Cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Việt khi tiến vào thị trường Trung Đông và Châu Phi
Mặc dù tiềm năng và cơ hội kinh doanh lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt dường như chưa mấy mặn mà khi xuất khẩu sản phẩm sang Trung Đông và Châu Phi
Mặc dù tiềm năng và cơ hội kinh doanh lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa mấy mặn mà khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Đông và Châu Phi. Song, thời gian gần đây, tình hình đã thay đổi khi nhiều doanh nghiệp trong nước đã vượt qua được các trở ngại trước đây và nắm bắt những cơ hội giao thương mà khu vực này mang lại.
Năm 2018, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Đông và châu Phi đến năm 2025. Đến cuối tháng 11 năm 2018, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Đông đã đạt 12,674 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 7,590 tỷ USD và nhập khẩu chiếm 5,084 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng đáng kể trong nhiều năm liên tiếp kể từ năm 2013, khi tổng giao dịch chỉ đạt 9,6 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, việc am hiểu văn hóa, tập quán tiêu dùng sẽ đem lại nhiều thuận lợi trong kinh doanh tại xứ sở có hơn 70 quốc gia và 1,6 tỷ dân, đồng thời cũng là nơi được ví von là giếng dầu của thế giới và là nguồn cung cấp chính của các loại hàng hóa như trang sức, đá quý.
Hiện nay, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Đông là các mặt hàng tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính và linh kiện điện tử, thủy sản, giày dép, dệt may, xơ sợi, gạo, hồ tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ, hạt điều, cao su, rau củ quả, trái cây và cà phê.
Thách thức khi thâm nhập thị trường Trung Đông và Châu Phi
Giống như những thị trường xuất khẩu khác, các quốc gia trong khu vực Trung Đông và Châu Phi cũng đòi hỏi các doanh nghiệp nước ngoài buộc phải tuân thủ một số tiêu chuẩn và quy định khi giao thương.
Những yêu cầu này thường được tập trung lại và thể hiện trong Chứng nhận Hợp quy (CoC) do mỗi quốc gia cấp cho từng lô hàng trước khi nhập khẩu. Chứng nhận Hợp quy được xem như một chứng chỉ công bố sản phẩm đã tuân thủ những quy định của quốc gia nhập khẩu. Để được thông quan tại cửa khẩu hải quan, tất cả những lô hàng phải có đầy đủ các giấy tờ chứng nhận theo quy định. Ngoài ra, đôi khi hàng hóa cũng có thể được yêu cầu phải kiểm định trước khi vận chuyển.
Ngoài việc phải vượt qua "biển quy định" của các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông và Châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam còn cần phải hiểu những khác biệt về văn hóa và tình hình chính trị để tiếp cận thành công thị trường này.
Đơn cử như vào tháng 1 năm 2019, Vương quốc Ả Rập Xê Út đã triển khai SABER, một hệ thống trực tuyến nhằm hỗ trợ cho chương trình SALEEM, chương trình an toàn sản phẩm Ả Rập Saudi với mục tiêu cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn tại vương quốc này. Những thay đổi mới trong Hệ thống Hợp quy của Ả Rập yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký sản phẩm của mình trên hệ thống SABER nếu muốn được cấp phép vào thị trường Trung Đông.
Trong năm 2019, Ai Cập cũng vừa thêm 4 danh mục sản phẩm mới, nâng tổng số sản phẩm cụ thể được quản lý lên 29 theo quy định mới trong Nghị định số 44 của Cơ quan Kiểm soát xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, những thông tin cập nhật trong Danh sách sản phẩm cụ thể được quản lý cùng những tiêu chuẩn chỉnh sửa và tiêu chuẩn mới của I-rắc cũng có thể sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu tốn kém nếu như họ không thường xuyên theo dõi sự thay đổi luật lệ tại các quốc gia.
Trong trường hợp hàng hoá thiếu những chứng nhận cần thiết thì chúng sẽ buộc phải ký gửi ở một quốc gia gần nhất để lô hàng được kiểm định hoặc lấy mẫu đem đi thử nghiệm. Trong trường hợp sản phẩm không đạt yêu cầu thì toàn bộ lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu.
Như vậy, việc thiếu những chứng nhận cần thiết cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải gánh thêm một khoản phí phát sinh từ việc lưu kho bãi, kiểm định, thử nghiệm và đền bù (nếu có) khi giao hàng chậm trễ. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của doanh nghiệp trước khách hàng và đối tác trong khu vực.
Tiếp cận thị trường Trung Đông và Châu Phi giàu tiềm năng
Để quá trình tiếp cận các quốc gia này dễ dàng hơn, doanh nghiệp thường tìm đến những nhà cung cấp dịch vụ kiểm định uy tín. Tại đây, họ sẽ được tư vấn những yêu cầu của thị trường đối với từng sản phẩm cụ thể dựa trên các quy định mới nhất và quy trình để đạt được những chứng nhận cần thiết.
"TÜV Rheinland hiện đang hợp tác với chính phủ Việt Nam để thúc đẩy thương mại giữa hai thị trường Việt Nam và Trung Đông", bà Phạm Thị Nhàn, Giám đốc Dịch vụ kiểm định theo yêu cầu của chính phủ nhập khẩu, TÜV Rheinland Việt Nam, cho biết. "Chúng tôi kỳ vọng thương mại song phương trong tương lai sẽ được mở rộng khi nhiều công ty Việt Nam nhận ra tiềm năng giao thương của khu vực này. Chúng tôi cũng rất vui khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao những giải pháp đa dạng và hiệu quả mà chúng tôi mang lại".
Với hơn 145 năm kinh nghiệm, TÜV Rheinland có thể hỗ trợ doanh nghiệp từ giai đoạn nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến sản xuất hàng loạt, từ thử nghiệm sản phẩm đến tiếp cận thị trường tại những khu vực mà họ mong muốn. Hiện tại, TÜV Rheinland đã cấp chứng nhận cho nhiều loại sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam như thực phẩm, đồ chơi, sản phẩm điện và điện tử, lốp xe và phụ tùng, sản phẩm xây dựng, mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh cá nhân và chất tẩy rửa, đồ nội thất, hóa chất, dệt may và giày dép.
Chính nhờ sự hiện diện toàn cầu cùng mạng lưới các chuyên gia giàu kinh nghiệm, TÜV Rheinland luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại Việt Nam về những cập nhật tiêu chuẩn và luật định mới nhất. Là một tổ chức kiểm định có mặt trên toàn thế giới với cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất, TÜV Rheinland đã được chính phủ của các quốc gia vùng Trung Đông và Châu Phi công nhận là bên thứ ba đủ điều kiện cấp Chứng nhận hợp quy và các chứng nhận cần thiết khác.