07:18 02/04/2019

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhờ dữ liệu kinh tế khả quan

Bình Minh

Với phiên tăng này, chỉ số S&P 500 chỉ còn cách 2,2% so với mức đóng cửa kỷ lục thiết lập hồi tháng 9

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, đánh dấu sự khởi đầu tích cực cho quý mới, sau khi số liệu tốt về ngành sản xuất của Trung Quốc và Mỹ giúp xoa dịu mối lo của nhà đầu tư về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.

Theo tin từ Reuters, với phiên tăng này, chỉ số S&P 500 chỉ còn cách 2,2% so với mức đóng cửa kỷ lục thiết lập hồi tháng 9. Ngoài ra, trên biểu đồ của chỉ số đã xuất hiện một "chữ thập vàng" (golden cross), trong đó đường trung bình của 50 ngày vượt lên trên đường trung bình của 200 ngày. Nhiều chuyên gia tin rằng tín hiệu kỹ thuật này có thể báo trước rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng thêm trong ngắn hạn.

Sắc xanh đã phủ khắp các thị trường chứng khoán chủ chốt của thế giới trong phiên ngày 1/4 nhờ số liệu cho thấy ngành sản xuất của Trung Quốc bất ngờ tăng trưởng trở lại trong tháng 3, kết thúc chuỗi 3 tháng liên tiếp giảm trước đó.

"Số liệu của Trung Quốc đã hồi phục, và ngày hôm nay, mọi người mua nhiều tài sản rủi ro hơn là vì điều đó", chiến lược gia Michael O’Rourke thuộc JonesTrading nhận xét.

Ngoài ra, số liệu về ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 3 cũng tốt hơn dự báo, giúp thị trường bớt lo về doanh thu bán lẻ có phần ảm đạm của tháng 2.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 1,27%, đạt 26.258,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,16%, đạt 2.867,19 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,29%, đạt 7.828,91 điểm.

Mối lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã phủ bóng lên tâm trí của giới đầu tư kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hồi cuối tháng 1 tuyên bố rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này có thể kết thúc sớm hơn dự kiến trong năm 2019. Cơ sở để FED đưa ra dự báo như vậy là những yếu tố trái chiều đang ảnh hưởng lên nền kinh tế Mỹ.

Lập trường chuyển sang mềm mỏng của FED đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới lợi suất của hối phiếu kỳ hạn 3 tháng lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ vào tuần trước. Sự đảo ngược như vậy của đường cong lợi suất dẫn tới mối lo kinh tế Mỹ có thể sắp bước vào một đợt suy thoái.

Cho đến phiên hôm qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm đã tăng trở lại, vượt lợi suất của hối phiếu kỳ hạn 3 tháng, đồng thời đạt mức cao nhất trong 1 tuần. Phiên tăng này của lợi suất giúp nâng giá cổ phiếu tài chính, đưa nhóm này trở thành nhóm tăng mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chốt phiên với mức tăng 2,9%.

"Lợi suất trái phiếu kho bạc đã phản ánh hết triển vọng tăng trưởng kinh tế u ám. Giờ đây, lợi suất hồi phục theo sự giảm xuống của mức độ bi quan", chiến lược gia Keith Lerner thuộc SunTrust Advisory Services phát biểu. "Bởi vậy, chúng ta đang chứng kiến tiền quay trở lại với những nhóm cổ phiếu ngành có tính chu kỳ. Đó là lý do vì sao cổ phiếu tài chính dẫn đầu sự đi lên trong phiên ngày hôm nay".

Mối lo về sự giảm tốc không phải là không còn. Vào thời điểm chỉ còn 2 tuần nữa là đến mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2019 của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, giới đầu tư dự báo đây có thể sẽ là quý giảm lợi nhuận đầu tiên kể từ năm 2016. Các nhà phân tích hiện đang dự báo lợi nhuận quý 1 của các doanh nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Refinitiv.

Mặc dù vậy, hầu hết các nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều tăng trong phiên đầu tuần. Chỉ có các nhóm tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và dịch vụ tiện ích chốt phiên trong trạng thái "đỏ".

Cổ phiếu ôtô đồng loạt tăng giá sau khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hôm Chủ nhật tuyên bố nước này sẽ tiếp tục hoãn việc nâng thuế nhập khẩu đối với ôtô và phụ tùng ôtô Mỹ sau ngày 1/4.

Cổ phiếu General Motors (GM) tăng 1,8%, còn cổ phiếu Ford Motor tăng 2,3%.

Cổ phiếu công ty ứng dụng gọi xe Lyft giảm 11,9%, xuống dưới giá trong vụ phát hành cổ phiếu lần dầu ra công chúng (IPO) hồi tuần trước. Cú giảm này diễn ra sau khi một công ty môi giới chứng khoán đưa ra đánh giá "neutral" (trung lập) đối với cổ phiếu Lyft.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 2,99 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,11 lần.

Có tổng cộng 7,11 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,47 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.