Cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo trên toàn cầu, giá dầu lao dốc
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/3), đánh dấu phiên giảm thứ 5 liên tiếp của chỉ số Dow Jones...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/3), đánh dấu phiên giảm thứ 5 liên tiếp của chỉ số Dow Jones và dẫn đầu là sự trượt dốc của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau vụ đổ vỡ của nhà băng SVB vào cuối tuần vừa rồi. Ngân hàng cũng là cái tên bị bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu trong phiên đầu tuần, và tâm lý lo sợ rủi ro bao trùm khiến giá dầu giảm hơn 2%.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 90,5 điểm, tương đương giảm 0,28%, còn 31.819,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,15%, còn 3.855,76 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,45%, đạt 11.188,84 điểm.
Chỉ số MSCI All Country World Index đo thị trường chứng khoán 49 quốc gia trên thế giới giảm 0,39%. Chứng khoán châu Âu là thị trường khu vực giảm mạnh nhất phiên này, với mức giảm 2,3% của chỉ số Stoxx 600.
Chỉ số đo giá cổ phiếu ngân hàng tại thị trường châu Âu giảm gần 6% sau khi giảm 3,8% trong phiên ngày thứ Sáu. Cổ phiếu HSBC niêm yết tại thị trường London tụt hơn 4% sau khi nhà băng này tuyên bố mua lại chi nhánh của SVB ở Anh với giá 1 Bảng.
Cổ phiếu các ngân hàng khu vực Mỹ sụt mạnh, dẫn đầu là cú giảm gần 62% của First Republic Bank, trong bối cảnh những nỗ lực trấn an của nhà chức trách về sự an toàn của hệ thống là chưa đủ để khiến giới đầu tư yên lòng.
Vào cuối tuần, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp nhằm bình ổn hệ thống ngân hàng và nói rằng người gửi tiền tại SVB có thể tiếp cận tiền gửi của mình từ ngày thứ Hai. Ngoài ra, Fed cũng bơm thêm thanh khoản vào hệ thống thông qua cung cấp các khoản vay kỳ hạn 1 năm cho các định chế nhận tiền gửi, với tài sản thế chấp là trái phiếu kho bạc Mỹ và các chứng khoán khác. Giới phân tích cho rằng điều quan trọng là Fed chấp nhận các tài sản thế chấp này ở mức mệnh giá của tài sản, thay vì theo định giá như thị trường, để cho phép các ngân hàng vay vốn mà không phải bán tài sản với mức giá gây thua lỗ.
Vụ đổ vỡ của SVB là vụ sập ngân hàng lớn thứ nhì trong lịch sử ở Mỹ, xảy ra khi lãi suất ở nước này tăng cao và dòng vốn đầu tư mạo hiểm bị siết lại khiến ngân hàng chuyên phục vụ giới startup công nghệ này bị đứt thanh khoản đột ngột.
Cơ quan giám sát tài chính Thuỵ Sỹ FINMA ngày thứ Hai tuyên bố sẽ phân tích để nhận diện bất kỳ rủi ro tiềm tàng nào đối với các ngân hàng và công ty bảo hiểm của nước này.
Nguy cơ lân lan rủi ro từ SVB đẩy nỗi sợ hãi trên thị trường tài chính toàn cầu tăng cao và khiến nhà đầu tư mua mạnh những tài sản an toàn như vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ.
“Chúng ta đang chứng kiến trường hợp kinh điển của việc đua mua các tài sản an toàn. Việc tăng lãi suất và nền kinh tế giảm tốc luôn khiến thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực”, Giám đốc Tom Caddick của Nedgroup Investments nhận định với hãng tin Reuters.
Trong tuần trước đã có 3 ngân hàng Mỹ liên tiếp đổ vỡ, từ Silvergate Capital, tới SVB và Signature Bank. Trong bối cảnh biến động như vậy, các nhà giao dịch đang giảm mạnh đặt cược vào một cú tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Fed trong cuộc họp vào tuần tới. Thay vào đó, họ cho rằng Fed sẽ chọn bước nhảy 0,25 điểm phần trăm. Thậm chí, có những người dự báo Fed sẽ không tăng lãi suất.
“Nhiều nhà hoạch định chính sách của Fed thực ra có quan điểm mềm mỏng, trong khi đó áp lực lạm phạt vẫn đang lớn. Tôi cho rằng các số liệu kinh tế sắp tới sẽ khiến cho bức tranh càng trở nên phức tạp hơn đối với Fed”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của công ty dữ liệu và phân tích Oanda nói với Reuters, đề cập đến báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Ba và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Tư tuần này.
Trong một báo cáo, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 22/3.
Theo chiến lược gia trưởng James Rossiter của TD Securities, biến động trên thị trường tài chính sẽ giảm xuống một khi các ngân hàng trung ương, bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Fed và Ngân hàng Trung ương Anh (ECB) có bước đi tiếp theo.
“Những ngân hàng không bị ảnh hưởng trong đợt biến động này có thể trở nên thận trọng hơn với việc cho vay, khiến điều kiện tài chính thắt chặt hơn, qua đó làm bớt một phần công việc ủa Fed”, ông Rossiter dự báo.
Do giá trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn tăng mạnh, lợi suất sụt sâu. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm giảm xuống dưới mức 4% lần dầu tiên kể từ tháng 10/2022 và đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/1987 - thời điểm trước khi diễn ra vụ sụp đổ thị trường Ngày thứ Hai đen tối (Black Friday).
ECB sẽ họp vào ngày thứ Năm tuần này, được dự báo sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và phát tín hiệu tiếp tục thắt chặt trong thời gian tới.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau giảm 2,01 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, còn 80,77 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,88 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 74,8 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1 và giá dầu WTI xuống thấp nhất kể từ tháng 12.
“Những gì chúng ta chứng kiến trong tuần qua mới chỉ là hệ quả đầu tiên của chính sách thắt chặt”, nhà phân tích Julian Emanuel của Evercore ISI nói với hãng tin CNBC. “Chúng ta sẽ có suy thoái, có thể là suy thoái nhẹ thôi. Thị trường có thể kiểm thử lại mức đáy của tháng 10 năm ngoái, nhưng đó sẽ chính là cơ hội mua mà chúng ta đã chờ suốt 2 năm qua. Điều đó sẽ mở ra một gia đoạn thị trường giá lên mới”.