08:06 16/03/2024

Chứng khoán Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp vì nỗi lo lạm phát, giá dầu tăng, bitcoin tụt dưới 70.000 USD

Bình Minh

Giới đầu tư lo lắng khi các báo cáo kinh tế Mỹ công bố trong tuần này cho thấy lạm phát còn nóng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (15/3), hoàn tất tuần giảm thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng về sự dai dẳng của lạm phát trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào tuần tới. Giá dầu thô giảm nhẹ phiên này nhưng có một tuần tăng do mối lo về sự thắt chặt của nguồn cung, trong khi giá bitcoin quay đầu giảm mạnh sau khi lập kỷ lục.

Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Sáu, chỉ số S&P 500 giảm 0,65%, còn 5.117,09 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 190,89 điểm, tương đương giảm 0,49%, còn 38.714,77 điểm. Chỉ số Nasdaq tụt 0,96%, còn 15.973,17 điểm.

Tính cả tuần, S&P 500 giảm 0,13%; Dow Jones mất 0,02%; và Nasdaq giảm 0,7%.

Dẫn đầu phiên giảm này lại là cổ phiếu công nghệ, nhóm giữ vai trò chi phối gần như bất kỳ sự tăng-giảm nào của thị trường trong thời gian gần đây. Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn bị bán mạnh và đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ.

Amazon và Microsoft giảm hơn 2% mỗi cổ phiếu. Apple và Alphabet giảm 0,2% và 1,3%. Cổ phiếu hãng chip Nvidia đã có một tuần giằng co, chốt phiên ngày thứ Sáu với mức giảm hơn 1% nhưng tăng khoảng 0,4% nếu tính cả tuần.

Áp lực bán đối với cổ phiếu công nghệ nói riêng và toàn thị trường nói chung trong tuần này đến từ mối lo lãi suất. Khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, cộng thêm mức định giá bị đẩy lên cao của cổ phiếu công nghệ sau một thời gian dài liên tục tăng, đã dẫn tới nhu cầu chốt lãi.

Giới đầu tư lo lắng khi các báo cáo kinh tế Mỹ công bố trong tuần này cho thấy lạm phát còn nóng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của tháng 2 đều tăng mạnh hơn so với dự báo của giới chuyên gia kinh tế.

Các dữ liệu này đặt ra khả năng Fed trì hoãn việc giảm lãi suất và có thể giảm lãi suất với tốc độ chậm chạp. Sự thay đổi trong kỳ vọng lãi suất được phản ánh vào lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng thêm khoảng 22 điểm cơ bản trong tuần này.

Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tiếp theo của Fed sẽ diễn ra trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 99% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp này. Khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 6 đã giảm dưới 60% từ mức hơn 80% vào tuần trước.

Chiến lược gia Thierry Wizman của công ty Macquarie nhận định các báo cáo kinh tế Mỹ gần đây đặt ra câu hỏi về việc liệu Fed đã cảm thấy lạm phát giảm đủ để bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay và liệu Fed có tăng dự báo về lãi suất trong dài hạn.

“Tôi cho rằng vấn đề khác đối với Fed không chỉ là các dự báo về lãi suất trong năm 2024 và 2025, mà là việc họ cho rằng thị trường tài chính đang quá nóng. Vì lý do này, Fed có thể phát tín hiệu rằng lãi suất trong dài hạn sẽ phải cao hơn”, ông Wizman nói với hãng tin CNBC.

Với khả năng cao Fed “án binh bất động” về lãi suất trong cuộc họp tuần tới, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ tập trung vào dự báo kinh tế cập nhật hàng quý của Fed, bao gồm các dự báo về tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp và lãi suất.

Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,22 USD/thùng, tương đương giảm 0,27%, chốt ở mức 81,04 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,08 USD/thùng, tương đương giảm gần 0,1%, chốt ở mức 85,34 USD/thùng.

Cả tuần, giá hai loại dầu tăng hơn 3,5% mỗi loại nhờ dự báo của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng thị trường dầu thế giới sẽ rơi vào tình trạng nguồn cung thắt chặt trong năm nay. Trong báo cáo hàng tháng, IEA đã tăng dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2024, cho rằng khả năng thị trường sẽ thiếu cung nhẹ thay vì dư cung. Với cập nhật này, dự báo của IEA - định chế có trụ sở ở Paris - đã sát hơn với dự báo của OPEC.

Ngoài ra, giá dầu tuần này còn được hỗ trợ bởi tin tức về các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu lớn của Nga. Những cuộc tấn công này phản ánh rủi ro mà xung đột địa chính trị có thể đặt ra đối với hoạt động sản xuất và cung ứng dầu.

Trên thị trường tiền ảo, giá bitcoin đã giảm mạnh trong ngày thứ Sáu, không giữ được mốc giá tâm lý 70.000 USD. Trước đó trong tuần này, giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã lập kỷ lục mọi thời đại trên mốc 73.000 USD.

Có thời điểm vào đêm qua theo giờ Việt Nam, giá bitcoin rớt về 67.000 USD từ mức 72.000 USD trước đó một ngày, tương đương mức giảm khoảng 7%. Sáng nay theo giờ Việt Nam, giá bitcoin đã hồi về gần mức 70.000 USD - theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com.

Giới phân tích cho biết không có nguyên nhân cụ thể nào dẫn tới cú giảm này của bitcoin. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá bitcoin đã tăng khoảng 60%, với động lực chủ yếu là việc cơ quan chức năng Mỹ cho phép mở các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) bitcoin giao ngay hồi tháng 1.

“Tôi cho rằng đây là một diễn biến lành mạnh của bitcoin. Chúng ta đang giảm bớt mức độ sử dụng đòn bẩy đã tăng cao trên thị trường tiền ảo”, CEO Kris Marszalek của công ty Crypto.com nhận định với CNBC về cú giảm vừa rồi của bitcoin. Ông cho rằng áp lực bán có thể đã đến từ thị trường quyền chọn.

Những cú tăng mạnh và giảm sâu vốn gắn liền với lịch sử của bitcoin kể từ khi đồng tiền ảo này ra đời. Tháng 11/2021, giá bitcoin đã lập kỷ lục trên 68.000 USD nhưng đã trượt về mức 20.000 USD trong năm sau đó.

Những người có quan điểm lạc quan về bitcoin cho rằng mức độ biến động giá sẽ giảm xuống khi tiền ảo này trưởng thành. Sự ra đời của các quỹ ETF bitcoin giao ngay - loại quỹ giúp các nhà đầu tư có thể tiếp cận dễ dàng và rộng rãi hơn với bitcoin - được coi là một bước đi quan trọng trong quá trình trưởng thành của bitcoin và tiền ảo nói chung với tư cách một lớp tài sản.