17:47 17/08/2022

Chuyển dịch sang năng lượng xanh: Xu hướng không thể đảo ngược

Vũ Khuê

Quy hoạch điện 8 đã hiệu chỉnh lại toàn bộ phương án phát triển điện lực thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn tới năm 2045 nhằm đạt các mục tiêu cam kết của COP26, giảm dần lượng phát thải CO2…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị.

Tại hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” ngày 17/8, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết tính tới cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342 MW, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN và thứ 23 thế giới về quy mô công suất.

TRƯỚC COP26, NHIỆT ĐIỆN VẪN CHIẾM ĐẾN 66% SẢN LƯỢNG

Trong đó, công suất các nguồn điện chính là: thủy điện đạt 20.993 MW (chiếm 30,3% công suất và 29,6% sản lượng); nhiệt điện than 21.383 MW (30,8% công suất, khoảng 50% sản lượng); tua bin khí 9.025 MW (chiếm 13,1% công suất, 14,6% sản lượng), điện mặt trời 16.506 MW (23,8% công suất, 3,7% sản lượng).

Có thể thấy, các nguồn nhiệt điện là các nguồn điện chính của hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt điện than, chiếm hơn 31% công suất và tới 50% tổng sản lượng điện sản xuất. Nguồn điện này phát thải nhiều khí CO2 ảnh hưởng tới môi trường và cần phải được hạn chế phát triển về dài hạn.

Trước khi diễn ra Hội nghị COP26, ngày 08/10/2021, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8).

Theo đó, tới năm 2045, tổng công suất các nhà máy điện của nước ta khoảng 262.000-330.000 MW.

Trong đó, thủy điện và thủy điện tích năng đạt 35.677- 41.477 MW chiếm tỷ lệ 12,6-13,6%; nhiệt điện than đạt 50.949 MW chiếm tỷ lệ 15,4-19,4%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) là 53.833-70.533 MW chiếm tỷ lệ 20,5- 21,4%; nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) khoảng 104.900-137.610 MW chiếm tỷ lệ 40,1-41,7%; nhập khẩu điện 8.743-11.042 MW chiếm tỷ lệ 3,3%.

Cơ cấu điện sản xuất năm 2045 bao gồm: thủy điện 8,2-9,8%, nhiệt điện than 27,4-32,4%, nhiệt điện khí 28,4-33,1%, năng lượng tái tạo ngoài thủy điện 26,5- 28,4%.

“Có thể thấy các nguồn nhiệt điện trong cơ cấu nguồn điện đến năm 2045 của Phương án trình trước COP26 vẫn chiếm tỉ lệ khá cao, từ 36 đến gần 41% công suất và từ 56 đến 66% sản lượng điện. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng phát thải khí CO2 ở mức cao”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo tính toán của phương án này, phát thải khí CO2 từ lĩnh vực sản xuất điện tăng khá nhanh, đạt khoảng 245 triệu tấn vào năm 2030 và khoảng 383 triệu tấn vào năm 2045.

ĐẾN 2045, NGUỒN ĐIỆN THAN ÍT HƠN ĐIỆN XANH 

Tuy nhiên, cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về việc Việt Nam sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2050 đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm phát triển điện lực của Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, Quy hoạch điện 8 đã phải hiệu chỉnh lại toàn bộ phương án phát triển.

Theo đó, giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2. Không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, xem xét chuyển đổi một số dự án nguồn điện than sang sử dụng LNG.

Chuyển dần sang dùng nhiên liệu biomass hoặc amoniac (bằng cách tăng dần tỷ trọng đốt kèm), đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi nhiên liệu để có thể chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hoàn toàn vào năm 2050.

Các nguồn điện LNG sẽ chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydrogen và khi công nghệ đã chín muồi, chuyển hẳn sang sử dụng nhiên liệu hydrogen, đồng thời có thể phát triển các nhà máy điện thế hệ mới sử dụng hoàn toàn hydrogen. Đẩy mạnh phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo với giá thành hợp lý…

Trên cơ sở các quan điểm như vậy, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, điều chỉnh lại toàn bộ phương án phát triển điện lực và đã trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điện 8 tại tờ trình số 2279/TTr-BCT ngày 29/4/2022.

Kết quả tính toán cho thấy, tổng công suất các nhà máy điện năm 2030 đạt 120.995-145.930 MW và năm 2045 đạt 284.660-387.875 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).

Trong đó, nhiệt điện than đạt 37.467 MW (25,7-31%) vào năm 2030 và giữ nguyên cho tới năm 2045 (9,7-13,2%). Nguồn điện LNG đạt 14.800-23.900 MW (12,2-16,4%) vào năm 2030 và đạt 28.400-31.400 MW (10-15,1%) vào năm 2035 sau đó giữ nguyên đến năm 2045.

Điện gió trên bờ đạt 11.700-16.121 MW (9,7-11%) vào năm 2030 và đạt 36.170- 55.950 MW (12,7-14,4%) vào năm 2045. Điện gió ngoài khơi đạt 7.000 MW vào năm 2030 (4,8%), đạt 30.000-64.500 MW (10,5-16,6%) vào năm 2045. Điện mặt trời quy mô lớn vào năm 2030 đạt 8.736 MW (6-7,2%) và đạt khoảng 58.521- 76.000 MW (19,6-20,6%) vào năm 2045….

So sánh kết quả quy hoạch nguồn điện của Phương án trình tháng 4/2022 với Phương án trình trước COP26 cho thấy, năm 2045, công suất nguồn điện than đã giảm khoảng 23.400 MW, công suất nguồn điện sử dụng LNG giảm khoảng 24.350 MW.

Trong khi đó điện mặt trời tăng 33.000MW, điện gió trên bờ tăng khoảng 23.000MW và điện gió ngoài khơi tăng 28.500 MW. Các nguồn điện năng lượng điện tái tạo khác cũng tăng đáng kể.

Theo ông Dũng, nhờ việc phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện nên lượng phát thải CO2 của phương án phát triển điện lực rà soát sau Hội nghị COP26 sẽ giảm mạnh.

Cụ thể, phát thải CO2 sẽ đạt đỉnh vào giai đoạn 2031-2035 ở mức 231 triệu tấn, sau đó giảm dần. Đến năm 2045 lượng phát thải CO2 giảm xuống khoảng 175 triệu tấn, tức là giảm khoảng 208 triệu tấn CO2 so với phương án trước COP26.

Và đến năm 2050, ước tính phát thải CO2 từ lĩnh vực sản xuất điện còn khoảng 40 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng ”0” vào năm 2050.

“Dẫu còn rất nhiều khó khăn và thách thức trong đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội và thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 nhưng chắc chắn xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh là không thể đảo ngược, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều để đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra”, ông Dũng nhấn mạnh.