09:21 01/12/2009

Chứng khoán sẽ được phép bán ngày T+2?

Lan Hương

Việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán cần sự nỗ lực từ không chỉ Trung tâm Lưu ký mà còn ở các thành viên thị trường

Việc các công ty chứng khoán cho phép một số khách hàng bán chứng khoán trước ngày T+4 đã khiến nhiều nhà đầu tư bất bình.
Việc các công ty chứng khoán cho phép một số khách hàng bán chứng khoán trước ngày T+4 đã khiến nhiều nhà đầu tư bất bình.
Ủy ban Chứng khoán đã có yêu cầu tất cả các công ty chứng khoán, kể từ ngày 1/12/2009, phải chấm dứt việc cho phép khách hàng bán chứng khoán trước ngày T+4, hoặc cho khách hàng vay chứng khoán để bán.

Đánh giá về mục đích của quyết định trên, ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán, nói:

- Ngày 24/11/2009, Ủy ban Chứng khoán ra công văn yêu cầu Trung tâm Lưu ký và công ty chứng khoán tuân thủ quy định giao dịch chứng khoán. Trong khi chờ Bộ Tài chính chính thức ban hành các văn bản hướng dẫn mới về giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán yêu cầu tất cả các công ty chứng khoán, kể từ ngày 1/12/2009, chấm dứt việc cho phép khách hàng bán chứng khoán trước ngày T+4, hoặc cho khách hàng vay chứng khoán để bán bởi đây là hành vi bị cấm và chưa được phép.

Chấm dứt kể từ ngày 1/12 cho đến khi có văn bản mới, theo tôi, là việc cần thiết đảm bảo tính công bằng giữa các công ty chứng khoán và giữa các nhóm khách hàng của công ty chứng khoán, kể cả lớn và nhỏ.

Nhưng tại sao quyết định siết lại trật tự này lại phải bắt đầu từ 1/12 mà không phải sớm hơn, thưa ông?

Qua các đợt kiểm tra định kỳ, Ủy ban Chứng khoán cũng đã phát hiện tình trạng một số công ty chứng khoán cho khách hàng bán chứng khoán ngày T+2, T+3, cá biệt có một số công ty cho bán ngày T+1. Theo Luật Chứng khoán, những hành vi này đều không được phép thực hiện.

Trước đây, Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản nhắc nhở các công ty chứng khoán thực hiện đúng quy định và thanh tra của Ủy ban vẫn tiến hành kiểm tra định kỳ các giao dịch T+. Trong khi chờ Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn mới về giao dịch chứng khoán thì Uỷ ban yêu cầu các công ty chứng khoán cấm sử dụng điều đó kể từ ngày 1/12.  

Như vậy, nhu cầu rút ngắn thời gian thanh toán là có thật và các công ty chứng khoán, dù cách này hay cách khác, hoàn toàn có thể thực hiện được.

Theo ông, việc rút ngắn thời gian thanh toán tại thị trường chứng khoán Việt Nam đã có thể thực hiện được chưa?

Từ thực tiễn yêu cầu của thị trường và với sự đầu tư công nghệ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tôi nghĩ đã đến lúc có thể triển khai thực hiện việc rút ngắn thanh toán. Việc chưa có một khung pháp lý quy định như vậy, có thể dẫn đến các công ty tự quy định các loại hình cho khác hàng bán trước chứng khoán, tiềm ẩn rủi ro đối với thị trường, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán suy giảm mạnh.

Sau hơn 9 năm đi vào hoạt động, có thể nói đến nay thị trường đã có sự phát triển nhất định. Nhằm từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế thông qua việc nới lỏng các quy định về giao dịch chứng khoán để tăng tính thanh khoản cho thị trường, Ủy ban Chứng khoán đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch.

Trong đó, bên cạnh việc bổ sung thêm quy định: cho phép nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản giao dịch và một số trường hợp nhà đầu tư được phép mua, bán cùng một loại cổ phiếu trong một ngày giao dịch, Ủy ban Chứng khoán đã đưa vào một điểm mới là: cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán đã mua vào ngày T+2 và T+3, tức là sau thời điểm Trung tâm Lưu ký đối chiếu giao dịch với các thành viên thị trường.

Tuy nhiên, đây mới là dự thảo văn bản hướng dẫn và Ủy ban Chứng khoán đang trình Bộ Tài chính xem xét. Nếu được thông qua thì sẽ được triển khai vào đầu năm 2010.

Để thực hiện việc rút ngắn thời thanh toán, cần những điều kiện gì, thưa ông?

Việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán cần sự nỗ lực từ các bên, không chỉ Trung tâm Lưu ký chứng khoán mà còn ở chính các thành viên thị trường, đặc biệt là sự sẵn sàng trong chuyển tiền thanh toán các giao dịch.

Cùng với việc rút ngắn thời hạn thanh toán chứng khoán, quy định mới về cho phép bán chứng khoán vào ngày T+2 và T+3 nếu được triển khai áp dụng sẽ tạo nên một bước đột phá về phát triển thị trường, qua đó đẩy mạnh tính thanh khoản của thị trường.

Hiện nay, thời hạn thanh toán bù trừ là T+3, tức là đến 15 giờ chiều ngày T+3, mới hoàn tất quá trình thanh toán và chuyển quyền sở hữu và thời điểm đó nhà đầu tư mới nhận được tiền trên tài khoản khi bán chứng khoán và người mua mới nhận được chứng khoán đã mua ở ngày T và đứng tên sở hữu. Khi rút ngắn thời hạn thanh toán, chứng khoán và tiền sẽ chuyển sang nhận vào buổi sáng.

Một trong những điều kiện quan trọng nhất để thực hiện việc rút ngắn thời gian thanh toán là hệ thống công nghệ. Với việc đầu tư một hệ thống công nghệ mới và dự kiến triển khai vào cuối năm 2009 của Trung tâm lưu ký, theo tôi có thể thực hiện việc rút ngắn chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán.

Tuy nhiên, khi rút ngắn chu kỳ thanh toán sẽ gặp một số khó khăn mà đòi hỏi sự nỗ lực với cả các thành viên. Rút ngắn như vậy, trong chu chuyển tiền của các thành viên lưu ký yêu cầu sẽ phải sớm hơn và đây chính là một trong những trở ngại với ngân hàng lưu ký, đặc biệt ngân hàng phục vụ cho khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài ở các quốc gia có múi giờ lệch Việt Nam.

Tôi cũng khẳng định rằng hiện nay quy trình thanh toán bù trừ T+3 là quy trình chuẩn mực nhất trên thế giới đang áp dụng.

Mặt khác, khi đưa ra quy định cho phép bán chứng khoán vào ngày T+2, T+3, điều đó cũng có nghĩa là các giao dịch trước ngày T+2 là bất hợp pháp, là trái luật.

Tôi tin là khi đã có hướng dẫn cụ thể, cộng với cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ mới đã có khả năng giám sát đến từng tài khoản khách hàng, việc giám sát và quản lý sẽ hiệu quả hơn.