22:56 06/12/2021

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Chuyển từ “nhiều chạm” sang “ít chạm”, giúp giải nén dân cư đô thị

Anh Nhi

“Nếu như đại dịch Covid-19 là thách thức đối với nhân loại 100 năm mới xảy ra một lần thì chuyển đổi số mang lại cơ hội thay đổi cho nhân loại chưa từng có tiền lệ trong khoảng 100 năm nay”, ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã mở đầu như vậy trong phần tham luận tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 sáng ngày 6/12...

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Diễn đàn.

Bởi theo ông, gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, nhất là các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong khi nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn thì vẫn có những ngành tìm thấy cơ hội để phát triển. “Cơ hội đó phần nhiều có được từ chuyển đổi số”, ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐANG THẨM THẤU VÀO NỀN KINH TẾ

Theo vị Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, hình thức mua sắm trực tuyến thông qua những phương thức giao dịch như internet banking, mobile banking, ví điện tử… đã ra đời từ lâu nhưng thị hiếu và thói quen của người dân vốn không dễ thay đổi trước đây đã đổi mới rất nhanh trong bối cảnh có sự bùng phát của dịch Covid-19.

Ngay cả khi “5K + vaccine + công nghệ + thuốc đặc trị + ý thức của người dân” được xem là tấm lá chắn trong phòng, chống dịch Covid-19 thì công nghệ dựa trên nền tảng chuyển đổi số cũng đã đem đến những sự hỗ trợ cần thiết cho người dân theo phương châm: sớm nhất, nhanh nhất, nhiều nhất và hiệu quả nhất có thể.

“Khi các bệnh viện trở nên quá tải, người dân đã có thể sử dụng các ứng dụng di động thông minh để nhận tư vấn trực tuyến, hoặc đặt lịch hẹn với bác sỹ, nhân viên y tế đến chăm sóc, phát thuốc điều trị tại nhà”, ông Thắng nêu dẫn chứng.

Chuyển đổi số còn giúp các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, tiếp tục sản xuất kinh doanh trong môi trường an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, khắc phục khó khăn để bứt phá. Trong đó, doanh nghiệp nào tiếp cận được nhiều khách hàng qua nền tảng trực tuyến sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Ngược lại, những doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống đã bị tổn thương nặng nề.

“Do vậy, chuyển đổi số, không chỉ là liều thuốc để chữa lành các vết thương mà còn là đòn bẩy để phục hồi và tăng trưởng”, ông Thắng khẳng định.

Không chỉ vậy, chuyển đổi số còn giúp đẩy nhanh xây dựng một nhà nước kiến tạo và nền hành chính công hiệu quả, giảm thủ tục trung gian và sự phiền nhiễu để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Cùng với việc vận hành cơ sở dữ liệu công dân, các dịch vụ công trực tuyến đem đến sự tiện lợi cho người dân, giúp tăng cường minh bạch hoá và hạn chế tiêu cực, lãng phí. Thủ tục thuế, hải quan giờ đây chỉ phải chờ vài chục phút hoặc đôi khi chỉ là một cú nhấp chuột…

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Chuyển từ “nhiều chạm” sang “ít chạm”, giúp giải nén dân cư đô thị - Ảnh 1

Và vì vậy, chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, đã và đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và sẽ trở thành một xu hướng bao trùm, không thể thiếu của phục hồi kinh tế sau đại dịch.

“Đây sẽ là động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời kỳ hậu Covid-19”, ông Thắng nêu rõ.

BA XU HƯỚNG TƯƠNG LAI VÀ NHỮNG LƯU Ý

Tuy nhiên, để có thể chuyển đổi số thành công, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng cần phải lưu ý tới 3 xu hướng của tương lai.

Thứ nhất, nhu cầu về sự tiện lợi trong đại dịch cùng với quá trình chuyển đổi số đã thúc đẩy sự tăng nhanh của các ngành kinh tế “không tiếp xúc” và đặt ra yêu cầu chuyển từ mô hình kinh doanh “nhiều chạm” sang “ít chạm” hoặc “không chạm”.

Số liệu của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho thấy, 56% người tiêu dùng được khảo sát trên thế giới vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ mua bán qua mạng kể cả khi tình hình dịch bệnh đã lắng xuống. Ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2020-2025 dự báo sẽ đạt 29%/năm; và tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử cả nước sẽ đạt 57 tỷ USD. Trong đó, những dịch vụ giải trí, giáo dục, y tế, bảo hiểm sẽ có quy mô thị trường lớn nhất; và các dịch vụ tài chính, sức khoẻ, tiêu dùng sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất.

“Sự thay đổi này sẽ tác động đến việc làm và tạo ra diện mạo mới cho sự phân bổ không gian phát triển, nguồn lực và cách thức quản trị các hoạt động kinh tế-xã hội trong tương lai”, ông Thắng lưu ý.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bước vào quá trình dịch vụ hóa rất nhanh và kèm theo đó là số hoá dịch vụ, công nghệ 4.0 và chuyển đổi số sẽ trực tiếp thúc đẩy các ngành dịch vụ khác nhau, hình thành nhiều ngành dịch vụ kết nối và dịch vụ mới và làm tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế tạo có giá trị cao.

“Điều này đang làm thay đổi sâu sắc nội hàm của công nghiệp hóa, đặt ra cách tiếp cận và lộ trình công nghiệp hoá rút ngắn dựa vào đẩy nhanh chuyển đổi số ở các nước đi sau”, ông Thắng cho biết

Thứ hai, cùng với những áp lực về ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông trong di chuyển và việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian có dịch, sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ số đã thúc đẩy xu hướng làm việc từ xa cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, đây không phải là một phản ứng tạm thời mà sẽ xu hướng dài hạn của giai đoạn sau đại dịch. Ước tính khoảng 20-25% lực lượng lao động của các nước phát triển có thể làm việc từ xa 3-5 ngày/tuần mà vẫn đảm bảo năng suất. Điều này cũng không là ngoại lệ giành cho các nước đang phát triển trong quá trình tăng tốc chuyển đổi số.

Thứ ba, sự thay đổi của việc làm kéo theo sự thay đổi trong tổ chức và phân bố các không gian phát triển kinh tế-xã hội, nhất là các đô thị, các trung tâm phát triển đang là động lực quan trọng của phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Phân tích cơ cấu nhân lực của các công ty trong các ngành dịch vụ có giá trị cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, ông Nguyễn Xuân Thắng nhận thấy nhóm tuyến đầu (là nhân viên giao dịch) phải tiếp xúc khách hàng trực tiếp nên phải sống ở các đô thị lớn để di chuyển thuận lợi. Nhóm tuyến giữa (là những nhân viên vận hành) có thể làm việc kết hợp giữa phương thức trực tiếp và trực tuyến. Còn nhóm tuyến cuối (là những cán bộ quản lý, các chuyên gia phân tích cự báo) có thể làm việc tại bất cứ nơi đâu.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Chuyển từ “nhiều chạm” sang “ít chạm”, giúp giải nén dân cư đô thị - Ảnh 2

“Do đó, cần nắm bắt được xu hướng này để dự đoán trúng tương lai của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hoá để tư duy lại về các quy hoạch, về hoàn thiện thể chế, đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp và thúc đẩy liên kết vùng kinh tế-xã hội chặt chẽ và có hiệu quả hơn”, ông Thắng khuyến nghị.

Lấy ví dụ cụ thể là TP.HCM với định hướng trở thành một trung tâm tài chính của khu vực và thế giới, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng trong tương lai, không nhất thiết mọi người dân làm việc trong thành phố đều sẽ sinh sống tại đây. Những người làm việc ở tuyến cuối hay tuyến giữa có thể sống ở những tỉnh thành lân cận với giá sinh hoạt rẻ hơn do một tháng họ chỉ cần đến công ty vài ngày.

Theo đó, để giảm tải sức ép cho các đô thị lớn, cần xây dựng các đô thị vệ tinh đáng sống cỡ vừa và nhỏ, phát triển hệ thống giao thông kết nối cấp vùng và cấp quốc gia cùng các hệ sinh thái và hạ tầng xã hội có chất lượng cao.

THAY ĐỔI NHẬN THỨC LÀ QUAN TRỌNG

Do đó, để chuyển đổi số thành công, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng Việt Nam cần nhận diện đúng, nhanh chóng bắt nhịp được với ba xu hướng trên để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Quá trình này đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ các yếu tố công nghệ, thể chế và con người; đồng bộ giữa các địa phương, giữa trung ương với địa phương; giữa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; giữa chính phủ, người dân và doanh nghiệp, để không tạo ra những điểm nghẽn hay sự đứt gãy, gián đoạn ở một khâu nào đó có thể ảnh hưởng đến sự vận hành của toàn hệ thống.

“Thay đổi nhận thức, thói quen vẫn là khó khăn và thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số”, ông Thắng nhận định.

Với chính phủ số, ông Thắng lưu ý, lãnh đạo các cấp chính quyền phải chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản trị phát triển; chỉ đạo và ban hành quyết sách dựa trên những phân tích về dữ liệu, có tầm nhìn chiến lược, khả năng dự báo tình huống và dự liệu được các kịch bản để có hành động phù hợp; phải quyết đoán vượt qua những rào cản, bỏ lại những hành trang cố hữu nặng nề đôi khi còn là nghịch lý của sự phát triển.

Ở cấp độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp phải là những chủ thể tiên phong đổi mới cách thức quản trị, tích hợp dữ liệu thông minh, tích cực khai thác cơ sở dữ liệu lớn, sử dụng hiệu quả các nền tảng trực tuyến để phát triển.

“Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu, cần chuẩn bị những gì và làm thế nào để thực thi hiệu quả. Họ đang đứng trước rủi ro cao đến từ lựa chọn sai chiến lược và đưa ra các sản phẩm không phù hợp với xu hướng thay đổi rất nhanh của thị trường cùng với những rủi ro về pháp lý, công nghệ, tài chính và sự gian lận”, ông Thắng nhận định. “Đó là chưa kể, những khó khăn của thời kỳ hậu Covid có thể sẽ gia tăng khi sức mua của thị trường và “sức khỏe” của doanh nghiệp suy yếu do thiếu nguồn lực để bắt đầu lại sản xuất kinh doanh, nối lại hệ sinh thái và thậm chí phải “khởi nghiệp lại”.

Trên tất cả, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, yếu tố con người phải giữ vai trò quyết định. Người dân cần được đặt vào trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số bao trùm chính là không để ai bị bỏ lại offline, tất cả cần được kết nối số.