05:05 04/09/2021

Cổ phiếu bảo hiểm sẽ đón sóng ngắn cuối năm 2021?

Thu Minh

Mảng bảo hiểm phi nhân thọ, sản phẩm cá nhân đã chịu ảnh hưởng lớn do đại dịch. Hai nghiệp vụ chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của ngành là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới (tổng tỉ trọng doanh thu là 57,9%) đều ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau khi nhạt nhòa trong suốt những tháng đầu năm, cổ phiếu nhóm bảo hiểm đang có sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp.

CỔ PHIẾU PHÂN HÓA RÕ RỆT

Cụ thể, cổ phiếu MIG của Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội đã tăng trưởng suốt từ giữa tháng 7 tới nay, hiện đang giao dịch xung quanh vùng giá 23.700 đồng/cổ phiếu, tăng 42%. PVI của Bảo hiểm PVI cũng tăng 28%, PGI tăng 25%. Cổ phiếu BMI của Tổng công ty CP Bảo Minh đã tăng suốt trong giai đoạn tháng 6 và từ cuối tháng 7 đến nay đang lừng khừng ở vùng giá 34.000 đồng/cổ phiếu.

Ở chiều ngược lại, BVH của Tập đoàn Bảo Việt thậm chí còn giảm mạnh kể từ đầu năm, với mức giảm 18,5%, hiện đang giao dịch xung quanh vùng giá 56.800 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, mức hồi phục này đã khá tốt so với hồi tháng 7 có lúc rơi về đáy 47.000 đồng/cổ phiếu.

Các doanh nghiệp ngành bảo hiểm đã đối diện nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2021.

Báo cáo cập nhật triển vọng ngành bảo hiểm 6 tháng cuối năm 2021 vừa công bố, Chứng khoán Bảo Việt cho thấy, ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, sản phẩm cá nhân đã chịu ảnh hưởng lớn do đại dịch. Hai nghiệp vụ chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của ngành là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới (tổng tỉ trọng doanh thu là 57,9%) đều ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm, lần lượt tăng 6,2% và 1,6% so với cùng kỳ.

Bù lại, các sản phẩm bán buôn như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm cháy nổ đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt tăng 17,7%/22,3%/16,44%, đều là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng tới thu nhập của người dân, đồng thời hoạt động khai thác của các đại lý cũng bị hạn chế, tạm thời làm giảm nhu cầu cho các sản phẩm bảo hiểm cá nhân. Xu hướng này dự kiến sẽ vẫn tiếp tục trong 6 tháng cuối năm, song tốc độ tăng trưởng có thể giảm đáng kể do diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4.

Cổ phiếu bảo hiểm sẽ đón sóng ngắn cuối năm 2021? - Ảnh 1

Trái với Phi nhân thọ, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm Nhân thọ ghi nhận mức tăng trưởng cao, đạt 73.022 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm liên kết đơn vị cho thấy tốc độ tăng trưởng đột biến, đạt 8.900 tỷ đồng, tăng 135,5% so với cùng kỳ, nâng tỉ trọng trong tổng doanh thu phí từ mức 6,8% trong 1H2020 lên 12,2%. Bảo hiểm liên kết chung có mức tăng trưởng thấp hơn, nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ, đạt 40.162 tỷ đồng, tăng 34,72%.

SẼ CÓ SÓNG NGẮN HẠN TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM?

Đánh giá triển vọng 6 tháng cuối năm 2021, BVSC cho rằng, vẫn sẽ có nhiều thách thức đối với nhóm này.

Thứ nhất, thu nhập người dân giảm sút, số liệu từ Tổng cục Thống kê, có khoảng 22,2 triệu người lao động bị giảm thu nhập do tác động của Covid-19 trong năm 2020. Xét riêng quý 1/2021, con số này lên tới 6,5 triệu người (xấp xỉ 1/3 tổng số người bị ảnh hưởng trong cả năm 2020).

Thống kê này đã cho thấy túi tiền của khách hàng thực sự trở nên eo hẹp hơn rất nhiều so với năm trước, dẫn đến nhu cầu cho các sản phẩm bảo hiểm cá nhân tạm thời giảm sút trong giai đoạn này, nhất là khi các biện pháp giãn cách sẽ vẫn tiếp tục được áp dụng, và có thể kéo dài cho đến hết quý 3.

Thứ hai, lãi suất tiền gửi thấp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trung bình hơn 60% lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm đến từ lợi nhuận hoạt động tài chính, trong đó chủ yếu là doanh thu tiền gửi (hơn 80% danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng). Thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được duy trì những tháng cuối năm, lãi suất huy động tiếp tục được duy trì ở mức thấp.

Cổ phiếu bảo hiểm sẽ đón sóng ngắn cuối năm 2021? - Ảnh 2

Thứ ba, cạnh tranh trong ngành gia tăng.  Các doanh nghiệp ngành bảo hiểm cũng đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Trong những năm trở lại đây, các doanh nghiệp trong top đầu đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại để tập trung nhiều hơn vào hiệu quả hoạt động kinh doanh, khiến thị phần liên tục bị chia sẻ cho các doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành.

Ngoài ra, còn những thách thức khác như rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh và hiện tượng trục lợi bảo hiểm...

Tuy vậy, BVSC tin rằng, nghiệp vụ bán buôn dẫn dắt tăng trưởng doanh thu phí phi nhân thọ 6 tháng cuối năm. Cho cả năm 2021, BVSC ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe/xe cơ giới/tài sản/hàng hóa/chạy nổ lần lượt là 1%/-2%/20%/25%/15% so với cũng kỳ. Tính chung cả năm, tổng doanh thu đạt 58.798 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm ngoái.

Tỷ lệ bồi thường thấp cũng sẽ giúp bù đắp cho lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong nửa đầu năm 2021, tỉ lệ bồi thường toàn ngành chỉ là 32,7%, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (33,5%). Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. BVSC cho rằng việc giãn cách xã hội trong Q3 ở một số tỉnh thành khiến tỉ lệ bồi thường có thể còn thấp hơn trong nửa cuối năm. Do đó, ước tính tỉ lệ bồi thường cả năm 2021 có thể giảm xuống 32%, tác động tích cực đến những doanh nghiệp có tỉ trọng sản phẩm bảo hiểm cá nhân lớn.

Cổ phiếu bảo hiểm sẽ đón sóng ngắn cuối năm 2021? - Ảnh 3

Cuối cùng, theo BVSC, quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp có thể tạo động lực tăng giá ngắn hạn. Trong năm 2021, một số các doanh nghiệp có kế hoạch thoái một phần vốn như BMI, PTI, BVH, MIG. Đây sẽ là động lực tăng giá ngắn hạn cho cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, do giá cổ phiếu trong các thương vụ ở quá khứ thường được trả mức PB cao hơn so với mức giá giao dịch trên thị trường.