Cổ phiếu đầu tư công: Cơ hội lớn ở những doanh nghiệp có giá trị backlog lớn
Giá trị backlog/doanh thu mảng Xây dựng 2024 của một số doanh nghiệp niêm yết đang ở mức cao, qua đó đảm bảo nguồn công việc cho các kỳ ghi nhận doanh thu trong tương lai. Trong đó, VCG đang sở hữu lợi thế vượt trội nhất trong nhóm cả về quy mô backlog lẫn mức độ đảm bảo doanh thu trong các năm tới.

Giải ngân đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ lực của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động. Mục tiêu giải ngân năm 2025 lên tới 825.900 tỷ đồng, tăng 21% so với kế hoạch 2024 và cao hơn 29,9% so với mức thực hiện năm trước.
Đặc biệt, Thủ tướng đã giao 100% kế hoạch vốn ngay từ ngày 4/12/2024, sớm và đầy đủ hơn so với thông lệ, nhằm thúc đẩy giải ngân từ đầu năm.
KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG GIAI ĐOẠN 2026-2030 KHÔNG QUÁ 3.000 DỰ ÁN
Theo báo cáo cập nhật của Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 6 năm 2025, tổng vốn giải ngân đạt 268.133,9 tỷ đồng, tương đương 29,6% kế hoạch năm và 32,5% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. So với tiến độ giải ngân của cùng kỳ năm 2024, tốc độ giải ngân chỉ đạt lần lượt 26,4% và 28,2%.
Trong công điện vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.
Xác định rõ vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án cụ thể để chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời; tập trung quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về cung ứng vật liệu thi công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia; kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án giải ngân tốt theo quy định;
Đẩy nhanh giải ngân phải gắn liền với bảo đảm chất lượng công trình, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời cán bộ yếu kém về năng lực, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân.
Đồng thời, tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, bố trí vốn tập trung, trọng tâm trọng điểm, kiên quyết không dàn trải; bảo đảm tổng số dự án nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 không quá 3.000 dự án; tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm triển khai trong giai đoạn 2026-2030.
Theo nhận định của Mirae Asset, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ có lợi trực tiếp cho các doanh nghiệp nhóm vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa đường, đá, ....
Với khoảng 60%-70% nguồn chi phí xây dựng đến từ vật liệu xây dựng nên nhóm vật liệu xây dựng kỳ vọng được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng tăng mạnh nhờ loạt dự án hạ tầng lớn được triển khai. Tuy nhiên, có sự phân hóa ở nhóm vật liệu xây dựng khi các nguồn cầu từ sắt thép có thể không hưởng lợi mạnh khi nguồn cung sắt thép trong nước rất lớn. Ngược lại, các mỏ đá, đặc biệt các mỏ gần các dự án lớn kỳ vọng hưởng lợi khi các doanh nghiệp mỏ đá còn công suất lớn.

Với nhóm xây dựng hạ tầng: Trực tiếp nhận các gói thầu thi công hạ tầng, doanh thu tăng trưởng mạnh nhờ giá trị backlog lớn.
DOANH NGHIỆP NÀO ĐANG CÓ BACKLOG LỚN NHẤT?
Các nhóm hưởng lợi gián tiếp như bất động sản, khi hạ tầng mở rộng giúp gia tăng giá trị quỹ đất, các dự án nhà ở khu vực vệ tinh, kết nối thuận lợi sẽ hấp dẫn người mua. Doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất gần các dự án hạ tầng lớn được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng.
Bất động sản khu công nghiệp: Hạ tầng giao thông phát triển giúp giảm chi phí logistics, tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư FDI. Các khu công nghiệp ven các tuyến giao thông huyết mạch có lợi thế thu hút dòng vốn sản xuất mới.
Tiêu dùng, giao thông vận tải và các ngành phụ trợ: Giao thông thuận lợi thúc đẩy logistics, vận tải hàng hóa, du lịch, thương mại liên vùng. Tiêu dùng nội địa được hỗ trợ nhờ tăng trưởng kinh tế lan tỏa từ đầu tư công. Một số ngành phụ trợ khác như thương mại, dịch vụ tài chính, công nghệ vận hành hạ tầng cũng được hưởng lợi gián tiếp.
Ngân hàng: Ngân hàng hưởng lợi nhờ tăng dư nợ, tăng phí dịch vụ từ giải ngân cho các nhà thầu, nhà cung ứng, chủ đầu tư.
Mặc dù vậy, chỉ những doanh nghiệp sở hữu hồ sơ năng lực thi công vững mạnh, khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ cao mới có thể giành được cơ hội tham gia vào các gói thầu quy mô lớn trong giai đoạn sắp tới.
Giá trị backlog/doanh thu mảng Xây dựng 2024 của một số doanh nghiệp niêm yết đang ở mức cao, qua đó đảm bảo nguồn công việc cho các kỳ ghi nhận doanh thu trong tương lai. Trong đó, VCG đang sở hữu lợi thế vượt trội nhất trong nhóm cả về quy mô backlog lẫn mức độ đảm bảo doanh thu trong các năm tới.
Mirae Asset nhận định rằng, với lượng backlog hiện tại được đảm bảo, kết hợp 2025 là năm cuối của kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, kỳ vọng về tăng trưởng kết quả kinh doanh là hoàn toàn có cơ sở. Các chủ đầu tư nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh tiến độ bàn giao để kịp hoàn thành kế hoạch trong năm nay.
Về dài hạn, ngành xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư công, tiếp tục cho thấy triển vọng tích cực. Chính phủ đang đẩy mạnh các kế hoạch hoàn thiện hạ tầng chiến lược, được hỗ trợ bởi các động lực chính như: Tỷ lệ nợ công thấp cuối 2024 ở mức thấp 37% tạo dư địa phát triển; Bộ máy hành chính tinh gọn, giảm chồng chéo; Tiến trình cập nhật, hoàn thiện khung pháp lý qua việc sửa đổi các bộ luật quan trọng
P/E của các doanh nghiệp trong mảng liên quan xây dựng (đầu tư công) phân hóa khá mạnh khi HHV và C4G có P/E dưới mức trung bình 5 năm. Đối với P/B, hầu hết các doanh nghiệp đang tiệm cận với trung bình 5 năm, ngoại trừ HHV đang được giao dịch ở mức cao hơn trung bình 5 năm.