08:02 17/10/2024

Chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới, giá dầu xuống đáy 2 tuần

Bình Minh

Động lực cho phiên này là những báo cáo tài chính khả quan và xu hướng giảm của giá dầu thô, dù tâm lý của nhà đầu tư ít nhiều thận trọng trước thềm một số liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (16/10), với chỉ số Dow Jones lập kỷ lục mới, đảo ngược phiên giảm trước đó. Động lực cho phiên này là những báo cáo tài chính khả quan và xu hướng giảm của giá dầu thô, dù tâm lý của nhà đầu tư ít nhiều thận trọng trước thềm một số liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 337,28 điểm, tương đương tăng 0,79%, chốt ở mức 43.077,7 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,47%, đạt 5.842,47 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,28%, đạt 18.367,08 điểm.

Một số công ty niêm yết lớn đưa ra báo cáo tài chính quý 3 tốt hơn dự báo, trở thành những cổ phiếu dẫn dắt thị trường đi lên.

Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 6,5% sau khi ngân hàng này công bố doanh thu và lợi nhuận đều cao hơn dự báo của giới phân tích. Tương tự, kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng của United Airlines đưa cổ phiếu của hãng hàng không này tăng 12,4%.

Mùa báo cáo tài chính đang có một khởi đầu tốt, giúp nâng đỡ tâm lý của nhà đầu tư giữa lúc kỳ vọng vào một đợt giảm lãi suất lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 11 đã bị dập tắt. Theo dữ liệu từ FactSet, trong số 50 công ty thành viên S&P 500 đã công bố báo cáo tính đến thời điểm này, có 79% đưa ra kết quả tốt hơn dự báo.

Hôm thứ Ba, chứng khoán Mỹ giảm điểm sau hai phiên lập kỷ lục liên tiếp. Với phiên tăng ngày thứ Tư, xu hướng thị trường giá trên đã nhanh chóng được nối lại.

“Những mất mát của phiên ngày hôm qua đã được bù lại, nhưng nhà đầu tư vẫn còn thận trọng trước khi đón một loạt báo cáo tài chính, cộng thêm số liệu doanh thu bán lẻ vào buổi sáng ngày thứ Năm”, chiến lược gia Ryan Detrick của công ty Carson Group nhận định với hãng tin Reuters.

Báo cáo bán lẻ được xem là một chỉ báo quan trọng về sức khỏe nền kinh tế Mỹ, có thể ảnh hưởng tới kỳ vọng của thị trường về lãi suất của Fed. Một báo cáo tốt hơn kỳ vọng có thể làm suy giảm khả năng Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tới, và ngược lại.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, thị trường đang đặt cược khả năng hơn 92% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào đầu tháng tới, và khả năng gần 8% Fed không hạ lãi suất. Gần đây, do các số liệu kinh tế còn mạnh, thị trường không còn đặt cược vào khả năng Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm.

Dù mức độ biến động của thị trường đã tăng lên gần đây, trưởng chiến lược đầu tư Sam Stovall của công ty CFRA Research cho rằng giá cổ phiếu ở Phố Wall có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn, nhất là khi xét tới việc đợt tăng trong tháng 9 đã đưa thị trường lên những đỉnh cao mới.

“Tháng 9 của những năm bầu cử thường chứng kiến thị trường giảm điểm. Nhưng năm nay, thị trường vẫn tăng trong tháng 9. Điều đó báo hiệu về một tháng 10 khả quan, vì tháng 10 thường là một tháng giảm điểm hàng năm của thị trường”, ông Stovall nói với hãng tin CNBC.

“Trong hai tháng cuối cùng của năm bầu cử, thị trường đều tăng điểm, với tất cả các cổ phiếu từ lớn đến nhỏ thuộc các nhóm ngành khác nhau đều tăng. Bởi vậy, nhà đầu tư đang hiểu rất rõ xung lực hiện nay của thị trường”.

Ông Stovall cũng không loại trừ khả năng điều chỉnh giảm của thị trường bởi định giá cổ phiếu có vẻ đang bị kéo căng quá mức. Nhưng ông cho rằng bất kỳ sự bán tháo nào rất có thể chỉ xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 và sẽ không kéo dài sang năm mới. “Biết đâu chúng ta lại gặp phải những sự kiện bên ngoài có thể gây ra biến động lớn về giá cổ phiếu”, ông nói.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,03 USD/thùng, chốt ở 74,22 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,19 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 70,39 USD/thùng.

Đây là phiên thứ hai liên tiếp giá dầu đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 2/10. Giá dầu đã giảm trong tuần này do triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu và thông tin báo chí nói rằng Israel sẽ không tấn công các cơ sở hạt nhân và dầu lửa của Iran.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Iran - một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - sản xuất khoảng 4 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2023. Theo các nhà phân tích và báo cáo của Chính phủ Mỹ, Iran đang trên đà xuất khẩu dầu khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2024, tăng từ mức ước tính 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

Về phía nhu cầu, OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong tuần này đều cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024, với Trung Quốc chiếm phần lớn trong việc hạ mức dự báo này. IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 ở mức dưới 102 triệu thùng/ngày và sau đó giảm xuống còn  99 triệu thùng/ngày vào năm 2035.

Các biện pháp kích cầu bằng chính sách tài khóa mà Trung Quốc hé lộ gần đây đã không hỗ trợ nhiều cho giá dầu. Truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này có thể huy động thêm 6 nghìn tỷ nhân dân tệ (850 tỷ USD) từ phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt trong vòng 3 năm tới để kích thích nền kinh tế đang giảm tốc.

Tin tức kinh tế tích cực từ Mỹ và châu Âu đã giúp hạn chế đà trượt dốc của giá dầu trong phiên ngày Tư.

Tại châu Âu, nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro cho thấy một số dấu hiệu khởi sắc qua một loạt chỉ số cho thấy mức tăng trưởng còn yếu nhưng đã đạt được trạng thái dương. Đây là tín hiệu tích cực đối với một nền kinh tế đã mấp mé bờ vực suy thoái trong hơn một năm qua.

Tại Mỹ, giá nhập khẩu hàng hóa trong tháng 9 giảm nhiều nhất trong 9 tháng do giá sản phẩm năng lượng giảm mạnh. Số liệu này báo hiệu triển vọng lạm phát suy yếu, mở đường để Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất.