Kiến nghị điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng thông tin sai sự thật về “trứng gà giả”
Hiệp hội Gia cầm Việt Nam khẳng định: "Thông tin về trứng gà giả là bịa đặt và kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin sai sự thật. Hành vi đăng tải, lan truyền thông tin sai sự thật về trứng gà giả trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự"…

Hiệp hội Gia cầm Việt Nam vừa có công văn kiến nghị gửi các Bộ: Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng đã đưa tin sai sự thật về trứng gà giả, không những gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi.
KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC TRỨNG GÀ GIẢ VỚI GIÁ DƯỚI 100.000 ĐỒNG/QUẢ
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, cho biết thời gian qua, một số trang mạng xã hội đã phát tán thông tin thất thiệt về việc sản xuất trứng gà giả, gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm.
Theo đó, trên mạng xã hội như TikTok, Facebook xuất hiện nhiều hình ảnh, video về trứng gà giả gây hoang mang dư luận. Tình trạng này đã và đang đẩy nông dân chăn nuôi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Theo ông Sơn, hiện giá thu mua trứng gà tại trại đang ở mức thấp hơn giá thành. Cụ thể, giá trứng gà từ mức 1.400 - 1.500 đồng/ quả, nay đã rớt xuống chỉ còn 1.200 - 1.300 đồng/quả. Không những vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp và hộ chăn nuôi gà trứng đang bị thua lỗ nặng, nguy cơ bị phá sản.
"Đến thời điểm hiện nay, trên thế giới chưa có bằng chứng khoa học về việc sản xuất được trứng giả mà có đặc điểm giống như trứng gà tự nhiên. Thực tế ở nước ta, trước đây cũng như hiện nay chưa phát hiện trứng giả lưu thông trên thị trường. Vì vậy, có thể khẳng định rằng những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về sản xuất trứng gà giả ở trong nước là hoàn toàn bịa đặt", ông Sơn khẳng định.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng, cần vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng đã đưa tin sai sự thật về trứng gà giả, không những gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi.
Hiệp hội cũng đề nghị các cơ quan báo chí kịp thời thông tin phản bác những tin đồn thất thiệt, đồng thời tăng cường tuyên truyền đến người tiêu dùng về giá trị dinh dường, lợi ích của trứng gia cầm đối với sức khỏe con người, góp phần ổn định sản xuất chăn nuôi trong nước.
“Chúng tôi đã nắm được thông tin và đang phối hợp và chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc nhanh để có phương án hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn. Thông tin trứng gà giả trên mạng xã hội chỉ là tin đồn thất thiệt gây hoang mang ảnh hưởng nghiêm trọng đến người chăn nuôi cũng như thị trường tiêu dùng. Hành vi tung tin đồn này phải được xử lý nghiêm".
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Đông Nam Bộ, cho biết giá thành sản xuất trứng gà công nghiệp tại trại hiện dao động từ 1.100 - 1.400 đồng/quả. Nếu có công nghệ làm trứng giả, chi phí chắc chắn sẽ cao hơn trứng thật rất nhiều lần, giá thành sản xuất mỗi quả trứng gà giả đó sẽ không thể dưới 100 nghìn đồng, do đó sẽ không hiệu quả về kinh tế khi bán trên thị trường cạnh tranh với trứng gà thật.
“Việc tung tin thất thiệt về trứng giả đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi trong nước. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm”, ông Quyết nói.
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam đặt câu hỏi: nếu trứng giả có thể sản xuất, liệu giá thành có rẻ hơn trứng thật hiện đang rất thấp? Theo bà, chưa có bất cứ bằng chứng khoa học hay xác nhận từ cơ quan chức năng nào về sự tồn tại của trứng gà giả đang lưu hành trên thị trường. Một số biểu hiện bất thường như trứng hai lòng đỏ là hiện tượng sinh học tự nhiên, thường gặp ở gà mới đẻ.
TUNG TIN SAI SỰ THẬT, GÂY THIỆT HẠI CHO NÔNG DÂN CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ
Bác sĩ Lê Ngọc Quỳnh Thư (Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM) cho rằng việc trứng có mùi lạ, kết cấu bất thường thường là dấu hiệu của trứng để lâu, trứng hỏng chứ không phải trứng giả. Nếu có ai đó có thể làm ra quả trứng có đầy đủ vỏ, màng, lòng trắng, lòng đỏ và mùi vị như thật thì đó là kỳ tích của công nghệ, không dễ dàng thực hiện.
Các chuyên gia cho rằng ngoài việc chấn chỉnh tin đồn, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát chất lượng trứng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, bao gồm cả con giống và thức ăn chăn nuôi, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Người dân được khuyến cáo không hoang mang trước tin đồn chưa kiểm chứng, nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chế biến hợp vệ sinh và nấu chín kỹ. Điều đáng lo không phải là trứng giả chưa từng được xác nhận, mà là trứng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc có thể gây ngộ độc thực phẩm nếu không được xử lý đúng cách. Trứng bị hỏng có thể chứa vi khuẩn Salmonella hoặc các vi sinh vật gây rối loạn tiêu hóa.
Trứng là nguồn cung cấp protein, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Người tiêu dùng nên lựa chọn trứng từ các thương hiệu uy tín, bao bì nhãn mác rõ ràng, hạn sử dụng đầy đủ. Không nên để những video chưa kiểm chứng khiến loại thực phẩm bổ dưỡng này bị tẩy chay. Trứng cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và không nên rửa trước khi bảo quản để tránh mất lớp màng bảo vệ tự nhiên trên vỏ.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, hành vi lan truyền thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ. Theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP), cá nhân có thể bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng, tổ chức từ 10 – 20 triệu đồng nếu chia sẻ thông tin giả mạo. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, với mức phạt từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc tù từ 2 – 7 năm.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM, cho rằng ngoài các chế tài hành chính và hình sự, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại bởi tin giả có quyền khởi kiện dân sự đòi bồi thường. Nếu chứng minh được mối liên hệ giữa thông tin sai lệch và thiệt hại thực tế như mất hợp đồng, giảm doanh thu, họ có thể yêu cầu bồi thường theo Điều 584 và 592 Bộ luật Dân sự.
Luật sư Hưng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc nâng cao nhận thức pháp lý trong cộng đồng. Người dân cần học cách kiểm chứng thông tin, ưu tiên nguồn tin từ cơ quan chức năng hoặc báo chí chính thống, tránh chia sẻ các nội dung chưa được xác minh. Doanh nghiệp nên minh bạch quy trình sản xuất và có cơ chế phản ứng nhanh khi xảy ra khủng hoảng truyền thông.
Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm hành vi đăng tải thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận. Việc xử lý nghiêm khắc, cùng với nâng cao kỹ năng số và hiểu biết pháp luật trong cộng đồng, là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn tin giả lan truyền.