06:00 28/07/2022

Chứng khoán sau 22 năm: Lùi một bước để tiến xa hơn

Kiều Linh

Bất kỳ một sự chuyển động nào cũng cần có thời gian tích lũy. Thị trường chứng khoán cũng vậy, sau chu kỳ tăng trưởng dài sẽ có một khoảng thời gian - như hiện tại - để tích lũy, sẵn sàng cho những bước tiến xa hơn trong tương lai.

Một trong điểm nhấn quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là sự phát triển mạnh mẽ về quy mô vốn hóa.
Một trong điểm nhấn quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là sự phát triển mạnh mẽ về quy mô vốn hóa.

Ngày 20/7/2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chính thức khai trương hoạt động và tổ chức phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam.

Trong ngày giao dịch đầu tiên, với chỉ vỏn vẹn 2 cổ phiếu là REE (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh) và SAM (Công ty cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông), với tổng giá trị cổ phiếu niêm yết 270 tỷ đồng và có sự tham gia của 6 Công ty chứng khoán thành viên (SSI, FSC, BVSC, ACBS, TLS, BSC).

Sau một vài năm có phần im ắng, năm 2006 Việt Nam gia nhập WTO, đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của nước ta vào nền kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán cũng chứng kiến sự bùng nổ trong giai đoạn 2006 -2007 khi VN-Index đạt 1.170 điểm vào ngày 12/3/2007.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một năm đầy sóng gió và thăng trầm vào năm 2008 khi chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối năm ở mức 315,62 điểm, giảm 65,73% so với mức 921 điểm của ngày đầu năm.

Trong giai đoạn thị trường bùng nổ, số lượng công ty chứng khoán được mở mới cũng tăng nhanh chóng, từ 6 công ty ban đầu đã tăng lên 105 công ty vào năm 2010. Thị trường chứng kiến các công ty chứng khoán ngày một lớn mạnh, thậm chí một số công ty đã đạt tới số vốn hàng nghìn tỷ đồng, tương đương nhiều ngân hàng quy mô cỡ nhỏ và trung bình.

22 NĂM THĂNG TRẦM CẢM XÚC

Bên cạnh đó, nghiệp vụ các công ty chứng khoán đa dạng, không chỉ các công ty chứng khoán trong nước, trên thị trường đã xuất hiện nhiều công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài và sự cạnh tranh ngày một gay gắt không chỉ từ phí giao dịch mà đến từ hệ thống công nghệ, quy mô cho vay ký quỹ,… Trải qua những thăng trầm, từ 105 công ty, thị trường hiện chỉ còn hơn 70 công ty hoạt động do nhiều công ty đã phải sáp nhập, đổi chủ hoặc xin thôi làm thành viên của các sở giao dịch.

Từ chỗ chỉ khớp lệnh 1 lần/ngày, 3 ngày 1 tuần khi mở cửa thị trường, tiếp theo chuyển sang khớp lệnh liên tục năm 2008 và nhà đầu tư phải đến trực tiếp các công ty chứng khoán thì nay với bất kỳ một thiết bị điện tử có kết nối mạng Internet là nhà đầu tư có thể giao dịch trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Thanh khoản cổ phiếu cũng giảm từ T+4 xuống T+3 về cổ phiếu và T+2 về thanh toán tiền như hiện nay.

Một trong điểm nhấn quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là sự phát triển mạnh mẽ về quy mô vốn hóa. Từ mức vốn hóa 270 tỷ đồng ban đầu, hiện tại thị trường đạt mức 7,8 triệu tỷ đồng (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) vào ngày 30/6/2022, tương đương 93% GDP (tính theo GDP năm 2021).

Thị trường cũng ghi nhận có tới 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, bao gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) và Tập đoàn Vingroup (VIC).

Đáng chú ý là số lượng nhà đầu tư mở mới liên tục tăng mạnh và bùng nổ trong giai đoạn Covid-19 bùng phát 2020-2022. Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, đã có 1,8 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, vượt qua con số kỷ lục 1,5 triệu tài khoản của cả năm 2021.

Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 6/2022 đạt hơn 6,1 triệu, nếu tính mỗi cá nhân sở hữu một tài khoản thì tỷ lệ số tài khoản cá nhân hiện tương đương 6,2% dân số. Trong khi đó, theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm thì số lượng tài khoản mở mới chiếm 1/3 tổng số tài khoản trong 22 năm hoạt động. Mặc dù, số lượng tài khoản tăng nhanh trong giai đoạn Covid-19 với xu thế làm việc tại nhà và nới lỏng chính sách tài chính tiền tệ trên toàn cầu, song không thể phủ nhận mức độ phổ biến của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng cao.

Các sản phẩm trên thị trường cũng ngày một đa dạng, từ lúc chỉ có 1 quỹ ETF nhưng hiện tại có 16 quỹ ETF, thị trường chứng khoán phái sinh cổ phiếu và trái phiếu, thị trường chứng quyền và quỹ hưu trí.

Chứng khoán sau 22 năm: Lùi một bước để tiến xa hơn - Ảnh 1

Hai mươi hai năm qua, thị trường chứng khoán đã thể hiện rõ vai trò kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, theo nhiều góc độ về định lượng như quy mô vốn hóa, cơ sở nhà đầu tư, số lượng sản phẩm, giá trị giao dịch hàng ngày, sự chuyên nghiệp của các thành viên tham gia thị trường.

Bước sang năm 2022, VN-Index thăng hoa khi đạt 1.528 điểm ở ngày 6/1/2022 để rồi giảm xuống mức 1.155 điểm vào ngày 11/7/2022. Tính đến ngày 21/7, VN-Index đóng cửa ở mức 1.198 điểm, so với mức giá đỉnh thì VN-Index đã giảm 21,6%. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu đã giảm tới 50-60% thị giá so với hồi đầu năm.

Thanh khoản thị trường cũng suy giảm mạnh, từ mức trung bình 30.000 tỷ đồng/phiên ở quý 1/2022 đã giảm xuống mức 13.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 6/2022.

ĐÍCH NHẮM NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG

Trong nhiều thời điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ giảm giá trên toàn thế giới (sau Nga). Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm do Fed đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do lạm phát cao, gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng tài chính toàn cầu thắt chặt, tâm lý thị trường tiêu cực do các vụ bắt giữ một số chủ tịch công ty lớn liên quan đến thao túng cổ phiếu và gian lận phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Chứng khoán sau 22 năm: Lùi một bước để tiến xa hơn - Ảnh 2

Có thể nói, kể từ đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đưa nhà đầu tư tới nhiều thái cực khác nhau nhưng vẫn còn nhiều điểm tích cực đang được các cơ quan quản lý đẩy mạnh như gấp rút sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ, đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mua từ KRX, rút ngắn chu kỳ thanh toán còn T+1,5 và được phép giao dịch lô lẻ trong các tháng tới đây.

Định giá thị trường rất hấp dẫn so với mức lịch sử và các thị trường khác trong khu vực. Tại ngày 21/7/2022, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng là 12,7 lần, chiết khấu 22% so với P/E trung bình 5 năm. Định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang chiết khấu trung bình khoảng 17% so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE có thể đạt 17,5%. Tương ứng vùng định giá P/E dự phóng cuối năm 2022 từ 12,8 - 15,1x, VN-Index có thể quay lại vùng 1.300 - 1.530 điểm trong nửa cuối năm.

Đặc biệt, tại thời điểm thị trường chứng khoán mới khai sinh, nhà đầu tư chỉ có thể tiếp cận thông tin từ một vài trang báo chuyên ngành hoặc thông tin truyền miệng thì nay nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin tài chính từ nhiều kênh khác nhau như báo chí, thông tin doanh nghiệp và các thông tin tràn ngập trên mạng xã hội như facebook, viber, zalo,…

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn thuộc thị trường cận biên nhưng đang là quốc gia có tỷ lệ phân bổ vốn nhiều nhất trong rổ chỉ số MSCI Frontier Market Index của Morgan Stanley Capital International (MSCI).

Theo dự báo, Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2024 và dự kiến thu hút 10 tỷ USD đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.