07:59 28/01/2021

Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh nhất 3 tháng sau tuyên bố của Fed

Bình Minh

“Đánh giá lên hay giá xuống vào lúc này đều là một trò chơi nguy hiểm”, một nhà quản lý quỹ nhận xét

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày thứ Tư (27/1) có phiên giảm điểm mạnh nhất 3 tháng, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra tuyên bố của cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ. Việc các quỹ đầu cơ đóng trạng thái đầu cơ giá lên (long) cổ phiếu và cú sụt mạnh của cổ phiếu Boeing cũng gây sức ép không nhỏ lên các chỉ số.

Theo tin từ Reuters, trong sắc đỏ bao phủ thị trường, cổ phiếu hãng bán lẻ trò chơi video GameStope và cổ phiếu công ty vận hành rạp chiếu phim AMC Entertainment đều tăng gấp đôi mỗi cổ phiếu, nối tiếp xu hướng tăng bùng nổ của hai cổ phiếu này trong tuần qua. Động lực cho đà tăng là những nhà đầu tư nghiệp dư đổ xô mua cổ phiếu, tìm đến những cổ phiếu đã giảm giá sâu trước đó. Điều này khiến những nhà bán khống (short) như Citron và Melvin buộc phải mua vào để đóng trạng thái, chấp nhận thua lỗ.

"Đánh giá lên hay giá xuống vào lúc này đều là một trò chơi nguy hiểm", nhà quản lý quỹ Matthew Keator thuộc Keator Group phát biểu. "Đến gần lửa quá, bạn sẽ bị bỏng".

Cả ba chỉ số chính giảm ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch, sau đó có lúc thu hẹp mức giảm. Tuy nhiên, độ giảm được nới rộng nhanh chóng sau khi Fed ra tuyên bố chính sách. Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed giữ lãi suất ở khoảng 0-0,25% và giữ nguyên chương trình mua trái phiếu hàng tháng. Những quyết định này không nằm ngoài dự báo của thị trường. Fed cũng cam kết giữ nguyên sự hỗ trợ đó cho tới khi kinh tế phục hồi hoàn toàn.

"Xét tới những mối lo về Covid và tốc độ triển khai vaccine chậm chạp, nền kinh tế có thể mất đà trong quý 1 năm nay", chiến lược gia trưởng Seema Shah thuộc Principal Global Investors phát biểu. "Nhưng kích cầu bằng tài khóa đang tiến tới thay thế chính sách tiền tệ ở vai trò chủ đạo hỗ trợ tăng trưởng, nên chưa chắc Fed sẽ đưa ra hành động nào mới trong thời gian tới".

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 2,05%, còn 30.303,17 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 2,57%, còn 3.750,77 điểm. Chỉ số Nasdaq "bốc hơi" 2,61%, còn 13.270,6 điểm.

Đây là phiên giảm mạnh nhất của mỗi chỉ số kể từ ngày 28/10. Cú giảm này cũng đẩy S&P 500, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ, vào trạng thái giảm nếu tính từ đầu năm.

Giảm 3,97%, Boeing trở thành một trong những cổ phiếu dẫn đầu sự giảm điểm của Dow Jones phiên này. Cú giảm diễn ra sau khi hãng sản xuất máy bay Mỹ cắt giảm giá trị tài sản 6,5 tỷ USD trong chương trình phát triển dòng máy bay hoàn toàn mới 777X do ảnh hưởng của Covid-19 và cũng do cuộc khủng hoảng kéo dài 2 năm của dòng máy bay 737 MAX.

Nhiều công ty lớn tiếp tục báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2020 trong phiên này. Cổ phiếu Microsoft ban đầu tăng mạnh sau khi hãng phần mềm báo kết quả tốt hơn dự báo, phản ánh hưởng lợi từ xu hướng làm việc và học tập từ xa trong đại dịch. Tuy nhiên, do sức ép từ xu hướng giảm chung của toàn thị trường, cổ phiếu Microsoft chốt phiên chỉ tăng 0,25%.

Gần đây, các cổ phiếu công nghệ lớn ở Phố Wall tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh tốt và triển vọng lợi nhuận khả quan.

Dù vậy, giới phân tích đang lo rằng thị trường có thể sớm rơi vào một đợt điều chỉnh vì mức định giá cổ phiếu đã bị đẩy lên quá cao, đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành mạnh, và việc triển khai vaccine diễn ra chậm chạp.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 4,91 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 5,36 lần. Tổng khối lượng giao dịch của thị trường tăng vọt lên mức 23,42 tỷ cổ phiếu, so với mức bình quân 14,31 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.