12:49 08/06/2013

“Chưa thấy phản ánh gì về “chạy” phiếu tín nhiệm”

Nguyễn Lê

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí trước thềm phiên lấy phiếu tín nhiệm

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: "Báo chí sẽ tham gia ngay từ lúc tiến hành bỏ phiếu cho đến khi công bố kết quả".
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: "Báo chí sẽ tham gia ngay từ lúc tiến hành bỏ phiếu cho đến khi công bố kết quả".
"Cái chính là đánh giá kết quả cho chính xác, chứ không phải cứ ra kết quả nhiều người thấp mới là tốt", Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí trước thềm phiên lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 sẽ bắt đầu từ ngày 10/6.

Một số thông tin về việc chọn người trả lời chất vấn cũng được ông Phúc chia sẻ.

Thưa ông, bên cạnh báo cáo của các chức danh được lấy phiếu thì ý kiến cử tri cũng là kênh thông tin quan trọng để đại biểu có thể quyết định mức độ tín nhiệm. Vậy việc tập hợp ý kiến cử tri đã thực hiện thế nào?

Đến giờ phút này không có ý kiến nào của cử tri liên quan đến vấn đề này, nếu có thì được tập hợp qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà nguyên tắc thì phải gửi trước 20 ngày trước khi bỏ phiếu.

Thế có dư luận gì về "chạy" phiếu hay vận động tín nhiệm không, thưa ông?

Tôi cũng chưa nhận được ý kiến nào về việc này.

Nếu có thì biện pháp xử lý thế nào?

Nếu ai làm thế mà bị phát hiện ra thì sẽ mất uy tín của chính mình thôi. Nhưng hiện nay chưa thấy có góp ý hay phản ánh gì với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này.

Giả sử có thì sẽ xử lý ra sao, thưa ông?

Không giả sử được, phải có chứ giả sử sao được.

Nhưng dư luận cũng cho rằng gần đây phát ngôn của những người lấy phiếu cũng dè dặt hơn, liệu có phải do tác động của việc chuẩn bị lấy phiếu hay không?

Tôi cho rằng đó là quyền của mỗi người. Mỗi người đều có quyền hỏi hay trả lời là quyền của người ta, nếu hỏi đúng thì người ta trả lời chứ không phải vì việc này việc kia. Đó là mình suy diễn thế thôi.

Nhiều vị đại biểu cũng cho rằng việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trước khi trả lời chất vấn là quy trình “ngược”, ông nghĩ sao?

Việc đó đã bàn rồi, làm thế là để tạo sự công bằng. Vì kỳ này chỉ 4 bộ trưởng, thế các bộ trưởng đã trả lời các kỳ trước hay chưa lần nào trả lời chất vấn thì sao? Tốt nhất cứ làm trước để cho công bằng.

Công việc chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm đã hoàn tất chưa ạ?


Đang cố gắng hoàn thành tốt nhất theo quy định, ví dụ thiết kế mẫu phiếu, danh sách ban kiểm phiếu, các báo cáo liên quan. Đây là lần đầu tiên sau 69 năm Quốc hội mới tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, chắc chắn sẽ phải rút kinh nghiệm dần dần, lần sau chắc sẽ tốt hơn.

Đại biểu có được lưu ý gì trong giai đoạn chuẩn bị cho việc bỏ phiếu này không?

Quốc hội đã có Nghị quyết 35 quy định về công việc của cả đại biểu và người được lấy phiếu rồi, cứ căn cứ vào đó mà thực hiện, ai không làm đúng thì là vi phạm.

Thế còn quy trình tiến hành và việc công bố kết quả sẽ diễn ra thế nào?

Quy trình thì đương nhiên là công khai rồi, báo chí sẽ tham gia ngay từ lúc tiến hành bỏ phiếu cho đến khi công bố kết quả.

Kết quả thì sẽ công bố theo ba mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, cụ thể từng phiếu từng loại, có thế nào thì ghi như thế. Ví dụ ông A được bao nhiêu phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp thì cứ công bố con số tuyệt đối. Còn nếu kết quả thấp dưới 50% hai lần liền thì mới dẫn đến hệ quả bỏ phiếu tín nhiệm thôi chứ.

Việc đặt ra hai mức tín nhiệm cao và tín nhiệm liệu có dẫn đến việc một số đại biểu sẽ “xuê xoa”?

Không nên đánh giá đại biểu như thế, anh là đại diện cho dân, cầm lá phiếu phải suy nghĩ lắm chứ có phải không đâu.

Ông có thể chia sẻ với tư cách cá nhân về công việc lấy phiếu tín nhiệm? Tiêu chí gì theo ông là quan trọng nhất khi đánh giá mức độ tín nhiệm?

Tôi là đối tượng được lấy phiếu đồng thời cũng là người bỏ phiếu đối với người khác nên cũng phải hết sức suy nghĩ, vì mình là người đại diện cho dân, cũng đã đi tiếp xúc cử tri, nhận nhiều tâm tư nguyện vọng của người dân.

Hay tiếp xúc với các phiên thảo luận vừa qua cũng phải suy nghĩ xem lĩnh vực nào, ngành gì mà tư lệnh ngành đó hoàn thành tốt để khi cầm lá phiếu cho chính xác và thông qua cả các báo cáo, nghiên cứu rất kỹ. Rồi thông qua cả báo cáo của các thành viên Chính phủ nữa. Tôi nghiên cứu rất kỹ các báo cáo này.

Theo tôi tiêu chí đầu tiên là hoàn thành nhiệm vụ hay không chứ, rồi mới đến phẩm chất đạo đức là đi song song. Cái quan trọng nhất người ta nhìn vào anh là với tư cách tư lệnh một ngành. Đấy là nhiệm vụ đầu tiên phải làm rõ đã. Anh không làm tốt thì tôi đánh giá anh không hoàn thành nhiệm vụ.

Từ kinh nghiệm tiến hành ở Hà Nội thì kết quả lấy phiếu để phân tách cán bộ chưa rõ ràng, tức việc này chưa đem lại hiệu quả? Vậy ông có lo ngại khả năng việc lấy phiếu tại Quốc hội cũng dẫn tới kết quả hòa cả làng không?

Tôi không lo ngại.

Cái chính là đánh giá kết quả cho chính xác chứ không phải cứ ra kết quả nhiều người thấp mới là tốt. Đánh giá của đại biểu về đối tượng nào đó để thấy là hoàn thành nhiệm vụ hoặc ở khía cạnh, góc độ nào đó thì thấp hơn một chút thôi. Không hẳn là thông qua việc này cứ phải có ông nào thấp hẳn.

Về kết quả xin ý kiến đại biểu để chốt danh sách chính thức các vị bộ trưởng và trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn, ông Phúc cho biết đại đa số các đại biểu đều đồng ý với danh sách đoàn thư ký đưa ra, chỉ có môt hai ý kiến đề xuất thêm.

"Qua thăm dò thì Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận ít phiếu lựa chọn hơn. Tới đây chúng tôi sẽ báo cáo, lựa chọn trong danh sách đó. Còn giờ vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Trong chất vấn bằng văn bản cũng có câu hỏi gửi cho Thủ tướng nhưng không nhiều, chủ yếu xoay quanh các vấn đề kinh tế. Còn câu hỏi cụ thể thì chưa nắm cụ thể được.

Chọn ai và vấn đề nào nói chung phải có ý kiến của đại biểu, đại biểu có muốn chất vấn, có câu hỏi không. Đó là quyền của đại biểu, chứ không thể nói chúng tôi thích hay không thích đưa vào được, mà phải xem đại biểu có ý kiến về vấn đề đó không chứ. Nếu chủ quan đưa ra mà đại biểu không có nhu cầu chất vấn thì cũng không được".