09:41 11/04/2017

Còn 92% vốn Nhà nước chưa được cổ phần hoá

Song Hà

Yêu cầu xác định trách nhiệm trong cổ phần hóa, xử lý nghiêm người đứng đầu cố tình sai phạm, thực hiện kém

Đại diện một số bộ ngành cho rằng, hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa, thoái
 vốn doanh nghiệp nhà nước trong quý 1/2017 chững lại vì phải thực hiện 
đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn lên tới hàng chục, hàng trăm 
nghìn tỷ đồng.
Đại diện một số bộ ngành cho rằng, hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong quý 1/2017 chững lại vì phải thực hiện đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Trước tình trạng hơn 96% doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa nhưng tổng số vốn nhà nước bán ra chỉ có 8%, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu xác định trách nhiệm trong cổ phần hóa, xử lý nghiêm người đứng đầu, người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp cố tình sai phạm, thực hiện kém.

Tại cuộc họp về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chiều 10/4, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết, theo quyết định của Thủ tướng, từ 2017-2020 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước, tập trung ở 4 bộ, ngành, 32 địa phương và 4 tập đoàn kinh tế.

Tính tới quý 1/2017 cả nước đã cổ phần hóa 8 doanh nghiệp và 1 đơn vị sự nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa 41 doanh nghiệp và đang tiến hành xác định giá trị của 108 doanh nghiệp, giải thể được 1 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam và phê duyệt giá trị cho 1 doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Về thoái vốn nhà nước, đến hết ngày 25/3, cả nước đã bán phần vốn nhà nước có giá trị sổ sách 71,8 tỷ đồng tại 10 doanh nghiệp không cần nắm giữ và thu về 72,8 tỷ đồng, trong đó có 6 doanh nghiệp phải thoái vốn dưới mệnh giá.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tính tới nay đã có 96,5% số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nhưng tổng số vốn cổ phần hóa chỉ có 8%. Như vậy còn tới 92% vốn nhà nước chưa được cổ phần hóa, đồng nghĩa với việc chưa thu hút được mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ.

Đại diện một số bộ ngành cho rằng, hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong quý 1/2017 chững lại vì phải thực hiện đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng như Tổng công ty Cà phê, VNPT, Petro Vietnam, các Tổng công ty phát điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Cao su, Vinafood 1 và 2….

Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương có tâm lý chờ Chính phủ sửa đổi xong Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, trong đó có liên quan tới việc xử lý vấn đề sở hữu đất đai của doanh nghiệp cổ phần hóa và trông chờ việc các cơ quan có thẩm quyền thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

“Vinafood 1 và Tổng công ty Cà phê thì trong quý 3/2017 sẽ xác định giá trị doanh nghiệp nhưng đúng là đang có tâm lý chờ sửa Nghị định số 59 về chủ trương xác định giá đất”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết năm 2016, địa phương này đã cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có vốn nhà nước 2.125 tỷ đồng, nhưng vướng mắc lớn nhất là việc xử lý đất đai của doanh nghiệp này. Trong khi Chính phủ chưa sửa được Nghị định 59 thì Hà Nội đã chỉ đạo lập và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, phương án sắp xếp đất đai của Hapro theo hướng rà soát chức năng của Hapro sau cổ phần để xác định chính xác hơn giá trị doanh nghiệp.

Theo Phó thủ tướng, ngay trong năm 2017 và đến 2020, mục tiêu là phải tạo bước chuyển mạnh mẽ, thực chất hơn về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hóa chỉ là 1 giải pháp mà cuối cùng là thu hẹp phạm vi hoạt động doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, các lĩnh vực tư nhân không muốn đầu tư và không có khả năng đầu tư. Những doanh nghiệp mà Nhà nước giữ lại thì phải đổi mới quản trị, sao cho hoạt động “ra tấm ra món”.

Ông cũng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện văn bản pháp luật, tăng cường thanh tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn nhà nước, nhất là không có tiêu cực trong thoái vốn, cổ phần hóa. Khắc phục các bất cập về pháp lý của cổ phần hóa để bảo đảm quá trình này diễn ra nhanh, khẩn trương, đúng quy định pháp luật.

“Kiên quyết xử lý doanh nghiệp yếu kém theo tinh thần Nghị quyết số 05/NQ-TW là Nhà nước không bỏ thêm tiền để tái cơ cấu doanh nghiệp. Các địa phương, bộ, ngành cần chủ động xử lý các doanh nghiệp yếu kém, không dồn việc lên Chính phủ”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Đối với các doanh nghiệp cần sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn hiện nay có giá trị thị trường rất lớn, Phó thủ tướng cho rằng, không cần cổ phần hóa thật nhiều nhưng phải bảo đảm vốn nhà nước phải được bán, thoái tốt hơn và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.