Công cụ quản lý của pháp luật cạnh tranh còn mờ nhạt
“Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021” của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, hiện nay việc sử dụng công cụ quản lý của pháp luật cạnh tranh đối với vấn đề nổi cộm của thị trường ở nước ta còn khá mờ nhạt...
Báo cáo dẫn chứng, năm 2021, giá cước vận tải đường biển tăng cao là một trong những vấn đề nóng.
Theo phản ánh của doanh nghiệp xuất khẩu, giá cước vận tải biển quốc tế liên tục tăng trong năm 2021. Cụ thể, vào tháng 8/2021, giá cước vận tải đi Mỹ tăng gấp 2 lần so với thời điểm tháng 3/2021; giá cước container lạnh đi châu Âu tăng 1,2 lần trong 2 tháng và gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay cả khi chấp nhận giá cước tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp khó khi không đặt được tàu vận chuyển hay do tình trạng thiếu container rỗng.
Trước tình trạng giá cước tăng cao liên tục, các cơ quan quản lý nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu với các hãng tàu biển để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Tại các cuộc đối thoại, lý giải lớn nhất cho tình trạng tăng giá, các hãng tàu cho biết là do nhu cầu của thị trường tăng cao. Đây cũng là tình trạng chung của vận tải biển ở các nước trên thế giới.
Theo VCCI, hiện nay, theo quy định của pháp luật, Nhà nước sẽ không can thiệp vào quyền định giá của vận tải biển, chỉ yêu cầu các hãng tàu phải niêm yết giá vận tải, phụ thu tại cảng biển và khi điều chỉnh giá không sớm hơn 15 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết sự thay đổi.
Trên thực tế, biện pháp này không tác động đến việc quyết định giá của các hãng tàu biển. Các cuộc gặp đối thoại giữa cơ quan nhà nước với các hãng tàu biển cũng chỉ để tìm hiểu về nguyên nhân tăng giá và phản ánh tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu, không có tính chất là điều tra hoặc áp dụng một biện pháp quản lý mang tính bắt buộc, can thiệp vào việc quyết định giá của các hãng tàu.
Mặt khác, trong lĩnh vực vận tải biển, số lượng các hãng tàu cung cấp dịch vụ vận tải là không nhiều trong khi nhu cầu vận chuyển lại rất lớn. Tại thời điểm các hãng tàu đều tăng giá và không có dấu hiệu sẽ giảm, vấn đề có hay không hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh đã được đặt ra. Tuy nhiên doanh nghiệp lại không nhận thấy ý kiến nào của cơ quan quản lý về cạnh tranh về vấn đề này.
Ở một số nước trên thế giới, vấn đề tăng giá của các hãng tàu biển cũng đã được xem xét ở góc độ của pháp luật cạnh tranh. Ví dụ: Ủy ban Hàng hải Liên bang Hoa Kỳ (FMC) cũng cảnh báo sẽ can thiệp nếu phát hiện các đơn vị vận tải biển có hành vi vi phạm về tiêu chuẩn cạnh tranh.
Công cụ quản lý của pháp luật cạnh tranh được sử dụng để đảm bảo trật tự của thị trường khi có những hành vi kinh doanh ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của thị trường, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.
Song ở nước ta, dường như công cụ quản lý này rất ít được quan tâm, mặc dù hệ thống pháp luật về cạnh tranh khá đầy đủ. Khi có những biến động bất thường nào về giá trên thị trường hoặc có tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, các nhà soạn chính sách thường có quan điểm sử dụng công cụ quản lý hành chính để can thiệp vào hiện tượng này.
Trong đề xuất xây dựng Luật Giá mới đây, một trong những lý do để cơ quan soạn thảo đề xuất nâng cao điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá là tình trạng cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp thẩm định giá.
Nhiều doanh nghiệp đã hạ giá thành của dịch vụ thẩm định giá để thu hút khách hàng khiến cho chất lượng của dịch vụ thẩm định giá không đảm bảo.
Pháp luật về cạnh tranh quy định khá rõ về các hành vi không lành mạnh, trong đó có các hành vi vi phạm về giá cung cấp dịch vụ.
“Trong các báo cáo liên quan không thấy có nội dung về việc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp thẩm định giá có được xem xét dưới góc độ của pháp luật cạnh tranh không hay là các cơ quan quản lý không xem xét ở góc độ này?”, VCCI đặt câu hỏi.