00:29 16/01/2008

Chính thức “cứu” chứng khoán

Minh Đức

Những thông tin từ nhà quản lý cho thấy các biện pháp hỗ trợ thị trường đã bắt đầu được triển khai đồng bộ

Đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào lên tiếng hoặc có quyết sách củng cố niềm tin nhà đầu tư - Ảnh: Việt Tuấn.
Đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào lên tiếng hoặc có quyết sách củng cố niềm tin nhà đầu tư - Ảnh: Việt Tuấn.
Những thông tin từ nhà quản lý cho thấy các biện pháp hỗ trợ thị trường đã bắt đầu được triển khai đồng bộ.

Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ vào, Chỉ thị 03 được điều chỉnh để hợp với bối cảnh mới, lộ trình phát hành của các doanh nghiệp được xem xét dãn theo hướng có lợi cho thị trường phục hồi… Đây là những giải pháp được khẳng định sẽ cùng triển khai.

Trong thư gửi tới VnEconomy tìm hiểu thông tin, một nhà đầu tư cho rằng thị trường hiện nay cần những biện pháp hỗ trợ mạnh và đồng bộ, “bởi những liều kháng sinh nhỏ giọt có thể bị pha loãng và phản tác dụng trong bối cảnh hiện nay”.

Thông tin từ đại diện cơ quan điều hành thị trường cho biết, những giải pháp trên đã bắt đầu được triển khai đồng bộ, ngay từ ngày 15/1 và trong những ngày tới.

Cụ thể, từ ngày 15/1, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức mở cửa mua ngoại tệ vào. Lượng mua vào trong ngày đầu tiên này ghi nhận ở mức 30 triệu USD. Con số này chưa dừng lại khi có một số định hướng mới.

Cụ thể, theo thông tin từ ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán), Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy nhanh việc mua vào ngoại tệ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan này phải mua ngay lượng ngoại tệ còn dư của năm 2007, lượng kiều hối và lượng vốn mới năm 2008.

Trước lo ngại lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ đồng thời sử dụng các công cụ để hút tiền đồng về, hoặc trình Thủ tướng các giải pháp sử dụng vốn, chẳng hạn như đưa ra nước ngoài đầu tư… Mặt khác, tác động của việc cung tiền cũng sẽ có độ trễ nhất định.

Về Chỉ thị 03, ông Nguyễn Sơn cho biết là sẽ tiếp tục cho vay đầu tư chứng khoán dựa trên các tiêu chí quản trị rủi ro và theo “sức khỏe” của mỗi ngân hàng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, cũng cho biết Ủy ban đã có đề xuất trực tiếp và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thay thế Chỉ thị 03. Tuy nhiên, vấn đề này cần có thời gian, và trong khi chờ đợi, theo kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán là tạm dãn thực hiện chỉ thị này.

Còn theo nguồn tin của VnEconomy, trong cuộc họp chiều ngày 15/1, có hai phương án về sửa Chỉ thị 03 được đề ra:

Thứ nhất, việc cho vay đầu tư chứng khoán sẽ không theo tỷ lệ 3% như hiện hành mà theo các tiêu chí về giám sát rủi ro và an toàn tín dụng, như tăng tỷ lệ rủi ro đối với các khoản cho vay loại này, tăng tỷ lệ an toàn vốn, tăng trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, khả năng cho vay tùy thuộc vào “sức khỏe” của mỗi ngân hàng.

Thứ hai là phương án cho vay đối với các công ty chứng khoán để những thành viên này thực hiện chiết khấu, repo đối với các nhà đầu tư.

Theo ông Vũ Bằng, việc chờ Ngân hàng Nhà nước xây dựng và ban hành một văn bản mới cũng mất một thời gian. Tuy nhiên, khi Chính phủ có ý kiến thì việc thực hiện sẽ nhanh chóng hơn.

Ủy ban Chứng khoán cũng đã có báo cáo khẩn lên Chính phủ để có chỉ đạo phối hợp triển khai các giải pháp đồng bộ. Cách đây một tuần, Thủ tướng cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán, yêu cầu có những giải pháp để phục hồi thị trường. “Điều đó chứng tỏ Thủ tướng cũng ủng hộ vấn đề này và Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh”, ông Vũ Bằng nói.

Về tình hình thị trường hiện nay, đặc biệt là sau những phiên sụt giảm mạnh, VN-Index đang thách thức ngưỡng kháng cự 800 điểm, ông Vũ Bằng cho rằng nhà đầu tư cần bình tĩnh bởi hiện tại các chỉ số tài chính của các doanh nghiệp cơ bản đều rất tốt, các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đang diễn ra thuận lợi.

“Các nhà đầu tư phải có một cái nhìn dài hạn hơn vì đây là cơ hội để chúng ta mua những cổ phiếu tốt với giá hợp lý”, ông Vũ Bằng khuyến nghị.

Ông Nguyễn Sơn cũng có cùng nhận định trên khi cho rằng “dù chưa có đầy đủ báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết, nhưng qua báo cáo hàng quý có thể thấy hầu hết là rất tốt; các doanh nghiệp cơ bản đã hoàn thành và vượt kế hoạch kinh doanh hay như hệ số P/E quá tốt để mua vào”.

Ngoài việc đề nghị các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng xem xét lùi các kế hoạch chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán cũng đang xem xét khả năng khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết có quỹ thặng dư lớn mua lại cổ phiếu quỹ. Đây cũng là một cách để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, cổ đông.

Hiện tại, giá hầu hết các cổ phiếu đều đã giảm mạnh nhưng chưa có bất kỳ một doanh nghiệp niêm yết nào lên tiếng hoặc có quyết sách hỗ trợ cân bằng cung – cầu hoặc củng cố niềm tin cổ đông. Ở đây, một lần nữa vai trò của quỹ dự phòng lại được đề cập đến như sự chủ động của Sacombank hay ACB ở thời điểm chào sàn trước đây.