Chứng khoán chiều 14/11: FPT bị đánh úp, giá sập sâu nhất năm
Diễn biến bất thình lình nhất chiều nay là FPT, cổ phiếu đang lừng lững trên đỉnh cao lịch sử, đột nhiên bị xả ồ ạt
VN-Index đóng cửa chỉ giảm 0,05% nhưng kết cục đó không phản ánh hết diễn biến phiên chiều. Lực bán tăng vọt đã tạo biến động giá rất mạnh và VN30 giảm 0,45% đã thể hiện sức ép tại nhóm blue-chips.
Đồng loạt các cổ phiếu trong nhóm Vn30 chiều nay hạ độ cao, trong đó xuất hiện các giao dịch đột biến xấu từ FPT, MWG, HDB, PNJ, REE, VPB với mức độ đảo chiều và tăng tốc giảm chóng mặt.
Bất thình lình nhất là FPT, cổ phiếu đang lừng lững trên đỉnh cao lịch sử. Chốt phiên sáng FPT vẫn đang tăng 0,33%. Cho đến 1h15 FPT vẫn đang đứng ở 60.800 đồng tức là tăng 0,5% so với tham chiếu. Đột nhiên cổ phiếu này bị bán đổ bán tháo cực lớn, dồn dập, ép giá rơi như một viên sỏi xuống 57.500 đồng, giảm 4,96% so với tham chiếu.
Cổ phiếu này sau đó cũng được mua bắt đáy khá mạnh và đỡ giá dần lên 58.300 đồng thu hẹp mức giảm lúc đóng cửa còn -3,64% so với tham chiếu. FPT thật sự bị xả đột ngột chiều nay vì thanh khoản lên tới 4,27 triệu cổ, tương đương 251,3 tỷ đồng giá trị. Không có cú ép giá nào tốn kém như vậy cả.
Cả phiên FPT trao tay gần 4,8 triệu cổ, tương đương 283,4 tỷ đồng giá trị và 89% giao dịch trong buổi chiều. Mức giảm 3,64% cũng là phiên giảm kỷ lục của năm 2019. Đúng hơn, phiên giảm quá 3% gần nhất của FPT là ngày 11/10/2018.
MWG chiều nay cũng giảm thêm 600 đồng nữa so với phiên sáng nhưng giao dịch không ấn tượng bằng. Lý do chủ yếu vì mức giảm đã sâu từ sáng, không như FPT vẫn còn tăng "mồi" cả buổi sáng và đầu phiên chiều. Tuy nhiên thanh khoản của MWG buổi chiều cũng rất cao với giá trị giao dịch tăng thêm khoảng 95,4 tỷ đồng.
MWG chốt phiên giảm tổng cộng 2,59% so với tham chiếu và cũng là phiên giảm sâu nhất kể từ cuối tháng 3 đến nay. Yếu tố ấn tượng ở MWG là chỉ trong 4 phiên gần nhất đã có tới 3 phiên giảm từ 2% trở lên. Cùng là cổ phiếu cơ sở của chứng quyền, cùng đạt đỉnh lịch sử giống FPT nhưng MWG đã rơi vào nhịp điều chỉnh từ cuối tháng 10, mức giảm đến giờ đã là 8,68%.
Chiều nay nhóm VN30 ghi nhận 17 cổ phiếu giảm giá thêm so với phiên sáng, 8 mã phục hồi. Những cổ phiếu giảm riêng chiều nay trên 1% là VPB (-1,87%), đóng cửa giảm 2,33%; HDB (-1,53%), đóng cửa giảm 1,69%; PNJ (-1,28%) đóng cửa giảm 1,16%; REE (-1,99%) đóng cửa giảm 1,99%.
Do nhóm cổ phiếu này có ảnh hưởng mạnh lên VN30-Index nên chỉ số này chốt phiên giảm 0,45% dù VN-Index chỉ giảm 0,05%.
VN-Index chiều nay yếu đi vì chính các cổ phiếu trụ cũng không còn mạnh như buổi sáng. Trụ GAS thụt lùi 400 đồng so với phiên sáng, đóng cửa chỉ còn tăng 1,43% so với tham chiếu. VCB cũng tụt mất 200 đồng, chốt còn tăng 0,44%.
Ở phía ngược lại, hai biến động đáng chú ý là VRE và NVL. VRE tuy chỉ tăng thêm 200 đồng so với phiên sáng, chốt tăng 0,86%, nhưng thanh khoản rất cao. VRE giao dịch thêm gần 5,16 triệu cổ buổi chiều, trị giá 180 tỷ đồng, nhiều thứ 3 thị trường sau ROS và FPT. Khối ngoại mua mạnh VRE cũng là nguyên nhân giúp giá tích cực hơn. Riêng buổi chiều khối ngoại mua thêm 2,4 triệu VRE nữa.
NVL thanh khoản khá nhỏ nhưng chiều nay lại bứt tốc về giá, tăng thêm 1.100 đồng so với phiên sáng, đẩy giá chung cuộc tăng 2,27%. Đà tăng của NVL khởi động từ sau 1h30 và duy trì tốt. Cổ phiếu này có phiên tăng mạnh nhất kể từ khi rời đỉnh 2019 hồi giữa tháng 9 và bốc hơi 10,6% giá trị.
Với nhiều giao dịch bán tháo và bắt đáy sôi động, thanh khoản phiên chiều tăng rất cao lên 2.582,1 tỷ đồng, tăng 65% so với phiên sáng. Hơn 26% trong số này là giao dịch của ROS. Tuy nhiên kể cả khi loại bỏ mã này thì thanh khoản buổi chiều vẫn tăng 30%.
Khối ngoại buổi chiều cũng giao dịch nhiều hơn và quay sang mua ròng trở lại, dù mức độ nhỏ. Khoảng 54 tỷ đồng được rót ròng vào cổ phiếu hai sàn, tập trung tại HSX. Tuy nhiên đó là chưa tính đến chứng chỉ quỹ E1 lại bị bán ròng hơn 11 tỷ đồng. VRE, PVT, KBC, LCG, DXG, HPG, HSG, VHM, BID, HCM được mua ròng tốt. Phía bán có VNM, PVD, POW, FLC, ROS, HDB, SSI, BWE, VJC.