06:00 06/07/2021

GDP 6 tháng tăng 5,64%, vẫn còn những băn khoăn

Anh Nhi

Trong bối cảnh đợt dịch Covid-19 lần này “nặng hơn” so với năm 2020, mức tăng trưởng GDP 5,64% trong nửa đầu năm được xem là mức tăng đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn đằng sau con số tăng trưởng này...

Tăng trưởng GDP qua các quý
Tăng trưởng GDP qua các quý

Số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tăng trưởng GDP nửa đầu năm đạt mức 5,64%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng 1,82% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn mức tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), mặc dù đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở một số tỉnh trọng điểm như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang và Tp.HCM, song tăng trưởng GDP những tháng đầu năm không có gì bất thường. “Đó là bởi trong quý 2/2021, nền kinh tế vẫn có nhiều động lực tăng trưởng”, ông Hiếu phân tích.

KHÔNG CÓ GÌ BẤT THƯỜNG

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt trong quý 2/2021 với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 11,45% so với cùng kỳ năm 2020 (1,1%). Nếu dịch không tác động vào các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang…, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm có thể tăng trưởng cao hơn thay vì tăng 8,9% như hiện nay.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm trở lại đây đạt mức tăng trưởng khá với hai chữ số. Theo đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,06% của cùng kỳ năm 2020. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghệ chế biến, chế tạo cũng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/6/2021 tăng 24,3% so với cùng kỳ  (cùng kỳ năm trước là  26,7% ). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo đạt 75,2% (cùng kỳ năm trước là 81,5%).

GDP 6 tháng tăng 5,64%, vẫn còn những băn khoăn - Ảnh 1

Đáng chú ý, theo ông Hiếu, ngoài công nghiệp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 cũng tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011-2021. “Sự bứt phá của ngành nông nghiệp với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây đã đóng góp vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế”, ông Hiếu cho biết.

Tuy vậy, đằng sau con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng vẫn còn những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đó là doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 224 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,5 nghìn tỷ đồng giảm 51,8% và ngành vận tải hành khách cũng giảm 0,7%. Điều này cho thấy những ngành kinh doanh dịch vụ tiếp tục chịu tác động ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

NHIỀU CÂU HỎI CÒN BỎ NGỎ

“Sau giai đoạn khó khăn vì ba đợt bùng phát dịch Covid-19 trong năm 2020, đợt dịch thứ tư tiếp tục lan rộng khiến doanh nghiệp ngành dịch vụ thêm tổn thất, khó khăn và kiệt quệ. Vì vậy, trong các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm, cần phải cân nhắc tới những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19”, bà Hương nhận định.

Cùng với đó, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng câu chuyện vaccine vẫn là câu hỏi lớn đặt ra đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay cũng như thời gian tới. Bên cạnh đó là hiệu quả thực thi của loạt chính sách về thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp và các chính sách tài khoá, tiền tệ khác…

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lại băn khoăn về tỷ lệ thất nghiệp. Cụ thể, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước 6 tháng đầu năm ước tính là 2,3% (quý 2/2021 là 2,4%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,07% và khu vực nông thôn là 1,86%. “Nhiều năm nay, tỷ lệ thất nghiệp vẫn loanh quanh mốc này dù tình hình khó khăn hay tốt lên”, ông Cung nói.

Ngoài ra, ông Cung trích dẫn Tổng cục Thống kê cho biết trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Nhưng bình quân 6 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%. “Đây là điểm mà tôi rất băn khoăn khi nhìn vào bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm”, ông Cung nhấn mạnh.

 

GDP tăng từ 6,1 đến 6,3%

 

Ông  Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV
Ông  Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong quý 2/2021 đạt 6,61% và 6 tháng đầu năm đạt 5,64%. Tuy hơi thấp hơn so với dự báo đầu quý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,8%, nhưng con số này cũng khá gần với dự báo của chúng tôi là 5,6% cho 6 tháng đầu năm 2021.

Với mức tăng trưởng trên, rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết 01 của Chính phủ đã đề ra với mong muốn quý 1/2021 là 5,12% và quý 2/2021 là trên 6%.

Tuy nhiên, kết quả trên vẫn rất đáng khích lệ, vì 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam phải đối mặt với đợt dịch Covid-19 tương đối nặng so với năm 2020, mặc dù chúng ta đã điều chỉnh chiến lược về kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn. Theo đó, chúng tôi dự báo nền kinh tế cuối năm sẽ đạt mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, GDP tăng từ 6,1 đến 6,3%.

 

 

Quá trình phục hồi đang tiếp tục

 

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế
Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Theo  tôi, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong  đó, đáng  chú  ý  là  dịch Covid - 19 vẫn  đang ảnh hưởng đến các trung tâm sản xuất của VIệt Nam như: Bắc Giang, Bắc Ninh, nguy cơ vẫn còn hiện hữu ở thành phố Hồ  Chí Minh, Bình Dương và thậm chí là Đồng Nai.

Do đó, khả năng đạt được mục tiêu tăng  trưởng GDP cả năm là 6,5% sẽ  khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên quá trình phục hồi vẫn đang tiếp tục.

 

 

Cẩn trọng với tỷ giá

 

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Nhiều dự báo đưa ra gần đây nhận định lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ tăng lên khoảng 1,6% vào năm 2023. Nếu lãi suất của Mỹ tăng dần như vậy, giá trị của đồng USD dự báo tăng, đồng nghĩa giá trị của VND giảm. Điều này tốt cho hoạt đọng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần lưu ý, mặc dù Mỹ đã tạm rút Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ, nhưng nếu tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng, mà xuất hiện động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối, chẳng hạn như mua USD, sẽ tạo ra nguy cơ Việt Nam bị Mỹ đưa trở lại danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.