16:58 19/10/2022

Con đường xanh hướng tới phát triển cộng đồng bền vững

Chu Khôi

Trong 25 năm qua, Tổ chức Bánh mì cho thế giới đã phối hợp với hàng chục đối tác phát triển, cùng các hội đoàn thể ở địa phương thực hiện 450 dự án hỗ trợ phát triển tại Việt Nam, qua đó đã giúp khoảng 5 triệu nông dân được hưởng lợi. Các dự án hỗ trợ này đã giới thiệu và chuyển giao những thực hành tốt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, và sinh thái nông nghiệp ở Việt Nam…

Từ các dự án hỗ trợ phát triển, nhiều nông sản đã được thị trường đón nhận.
Từ các dự án hỗ trợ phát triển, nhiều nông sản đã được thị trường đón nhận.

Hàng chục đối tác phát triển, cùng rất nhiều nông dân đại diện cho những cộng đồng thụ hưởng các dự án hỗ trợ sinh kế đã về Hà Nội tham dự hội thảo "Con đường xanh hướng tới Phát triển cộng đồng bền vững", vào ngày 19/10/2022.

Đây là sự kiện do Tổ chức Bánh mì cho thế giới - một nhà tài trợ quốc tế đến từ Đức đã đồng hành cùng nhiều tổ chức đối tác ở Việt Nam trong 25 năm qua.

CẢI THIỆN SINH KẾ, GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, nhận định: Biến đổi khí hậu ngày càng được công nhận là mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững toàn cầu. Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu chỉ ra rằng nếu phát thải toàn cầu không giảm đi một nửa vào năm 2030, thì nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 1,5 độ C vào những năm 2030 và sẽ không còn cơ hội trở lại mốc như cũ.

Ở Việt Nam, số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy mực nước biển dâng gây mất 5% đất dọc các bờ biển và giảm 10% GDP. Tác động của biến đổi khí hậu – trong đó có hạn hán và suy giảm tài nguyên nước, xói lở đất, sa mạc hóa, gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai. Biến đổi khí hậu đã và đang làm chậm sự phát triển trong nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống con người.  

Ông Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại sự kiện.
Ông Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại sự kiện.

Trước thực trạng đó, theo ông Trị, việc bảo vệ và trồng rừng là một trong những giải pháp hàng đầu để ngăn chặn biến đổi khí hậu, góp phần vào thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Tại Việt Nam, bình quân mỗi năm trồng thêm được 270.000 ha rừng, đã đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 42% vào cuối năm 2021.

"Quản trị và phát triển rừng bền vững đã được thúc đẩy mạnh mẽ, hiện Việt Nam đã có khoảng 400.000 ha rừng được cấp chứng nhận rừng bền vững FSC. Bảo vệ rừng, trồng rừng đã đem lại sinh kế cho hàng chục triệu nông dân, đồng thời góp phần vào kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 15 tỷ USD mỗi năm", ông Trị nhấn mạnh.

Bà Eva-Maria Jongen, Trưởng đại diện Tổ chức Bánh mì cho Thế giới khu vực Việt Nam – Lào, cho biết Tổ chức Bánh mì cho Thế giới là một cơ quan phát triển và cứu trợ của Đức hoạt động trên phạm vi toàn cầu, với ngân sách cam kết hàng năm lên đến 10 triệu EURO từ nguồn tài trợ là Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức, cùng các nguồn tài trợ khác.

 

“Sứ mệnh của chúng tôi là nâng cao năng lực cho các cộng đồng người nghèo và dễ bị tổn thương trước khí hậu để cải thiện các điều kiện sống cho người dân địa phương. Các nguyên tắc định hướng của chúng tôi là công bằng xã hội và công bằng giới, trách nhiệm về sinh thái, phát triển kinh tế-xã hội bao trùm, và đề cao hợp tác và đối thoại với đối tác”.

Bà Eva-Maria Jongen, Trưởng đại diện Bánh mì cho Thế giới khu vực Việt Nam – Lào.

Tổ chức này luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đối tác phi lợi nhuận, các trường đại học và các viện nghiên cứu, các cơ quan chính phủ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Trong 25 năm qua, Tổ chức Bánh mì cho Thế giới đã đồng hành cùng nhiều tổ chức đối tác ở Việt Nam để thực hiện 450 dự án và chương trình, trực tiếp hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người đang gặp khó khăn.

"Quan hệ đối tác đa phương nhấn mạnh các giải pháp xanh đối với biến đổi khí hậu, bao gồm các mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường, sinh kế thích ứng với khí hậu, các sáng kiến về năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo, tăng cường hấp thụ carbon và thúc đẩy khôi phục hệ sinh thái, và nâng cao khả năng chống chịu với khí hậu cho các cộng đồng còn gặp khó khăn", bà Eva-Maria Jongen chia sẻ.

Hiện tại, Tổ chức Bánh mì cho thế giới đang hỗ trợ cho 42 tổ chức đối tác chủ yếu là các tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức đoàn thể địa phương và 62 dự án tại Việt Nam và Lào. Các dự án này được triển khai trên địa bàn 20 tỉnh ở Việt Nam (trong đó tập trung vào các tỉnh ở miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long) và 12 tỉnh ở Lào.

 “Các đối tác của tổ chức Bánh mì cho Thế giới đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện sinh kế, cũng như là bảo tồn và phát triển kiến thức bản địa”. Eva-Maria Jongen khẳng định

NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO NGƯỜI NGHÈO

Tại 3 phiên hội thảo chuyên đề: “Thực hành ứng phó biến đổi khí hậu”, “Năng lượng tái tạo”; “Nông nghiệp sinh thái bền vững”, các đại biểu là nông dân và các tổ chức đã chia sẻ những kinh nghiệm thực hành hiệu quả.

 

"Các cánh đồng mẫu ở vùng Tây Bắc cho thấy nông nghiệp sinh thái có thể ngăn cản sự suy thoái của các hệ sinh thái, khôi phục đa dạng sinh học, và cải thiện các sinh kế cho người dân địa phương, đặc biệt là nhóm người dân tộc thiểu số, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn",

Bà Vũ Bích Hợp, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD).

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên cho biết từ tháng 7/2019-6/2022, được sự tài trợ Tổ chức Bánh mì cho Thế giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thái Nguyên đã triển khai Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình kinh doanh”.

Dự án được thực hiện tại 18 xóm của 2 xã Yên Ninh và Yên Đổ, hưởng lợi trực tiếp là 1.000 gia đình phụ nữ nghèo. Đây là những xã miền núi cách xa trung tâm huyện, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Sau 3 năm thực hiện, một trong những tác động rõ nét nhất là cải thiện thu nhập của hộ gia đình hưởng lợi trong sản xuất nông nghiệp. Trên 90% số hộ có nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi đều tăng 30-100% so với năm 2018. Nhiều hộ đã mua sắm được thiết bị sinh hoạt gia đình, xây mới sửa chữa nhà ở, có tiền trả nợ hoặc gửi tiết kiệm...

Đối với khu vực ven biển, rừng phòng hộ có tầm quan trọng đặc biệt trong việc chống sạt lở, giảm nhẹ thảm họa thiên tai. Dự án về tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện từ năm 2021 - 11/2024, được Bộ Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Cộng hòa Áo thông qua Tổ chức Bánh mì cho Thế giới tài trợ.

Đại diện dự án ở tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Chúng tôi hướng đến các đối tượng chủ yếu là người nghèo, bà con dân tộc thiểu số. Chúng tôi vận động chính quyền địa phương giao đất, giao rừng cho bà con quản lý, tiếp cận, bảo vệ và qua đó bà con có thể nuôi trồng thủy sản dưới tán lá rừng, phát triển sinh kế bền vững, theo phương thức thủy sản sạch, sinh thái”.

Tại Cà Mau, Dự án đã thành lập được 14 nhóm tự quản lâm nghiệp thôn bản, cấp thiết bị GPS, trang phục bảo hộ đi rừng cho các tổ; thành lập 14 nhóm sở thích nông dân với 360 hộ và 2 nhóm với 40 hộ không có đất.

Tại đây, các giải pháp nuôi trồng thuỷ sản dưới tán rừng ngập mặn kết hợp nâng cao khả năng tích luỹ carbon, tăng cường năng lực ứng phó của dự án là một giải pháp phù hợp với vùng ven biển, vùng đệm vừa tạo ra thu nhập cho người dân, phát triển sinh kế bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cao hơn. Đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đến rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, phù hợp với người dân địa phương.