Có chính sách hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần tích cực, chủ động trong công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lộ trình, giải pháp cụ thể, đặc biệt là có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo “đà” cho người tham gia, nhất là với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh yêu cầu này tại “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình” sáng 8/5. Lễ ra quân được tổ chức đồng bộ từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi toàn quốc.
Với chủ đề “Bảo hiểm xã hội - điểm tựa của bạn và gia đình”, Lễ ra quân năm nay sẽ tập trung truyền thông sâu rộng về ý nghĩa, vai trò, tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, quyền và lợi ích khi tham gia; nhấn mạnh mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, đồng thời, việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu từ ngày 1/1/2022 thì mức lương hưu cũng sẽ tăng tương ứng; những thiệt thòi khi lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần;….
Mục tiêu cụ thể của Lễ ra quân là phấn đấu phát triển được 10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong và sau Lễ ra quân.
Phát biểu tại Lễ ra quân, Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào cho biết, trong những năm qua, Bưu điện Việt Nam đã phát triển được gần 1 triệu người tham gia mới bảo hiểm xã hội tự nguyện và gần 6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình trên toàn quốc.
Với mục tiêu góp phần hiệu quả cùng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu hoàn thành mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, ông Chu Quang Hào nhấn mạnh, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Bưu điện Việt Nam xác định công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện – bảo hiểm y tế hộ gia đình là nhiệm vụ chính trị, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của ngành Bưu điện để đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả mặt công tác này.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng chia sẻ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia nhằm đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước.
Những năm qua, việc triển khai những chính sách này đã có nhiều kết quả tích cực, nổi bật như: Độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục tăng và mở rộng, tính đến hết ngày 30/4/2022 ước số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 16,6 triệu người, chiếm 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 521.000 người so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt trên 15,3 triệu người, tăng 369.000 người so với cùng kỳ, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 152.000 người so với cùng kỳ năm trước; số người tham gia bảo hiểm y tế trên 85,8 triệu người, đạt tỷ lệ 86,8% dân số.
Nhằm hoàn thiện mục tiêu phát triển người tham gia, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lộ trình, giải pháp cụ thể.
Đặc biệt là có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo “đà” cho người tham gia, nhất là với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, UBND các cấp về kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại địa phương để có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.
Đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. “Đây là vấn đề cốt lõi để bảo đảm tính bền vững của chính sách”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng đề nghị, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để dân hiểu, dân biết, dân tin, dân nghe, dân theo, dân làm trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, tiếp tục tổ chức các đợt truyền thông cao điểm gắn với phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, trong đó tập trung truyền thông sâu rộng về những giá trị, lợi ích các chính sách đem đến cho nhân dân, những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần.