Cổ phiếu một công ty Indonesia tăng 3.100% chỉ sau 4 tháng IPO
Hiện tại, có ít nhất 4 ngân hàng đang “xếp hàng” để được đáp ứng các nhu cầu tài chính của công ty này
Cổ phiếu PT Pelayaran Tamarin Samudra - công ty dịch vụ vận
tải có mức tăng mạnh nhất trong số 559 cổ phiếu của Indonesia
trong năm nay, tăng tới 3.091% so với mức giá khi niêm yết lần đầu (IPO) hồi
tháng 5. Đến nay, vốn hóa thị trường của công ty này là khoảng 1 tỷ
USD, hãng tin Bloomberg cho biết.
Khách hàng của PT Pelayaran Tamarin Samudra gồm những công ty lớn như hãng sản xuất dầu thô và khí gas lớn nhất của Trung Quốc CNOOC Ltd. Hiện tại, có ít nhất 4 ngân hàng đang “xếp hàng”
để được đáp ứng các nhu cầu tài chính của công ty này, Giám đốc Kardja Rahardjo cho
biết.
“Việc niêm yết và cổ phiếu tăng mạnh giúp chúng tôi có thêm nhiều lựa chọn về vốn để đầu tư cho sự phát triển”, Rahardjo chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi không biết tại sao cổ phiếu của chúng tôi lại nằm trong nhóm tăng mạnh nhất. Đó là điều thị trường quyết định. Chúng tôi cũng ngạc nhiên khi có nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu ở mức giá cao như vậy”.
Pelayaran phát hành 750 triệu cổ phiếu trong lần IPO hồi tháng 5 với giá
110 Rupiah/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch ngày 18/9, cổ phiếu này tăng 3,1%,
trước khi đóng cửa với mức giá không đổi 3.510 Rupiah, trong khi đó, chỉ số
Jakarta Composite Index tăng 0,2%.
Hiện công ty này đang nỗ lực giành hợp đồng từ Chevron, Total SA và PT Pertamina Hulu Energi để khai thác 2 tàu hàng đang “rảnh” của mình,
Rahardjo cho biết. Nếu có thể chốt ít nhất một hợp đồng trong năm nay, lợi nhuận
của công ty sẽ tăng đáng kể, trợ lý giám đốc Leo Tangkilisan cho biết. Theo đó, Pelayaran sẽ bắt đầu có lãi ròng trong năm nay, sau khoản lỗ 6,8 triệu USD năm
ngoái. Ông cũng cho biết dù vẫn ghi nhận lãi hoạt động trong nhiều năm qua,
nhưng khấu hao lớn là nguyên nhân gây ra tình trạng lỗ của công ty.
Sự phất lên của Pelayaran có liên hệ trực tiếp tới các chính
sách của chính phủ trong ngành năng lược và những nỗ lực của Tổng thống Joko
Widodo nhằm thúc đẩy sản lượng và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, Rahardjo cho biết.
“Tiềm năng với ngành dịch vụ dầu khí vẫn rất lớn bởi chính
phủ đang nỗ lực phát triển ngành năng lượng”, Arief Budiman, nhà phân tích tại
PT Ciptadana Sekuritas, nhận định. “Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào việc liệu
các chương trình của chính phủ có đem lại hiệu quả hay không. Nếu không, tất cả
những tiềm năng đó sẽ không thể được thực hiện”.
Indonesia, cựu thành viên của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đang tìm cách thu hút đầu tư vào ngành năng lượng để nhằm đối phó với xu hướng giảm nguồn cung với các chính sách ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu thiết bị khoan và các khoản phí đơn giản. Tuy vậy, sự chậm chễ trong việc phê duyệt dự án và tìm kiếm các mỏ dầu mới đã đang làm tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu của quốc gia này.