17:14 04/12/2021

Lãnh đạo CIEM: Nền kinh tế còn nhiều nội lực để bứt phá sau đại dịch, chuyển đổi số là bắt buộc

Nguyễn Tuyến

Theo ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một trong những xu hướng quan trọng sau đại dịch Covid-19 là quá trình chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây cũng là động lực chủ chốt cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới...

Các diễn giả trao đổi tại Đối thoại chuyên đề: "Đổi mới mô hình tăng trưởng: Thoát bẫy thu nhập và bứt phá" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economics Times tổ chức chiều 4/12. Ảnh Việt Tuấn.
Các diễn giả trao đổi tại Đối thoại chuyên đề: "Đổi mới mô hình tăng trưởng: Thoát bẫy thu nhập và bứt phá" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economics Times tổ chức chiều 4/12. Ảnh Việt Tuấn.

Có thể nói sau đại dịch Covid-19, có sự thay đổi lớn trong cơ cấu và cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Nếu như trước đây, động lực tăng trưởng kinh tế là sử dụng nguồn vốn và lao động, thì giờ đây, động lực đó đến từ khoa học công nghệ, công nghệ số…”, ông Đặng Đức Anh nhận định tại Đối thoại chuyên đề: "Đổi mới mô hình tăng trưởng: Thoát bẫy thu nhập và bứt phá" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economics Times tổ chức chiều 4/12.

BẮT BUỘC PHẢI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần 2 qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Theo nhiều chuyên gia, thực tiễn sau đại dịch đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới mô hình kinh tế Việt Nam để đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển kinh tế. Đây cũng là nhiệm vụ trọng yếu đã được Đảng, Chính phủ xác định cần tập trung trong năm 2022 và giai đoạn 2022-2025.

Theo ông Đặng Đức Anh, văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mô hình tăng trưởng chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để làm sao nâng cao sức cạnh trên trên trường quốc tế.

Ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh Việt Tuấn.
Ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh Việt Tuấn.

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng việc phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những hạn chế nhất định. Do đó, để tăng trưởng kinh tế với mô hình mới, cần đặc biệt quan tâm tới việc thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Muốn phân bổ hiệu quả ta phải cơ cấu lại của các cơ quan kinh tế, làm sao phát huy được các tiềm lực của các vùng, địa phương, đi liền với đó là hình thành các cực tăng trưởng mới, làm sao để thúc đẩy sự liên kết của kinh tế vùng, địa phương?. “Tôi cho rằng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn tới, ta phải tập trung vấn đề này", Phó Viện trưởng CIEM nêu quan điểm và lưu ý trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, vấn đề đổi mới thể chế và cơ chế quản lý để tháo gỡ điểm nghẽn cần được xem là một trọng tâm hàng đầu để hỗ trợ nền kinh tế, bên cạnh các chính sách tài khóa và tiền tệ.

“Nếu sử dụng các chính sách tài tệ và tiền tệ trong ngắn hạn mà vấp phải điểm nghẽn trong cơ chế quản lý thì có thể gây bất ổn trong dài hạn”, ông phân tích.

Cùng với việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực, ông cũng nhấn mạnh, mô hình tăng trưởng kinh tế mới cần phải dựa trên khoa học và sáng tạo – điều mà theo ông đã được đặt ra trong văn kiện Đại hội Đảng nhiều năm qua nhưng việc triển khai vẫn còn hạn chế.

“Đại dịch vừa có tác động tiêu cực lại vừa có tác động tích cực trong việc làm thay đổi tư duy và thúc đẩy quá trình cải các mạnh mẽ hơn. Trong điều kiện bình thường thì động lực cho sự đổi mới ít hơn. Covid-19 đã tạo ra sức ép cho chúng ta trong việc thay đổi tư duy chuyển đổi số. Việc này bắt nguồn từ sự đổi mới tư duy của bộ máy hành chính”, Phó viện trưởng CIEM nhận định.

NHIỀU NỘI LỰC ĐỂ BỨT PHÁ

Cũng tại đối thoại chuyên đề "Đổi mới mô hình tăng trưởng: Thoát bẫy thu nhập và bứt phá", đánh giá về thực trạng nền kinh tế Việt Nam, ông Đặng Đức Anh cho rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều nội lực để bứt phá. Trong đó nội lực quan trọng hàng đầu là khu vực kinh tế tư nhân năng động và thích ứng nhanh với biến động. Đội ngũ kinh tế tư nhân của Việt Nam không chỉ có khát vọng vươn lên và đóng góp đưa Việt Nam không chỉ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình mà còn sánh vai với các cường quốc 5 châu.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có khả năng nắm bắt các xu hướng mới. Do đó, với định hướng tập trung vào công nghệ và đổi mới, đây là một nhân tố then chốt trong tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới. Phó Viện trưởng CIEM cũng nhận định môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ngày một hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, ông lưu ý về việc xây dựng một bộ máy hành chính kiến tạo, đồng thời phân định rõ vai trò của nhà nước và thị trường. Trong đó, sự điều hành của nhà nước cần tạo điều kiện để thúc đẩy, không cản trở sự phát triển của thị trường.

“Ta cần phải xây dựng một bố máy chuyên nghiệp, đặc biệt là sau đại địch. Bộ máy này phải có khả năng xử lý tình huống và phản ứng nhanh với những diễn biến bất ngờ. Trong một thế giới đang biến động mạnh như hiện nay, nếu không phản ứng nhanh thì sẽ gây cản trở lớn”, ông Đặng Đức Anh nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm thủ tục hành chính để khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế, tận dụng các xu sau đại dịch như chuyển dịch chuỗi, cách mạng 4.0… 

“Với khu vực tư nhân, điều họ cần là một môi trường kinh doanh ổn định và công bằng, hơn là các hỗ trợ. Nếu có một bộ máy quản lý hành chính chuyên nghiệp, vì dân, tạo môi trường kinh doanh ổn định và thúc đẩy đầu tư, thì có thể ‘thổi bùng’ tiềm năng của khu vực tư nhân”, ông Đặng Đức Anh cho biết.

Phân tích thêm về yếu tố nhân lực, lãnh đạo CIEM cho rằng đây là tiềm năng lợi thế mà Việt Nam chưa khai tác tốt. Để nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, phải thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và việc này bắt nguồn từ con người. Do đó, thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh triển khai là đào tạo, đào tạo lại, nâng cao năng suất lao động – yếu tố then chốt để thu hút nhà đầu nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.