Chuyên gia Võ Trí Thành: Đây là lúc vừa phải vượt khó, vừa phải bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới
Bình luận về 2 kịch bản tăng trưởng 2021 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố sáng ngày 15/7, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng CIEM cần xây dựng thêm kịch bản xấu hơn để có biện pháp “phòng thủ” chính xác và hiệu quả …
Cụ thể, CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 lần lượt với các mức dự báo 5,9% và 6,2%. Song theo ông Võ Trí Thành, thông thường, các tổ chức thường đưa ra 3 kịch bản với giả định xấu, bình thường và lạc quan.
“Do đó, CIEM nên xây dựng thêm kịch bản xấu hơn với giả định việc kiểm soát dịch bệnh sẽ kéo dài hơn so với 2 kịch bản được đưa ra. Điều này nhằm dự phòng phương án “phòng thủ” tốt nhất, tránh lúng túng trong chuẩn bị và tập hợp lực lượng như trường hợp của TP.HCM vừa qua”, ông Thành khuyến nghị.
Về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nửa cuối năm, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn gắn chặt với xu hướng của thế giới; trong đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với 3 trắc trở lớn.
Thứ nhất, tình hình khan hiếm nguồn cung tiếp tục gia tăng, cạnh tranh đầu vào vẫn diễn ra mạnh mẽ, đẩy giá cả hàng hoá leo thang.
Thứ hai, một số quốc gia tạm dừng chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lạm phát vọt lên mức đỉnh trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều quốc gia đang theo dõi sát sao diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Thứ ba, năng lực logistics không còn đảm bảo như trước đại dịch Covid-19, chi phí thuê container rỗng tăng chóng mặt trong suốt thời gian qua.
“Những điều trên “ngấm” vào kinh tế Việt Nam làm tăng trưởng đối mặt nhiều thách thức”, ông Thành nhận định.
Trong khi đó, hiện nay, tăng trưởng giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới diễn ra không đồng đều. Nhiều định chế tài chính lớn hạ dự báo tăng trưởng ở một số quốc gia khu vực ASEAN do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trung Quốc, quốc gia phục hồi mạnh mẽ nhất trong nửa đầu năm 2021 trong khu vực châu Á cũng cho thấy nhiều dấu hiệu chững lại trong khoảng vài ngày gần đây. Ở chiều ngược lại, một số đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… lại đang có triển vọng tăng trưởng tích cực.
“Vì vậy, chiến thuật của Việt Nam ở thời điểm này không chỉ là vượt qua những thách thức từ đại dịch Covid-19 mà còn phải bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới. Nếu không nhanh chân, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực và không nắm bắt được cơ hội từ sự phục hồi nhanh chóng của các đối tác lớn”, ông Thành lưu ý.
Dẫu vậy, nền kinh tế vẫn đối mặt với những rủi ro như diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể mới, áp lực lạm phát và sự tăng giá của các mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào… Do đó, phục hồi kinh tế phải gắn với cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp, cải cách đầu tư…
Về gói hỗ trợ doanh nghiệp thứ 2 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng, mặc dù nguồn lực hạn hẹp nhưng Việt Nam còn dư địa tốt để triển khai bởi dự trữ ngoại tệ ở mức cao, thâm hụt ngân sách và nợ công trong tầm kiểm soát… Để tránh chậm trễ trong việc triển khai gói cứu trợ lần này, ông Võ Trí Thành cho rằng “trong bối cảnh mới, cần có những quy chế, quy trình mới để bắt nhịp với bối cảnh mới với nhiều rủi ro bất định; tránh tình trạng “ngại” vi phạm đễ lỡ cơ hội tăng trưởng”.