "chúng tôi không loại trừ bất kỳ khả năng nào".

Nhưng nếu kiềm chế Google - một "gã khổng lồ" công nghệ - là mục tiêu của chính quyền Tổng thống Donald Trump, thì theo trang CNN Business, có một câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu tất cả những khả năng mà DOJ đang tính đến có đủ hay không?

Khi nói về Google, tất cả những con số đều gây choáng ngợp: Google chiếm hơn 92% thị trường tìm kiếm trực tuyên toàn cầu, theo số liệu của website phân tích StatCounter. Google Chrome chiếm 66% thị trường trình duyệt web của thế giới, và gần 3/4 số điện thoại thông minh (smartphone) trên thế giới được trang bị hệ điều hành Android của Google.

DOJ đã có động thái đầu tiên nhằm hạn chế sức mạnh này của Google, nhưng để thực sự làm được việc đó đòi hỏi phải những hành động chưa từng có tiền lệ mà cho tới nay chưa có một kế hoạch rõ ràng nào được đưa ra.

LIỆU NGƯỜI DÙNG CÓ DỪNG VIỆC "GOOGLE" MỌI THỨ?

Địa vị công cụ tìm kiếm mặc định mà Google đang nắm giữ là một trong những điểm chính trong đơn kiện của DOJ. Lá đơn cáo buộc Google đã chi hàng tỷ USD theo thỏa thuận với các trình duyệt web, nhà mạng không dây và nhà sản xuất smartphone để đảm bảo rằng công cụ tìm kiếm Google luôn nằm ở vị trí đầu tiên.

Trước vụ kiện của Mỹ, các nhà chức trách châu Âu đã đi đầu trong nỗ lực hạn chế bớt sức mạnh của Google. Liên minh châu Âu (EU) đã áp các khoản phạt với tổng trị giá hơn 9 tỷ USD lên Google và buộc công ty này phải cho phép người dùng được lựa chọn trình duyệt web và công cụ tìm kiếm.

Nhưng các biện pháp này có vẻ không mang lại kết quả như EU mong muốn: Google vẫn chiếm khoảng 93% thị trường tìm kiếm ở châu Âu ở thời điểm tháng 9/2020, theo dữ liệu của StatCounter.

"Châu Âu chắc chắn là người đi đầu trong việc nhằm vào Google, và họ đã làm tốt việc điều tra và kiện tụng", chuyên gia Sally Hubbard thuộ Open Markets Institute nhận định. "Việc họ chưa làm được là phương thức giải quyết".

Vấn đề lớn nhất nằm ở việc mọi người đã quá quen với việc sử dụng Google, đến nỗi họ chẳng buồn dùng một thứ khác ngay cả khi họ được trao cho các lựa chọn.

"Xét tới vị thế mà Google đang có hiện nay, nhiều người dùng có thể chỉ tiếp tục dùng Google và các nhà sản xuất điện thoại vẫn cứ hành động như cũ mà thôi", chuyên gia Charlotte Slaiman thuộc Public Knowledge nhận định. "Tôi cho rằng việc buộc Google phá bỏ hợp đồng với các nhà sản xuất smartphone là chưa đủ".

KHÔNG DỄ ĐỂ TẠO RA MỘT GOOGLE MỚI

Phá bỏ địa vị thống lĩnh của một trong những công ty lớn nhất thế giới - với giá trị vốn hóa thị trường hơn 1 nghìn tỷ USD, nguồn lực gần như vô hạn và đã có hai thập kỷ đi trước trong việc củng cố vị thế - chắc chắn không phải là việc dễ.

Theo bà Hubbard, quy mô và sức mạnh quá lớn của Google khiến cho các chiến thuật của châu Âu trở nên tương đối vô dụng. "Google quá mạnh", bà nói. "Các hóa đơn phạt chẳng khiến Google hề hấn gì. Về cơ bản, các quy chế của châu Âu không thể giải quyết được vấn đề".

Một lý do khác để tin rằng Google sẽ không mất đi sự thống trị trên thị trường tìm kiếm trực tuyến là việc thiếu những lựa chọn thay thế khả thi, cũng như thách thức trong việc tạo ra một Google khác.

"Nền tảng tìm kiếm của Google chứa hàng trăm tỷ trang web và có quy mô 100.000.000 gigabyte", DOJ nói trong đơn kiện mới đây. "Phát triển một nền tảng tìm kiếm tổng quát ở quy mô này, cũng như các thuật toán tìm kiếm khả thi, sẽ đòi hỏi đầu tư ban đầu nhiều tỷ USD".

Công ty gần đây nhất có thể làm được như vậy là Microsoft, một "ông lớn" có nguồn lực để cạnh tranh ngang ngửa với Google. Tuy nhiên, công cụ tìm kiếm Bing mà Microsoft trình làng cách đây hơn 1 thập kỷ đã không thể thu hút được một lượng người dùng đáng kể. Bing hiện đứng ở vị trí thứ nhì về thị phần tìm kiếm trực tuyến, nhưng cách Google một khoảng rất xa. Số liệu của StatCounter cho thấy, thị phần toàn cầu của Bing chỉ đạt khoảng 3%.

CHÍNH PHỦ MỸ CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC GÌ?

Một trong những thế mạnh lớn nhất của Google là lượng dữ liệu "khủng" mà công ty này đã tích lũy được, và đây là một việc không phải muốn là làm được.

"Lượng dữ liệu mà Google xây dựng được qua nhiều năm, từ các cú nhấp chuột và lệnh tìm kiếm của người dùng, cho phép Goole đoán trước được chính xác tới vậy việc người dùng sẽ nhấp chuột vào đâu", bà Slaiman nói. "Bởi thế tôi nghĩ rằng đó cũng là một thứ có thể nên được nhằm vào".

Nhưng các hướng đi để hạn chế sức mạnh tìm kiếm mà nền tảng dữ liệu này tạo ra cũng không rõ ràng.

Một gợi ý là làm suy giảm vai trò của Google trong việc tìm kiếm những dịch vụ mà ở đó Google có nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh - chẳng hạn như "trang vàng" Yelp hay web du lịch Expedia. Bà Slaiman cho rằng cơ quan chức năng Mỹ có thể đưa ra các biện pháp giúp người dùng tiếp cận trực tiếp hơn với những dịch vụ chuyên biệt này, song song với việc giảm bớt ảnh hưởng của Google trong việc tiếp cận những dịch vụ đó.

"Mọi người có thể tiếp tục tìm đến Google để gõ những lệnh tìm kiếm mà Google làm tốt, nhưng có nhiều công cụ tìm kiếm chuyên biệt cung cấp kết quả tốt hơn trong những lĩnh vực cụ thể", bà Slaiman nói. "Chẳng hạn, nếu tôi muốn tìm một thợ sửa đường ống, có thể tôi không muốn người thợ được nhấp chuột nhiều nhất, vì Google chưa chắc đã có được mức độ kiểm soát chất lượng của thợ đường ống tốt như những gì mà các trang tìm kiếm chuyên biệt làm được".

Chính phủ Mỹ cũng có thể áp dụng biện pháp tương tự châu Âu yêu cầu Google trao cho người dùng khả năng lớn hơn trong việc lựa chọn công cụ tìm kiếm ưa thích, như Google đã phải làm trên các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android ở châu Âu.

Tuy nhiên, xét tới ảnh hưởng hạn chế của những biện pháp như vậy, và thậm chí là hàng tỷ USD tiền phạt, tính đến thời điểm này, nhiều chuyên gia đang kêu gọi hành động quyết liệt hơn.

Các hình phạt trước và ảnh hưởng không đáng kể của các biện pháp đó đối với sức mạnh của Google cho thấy "vì sao cần phải chia tách" Google, bà Hubbard phát biểu.

Nhưng cuộc tranh luận về chia tách các công ty công nghệ lớn đã chứng tỏ là một vấn đề gây chia rẽ chính trị ở Mỹ. Bà Slaiman chỉ ra rằng cho dù có một số tiền lệ như vụ chia tách nhà mạng AT&T vào năm 1984, lịch sử đã chứng minh rằng rất khó để nhận được sự phê chuẩn của tòa án để buộc các công ty từ bỏ một phần hoạt động kinh doanh.

Và xét cho cùng, việc "hạ bệ" Google sẽ khó hơn rất nhiều so với việc kiềm chế bất kỳ một công ty nào khác trong lịch sử. "Google đã ở đó quá lâu, đủ để đạt được một vị thế mạnh tới mức khó có thể tin nổi", bà Slaiman nói.