Vụ thao túng cổ phiếu FTM: Xử phạt hai cá nhân mỗi người 600 triệu đồng
Năm 2019 ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản thao túng cổ phiếu FTM. Ủy ban Chứng khoán vừa ra quyết định xử phạt 2 cá nhân này mỗi người 600 triệu đồng...
Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết quả xác minh của cơ quan công an, ngày 30/8/2021, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 549 và số 550 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Mạnh Thường (Hà Nội) và bà Phạm Thị Phương (Tp.HCM).
Trước đó, năm 2019 ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định phạt 600.000 đồng với mỗi người theo quy định. Căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan công an và kết quả kiểm tra, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của 2 cá nhân nêu trên gây ra xác định theo quy định tại Điều 211 - Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của 2 cá nhân này.
Thời điểm tháng 9/2019, cổ phiếu FTM đã gây rúng động thị trường chứng khoán với màn thao túng giá có một không hai trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Niêm yết trên HOSE vào ngày 6/2/2017, FTM đã có giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 16.000 đồng/cổ phiếu. Giá FTM không có quá nhiều biến động cho đến cuối tháng 11/2018. Sau đó giá tăng khá mạnh và lên mức 25.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm giữa năm 2019 (9/7/2019).
Tuy nhiên, sau thời gian tăng giá mạnh là chuỗi ngày giảm giá sâu của cổ phiếu này. Theo thống kê, cổ phiếu giảm giá mạnh từ ngày 15/8 và tới ngày 20/9 đã có 26 phiên giảm sàn liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, cổ phiếu FTM chỉ còn giá 3.710 đồng/cổ phiếu.
Ngày 4/9/2019, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng thương mại đã nhóm họp để đánh giá thiệt hại và ghi nhận những bất thường của nhà đầu tư có tài khoản cầm cố FTM ở các công ty chứng khoán để báo cáo cơ quan quản lý. Theo thống kê thì 11 công ty chứng khoán này thiệt hại ước tính lên đến gần 200 tỷ đồng, trong đó có công ty mất vốn đến 80 tỷ đồng.
Bên cạnh vụ FTM, hai ngày gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng xử phạt hàng loạt người liên quan lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông vì hành vi giao dịch chui cổ phiếu.
Cụ thể, ngày 1/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính với bà Phạm Thị Tuyết Mai 40 triệu đồng do không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Bà Phạm Thị Tuyết Mai là người liên quan với ông Phạm Văn Khương - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinhomes, mã chứng khoán VHM, bán 87.180 cổ phiếu VHM vào ngày 25/10/2018 nhưng không báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Tp.HCM về việc dự kiến giao dịch.
Tại Công ty CP Chứng khoán APG, ngày 17/4/2019, bà Lê Thị Mai Hòa đã thực hiện giao dịch mua 40.000 cổ phiếu Công ty cổ phần chứng khoán APG, mã APG, dẫn đến số lượng cổ phiếu tăng từ 1.673.720 cổ phiếu lên 1.713.720 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 4,92% lên 5,04% và trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần chứng khoán APG. Ngày 18/4/2019, bà Lê Thị Mai Hòa mua 25.590 cổ phiếu APG và đã bán 141.400 cổ phiếu APG dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu giảm xuống còn 1.597.910 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 4,7% và không còn là cổ đông lớn của Công ty cổ phần chứng khoán APG.
Tuy nhiên, Bà Lê Thị Mai Hòa không công bố thông tin khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của Công ty cổ phần chứng khoán APG và khi không còn là cổ đông lớn. Ngày 31/8, UBCK Nhà nước ra quyết định xử phạt bà Hòa 60 triệu đồng.
Cùng ngày 31/8, cổ đông lớn của Công ty CP Quốc tế Sơn Hà (SHI) là ông Lê Văn Thành cũng bị xử phạt 60 triệu đồng do không công bố khi sở hữu 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của công ty và khi không còn là cổ đông lớn.
Cụ thể, ngày 1/3/2019, ông Lê Văn Thành, mua 829.900 cổ phiếu Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã SHI) dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu tăng từ 3.784.012 cổ phiếu lên 4.613.912 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 4,45% lên đến 5,42% và trở thành cổ đông lớn của SHI.
Ngày 12/3/2019, ông Lê Văn Thành bán 1.276.090 cổ phiếu SHI dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu giảm xuống còn 3.252.392 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 3,82% và không còn là cổ đông lớn của SHI. Tuy nhiên, ông Lê Văn Thành không công bố thông tin nên UBCK Nhà nước đã ra quyết định xử phạt.