19:26 14/10/2022

Giảm cho không, tăng hỗ trợ sinh kế để giảm nghèo bền vững

Thu Hằng

Bằng việc hỗ trợ các mô hình sinh kế, người dân sẽ được trang bị những kiến thức về chăn nuôi, kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ vốn để có điều kiện vươn lên thoát nghèo, cũng chính là hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững…

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh thông tin về chương trình. Ảnh - Quang Vinh.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh thông tin về chương trình. Ảnh - Quang Vinh.

Thông tin được Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh tại cuộc họp thông tin về chương trình “Cả nước chung tay vì người ngèo” năm 2022, sáng 14/10.

VẬN ĐỘNG QUỸ “VÌ NGƯỜI NGHÈO” VÀ CHƯƠNG TRÌNH AN SINH GẦN 79.000 TỶ

Theo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động và Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022 (17/10 – 18/11/2022).

Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận từ Trung ương đến địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai vận động Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội. Thông qua đó, nhiều tổ chức phi Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm…đã ủng hộ giúp đỡ trực tiếp người nghèo, và triển khai các chương trình an sinh xã hội mỗi năm ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê, trong gần 3 năm, từ năm 2020 đến nay, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện an sinh xã hội được trên 19.313 tỷ đồng.

Từ nguồn vận động, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được hơn 102.910 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ trên 2,4 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khám chữa bệnh; giúp đỡ 593.034 lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ  663.711 lượt người phát triển sản xuất; xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh.

Lũy kế từ năm 2000 đến nay, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội trên 78.983 tỷ đồng. Trong đó, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trên 19.432 tỷ đồng; các chương trình an sinh xã hội trên 59.551 tỷ đồng.

Trong thời gian này, đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 1.680.231 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hàng triệu lượt người nghèo khám chữa bệnh; hàng triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập; phát triển sản xuất; xây dựng hàng chục nghìn công trình dân sinh.

Trong năm 2022, Chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” được tổ chức với chủ đề “Hành trình của Hy vọng”, hành trình của sự lắng nghe, giúp đỡ, chia sẻ yêu thương, tự lực vươn lên thoát nghèo. Dự kiến chương trình sẽ có khoảng 1.100 người tham dự.

CHUYỂN DẦN TỪ HỖ TRỢ TRỰC TIẾP SANG MÔ HÌNH SINH KẾ

Tại cuộc họp, thông tin thêm về định hướng chính sách giảm nghèo trong thời gian tới, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, một trong những điểm nhấn là hỗ trợ sinh kế cho người nghèo.

Toàn cảnh cuộc họp. 
Toàn cảnh cuộc họp. 

Theo bà Ánh, bên cạnh hỗ trợ trực tiếp như làm nhà, sửa nhà, hỗ trợ cho con em của các gia đình khó khăn đi học thì một hình thức nữa về hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo có điều kiện, vốn làm ăn, cũng như được hướng dẫn kỹ thuật để thoát nghèo bền vững được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng của chương trình giảm nghèo.

Theo thống kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, đối với trung ương đã triển khai được 61 mô hình giảm nghèo bền vững ở 35 địa phương trong cả nước.

Hình thức triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững là từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho Mặt trận mỗi năm khoảng 7,5 tỷ đồng để tập trung hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn qua lập các dự án hỗ trợ cho người nghèo.

“Trong các dự án này, việc sản xuất, nuôi con gì, trồng cây gì sẽ do địa phương xác định dựa trên điều kiện tình hình thực tế để lập kế hoạch. Ví dụ, có tỉnh sẽ lập dự án nuôi bò sinh sản để hỗ trợ cho bà con, song có tỉnh lại lập các dự án về hỗ trợ phương tiện mua bán cho phụ nữ, tùy vào từng nội dung hỗ trợ mà số lượng người tham gia một dự án đó sẽ nhiều hay ít”, bà Ánh cho biết.

Tuy nhiên, thông thường, các dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sẽ từ 20 – 25 hộ gia đình tham gia/dự án, còn các hỗ trợ sinh kế khác như hỗ trợ xe bán nước mía, xe bán bánh mỳ do số vốn ít hơn, chỉ từ 5 – 7 triệu đồng cho một xe bán, nên số người tham gia một dự án có thể lên đến 40 - 50 người. Ngoài ra, rất nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế khác của các tổ chức thành viên Mặt trận như phụ nữ, công đoàn, hộ nông dân cũng đã được triển khai trong thời gian qua.

Thông qua việc hỗ trợ sinh kế, bà Ánh cho rằng, cần thay đổi tư duy nhận thức của người nghèo để giúp họ thực sự vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ ỉ lại. “Bởi vì, cho không chỉ là hỗ trợ tức thì và không có tính bền vững, đâu đó cho không vẫn làm cho những người khó khăn ở một số nơi còn tư tưởng trông chờ. Chúng tôi mong rằng, bằng mô hình sinh kế này, người dân sẽ được trang bị những kiến thức về chăn nuôi, kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ vốn để họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo”, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chia sẻ.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Mặt trận sẽ tiếp tục phát huy hình thức hỗ trợ này, xem đây là hình thức hỗ trợ cho người nghèo hiệu quả nhất; dần chuyển những hỗ trợ trực tiếp sang các mô hình sinh kế để trang bị kiến thức, tạo vốn cho bà con, qua đó phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo. 

 

Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” sẽ được tổ chức tối ngày 17/10 tại Hà Nội. Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức sẽ tổng hợp, công bố thông tin kết quả ủng hộ; cam kết ủng hộ người nghèo của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tại chương trình truyền hình trực tiếp.

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ thông qua các tài khoản của Quỹ “Vì người nghèo” trung ương như sau:

1. Tiếp nhận qua tài khoản Ngân hàng Vietcombank

- Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

- Số tài khoản: V999

- Tại Sở giao dịch, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

2. Tiếp nhận qua tài khoản Ngân hàng Chính sách xã hội

- Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương

- Số tài khoản: 1000001000171717

- Tại Sở giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội

3. Tiếp nhận qua tài khoản Kho bạc Nhà nước

- Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Số tài khoản: 3761.0.9054386.91046

- Tại Khoa bạc Nhà nước Hoàn Kiếm, Hà Nội.

4. Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt: Phòng Kế hoạch – Tài chính (phòng 109, phòng 111 – nhà B), Văn phòng cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Điện thoại: 02439288480.