13:25 28/03/2022

Tuân thủ pháp luật cạnh tranh trong các giao dịch M&A

Song Hà

Mua bán và sáp nhập ngày một gia tăng nhưng song hành là chính sách kiểm soát tập trung kinh tế cần được quan tâm đồng bộ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật về tập trung kinh tế...

Lợi ích người tiêu dùng phải được đảm bảo trong tập trung kinh tế.
Lợi ích người tiêu dùng phải được đảm bảo trong tập trung kinh tế.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có mua bán và sáp nhập (M&A), là một trong những phương thức hiệu quả để doanh nghiệp phục hồi nhanh sau Covid-19.

Tuy nhiên, chính sách kiểm soát tập trung kinh tế trong thời gian tới cần được quan tâm đồng bộ, để vừa tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam nhưng cũng cần đảm bảo tuân thủ pháp luật về tập trung kinh tế.

M&A ĐỂ TÁI CƠ CẤU SẢN XUẤT, KINH DOANH

Số liệu được công bố mới đây tại tọa đàm “Thông báo tập trung kinh tế: Tuân thủ để cạnh tranh công bằng” cho thấy trong hơn 20 năm qua, ước tính Việt Nam đã có hơn 4.000 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với giá trị đạt gần 50 tỷ USD.

Riêng năm 2021, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xem xét 130 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Trong đó có 92 giao dịch được thực hiện tại Việt Nam (chiếm tỷ lệ hơn 70%); 36 giao dịch được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiếm tỷ lệ khoảng 28%).

Các giao dịch tập trung kinh tế được thông báo với hình thức “mua lại” chiếm tỷ lệ 82% và tập trung kinh tế theo chiều ngang giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan chiếm tỷ lệ 61%.

Tính chung, trong năm 2021 tại thị trường Việt Nam đã diễn ra 875 thương vụ tập trung kinh tế, trong đó có 134 giao dịch mua lại, 90 giao dịch sáp nhập và 651 giao dịch là hình thức liên doanh.

Đặc biệt, xuất hiện nhiều giao dịch tập trung kinh tế mà chủ thể là các doanh nghiệp cũng như tập đoàn lớn của Việt Nam như Vingroup, Massan, Kido...

Theo bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), nhìn vào đặc điểm của các giao dịch trong năm 2021, có thể thấy xu hướng chung trong thời kỳ đại dịch là thực hiện tập trung kinh tế để tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp mình hoặc hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài để phát triển, mở rộng thông qua các hình thức M&A.

Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh sang các lĩnh vực khác thông qua việc thâu tóm các doanh nghiệp đang trong thời kỳ khó khăn hoặc có thể dẫn tới bị phá sản.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chánh văn phòng, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh (Bộ Công Thương), chỉ ra bốn nhóm nguyên nhân dẫn đến việc bùng nổ hoạt động M&A trong năm 2021.

Thứ nhất, trong bối cảnh chung khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều giao dịch đã được thỏa thuận, thống nhất từ năm 2020 nhưng đến năm 2021 mới được thực hiện.

Thứ hai, chính phủ các nước tung ra các gói kích thích rất lớn, lãi suất vay tương đối thấp dẫn đến việc các doanh nghiệp có nguồn vốn làm đòn bẩy tăng thêm động lực để mua lại các doanh nghiệp khác.

Thứ ba, thị trường vốn phát triển, trong đó thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn của các doanh nghiệp. Trong năm 2021, thị trường chứng khoán toàn cầu phát triển với chỉ số cao dẫn đến việc các doanh nghiệp có nguồn tiền mặt để có thể tham gia các hoạt động M&A.

Thứ tư, có sự thay đổi về hành vi tiêu dùng, hành vi giải trí, giáo dục dẫn đến doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình kinh doanh với yêu cầu cần có tài sản về công nghệ hoặc tài sản về dữ liệu, tài sản số. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp phải mua lại các doanh nghiệp khác.

Theo các chuyên gia, các M&A bùng nổ một mặt là tín hiệu tốt cho thị trường, nhưng mặt khác cũng đặt ra bài toán tăng cường kiểm soát tập trung kinh tế từ phía cơ quan quản lý.

ĐẶT BÀI TOÁN CHO KIỂM SOÁT TẬP TRUNG KINH TẾ

Đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng M&A và tập trung kinh tế là quyền tự do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được thực hiện và pháp luật không cấm khi doanh nghiệp lớn mạnh bằng chính nội lực của mình.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp lớn mạnh và đạt được sức mạnh thị trường nhất định, có vị trí thống lĩnh hay vị trí độc quyền nhưng thông qua hình thức M&A, tức là đi thâu tóm lại doanh nghiệp khác hoặc kết hợp sức mạnh thị trường với một doanh nghiệp khác không phải do nội lực của mình thì pháp luật cạnh tranh của tất cả các nước đều kiểm soát nhằm đánh giá, ngăn ngừa những yếu tố tiềm ẩn khi hình thành vị trí thống lĩnh hay độc quyền do M&A mang lại. Đây là lý do cần kiểm soát tập trung kinh tế.

Pháp luật cạnh tranh Việt Nam đưa ra các ngưỡng để doanh nghiệp có nghĩa vụ, trách nhiệm phải thông báo về tập trung kinh tế, đó là: tổng tài sản trên thị trường Việt Nam; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam; giá trị của giao dịch tập trung kinh tế và thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan tại Việt Nam.

“Khi các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế nếu chạm vào các ngưỡng đó nghĩa là tiềm ẩn khả năng nào đó để gia tăng sức mạnh thị trường đáng kể trong tương lai”, bà Lan nói.

Từ góc độ tư vấn pháp luật cạnh tranh cho doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật TNHH LNT và Thành viên, khuyến nghị để tránh rủi ro pháp lý và các chế tài nghiêm khắc thì các doanh nghiệp nên chủ động tự xác định giao dịch của mình có thuộc trường hợp tập trung kinh tế phải thông báo hay không. Từ đó, chuẩn bị hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo đúng quy định của pháp luật cạnh tranh.

Bổ sung thêm, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho rằng mục tiêu chính của chính sách kiểm soát tập trung kinh tế là nhằm ngăn ngừa việc thay đổi cấu trúc thị trường, vì điều này làm gia tăng mức độ tập trung dẫn tới những hành vi gây tổn hại đến động lực cạnh tranh trên thị trường.

"Tập trung kinh tế có thể tiềm ẩn khả năng gây ra những hành vi hạn chế cạnh tranh như thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng sức mạnh thị trường, từ đó suy giảm hiệu quả kinh tế cũng như xâm hại lợi ích người tiêu dùng", ông Tuấn cảnh báo.

Song vị đại diện Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh nhấn mạnh việc kiểm soát tập trung kinh tế cần phải hài hoà, tính tới lợi ích chính đáng của Nhà nước, người tiêu dùng, của chủ thể tham gia thị trường tránh tạo ra những rào cản hành chính không cần thiết.

Còn theo bà Lan, các doanh nghiệp cần phải xem xét yếu tố đầu tiên là giao dịch của mình có phải là tập trung kinh tế hay không. Có rất nhiều giao dịch mặc dù là mua lại nhưng không thuộc hình thức tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Và khi giao dịch là tập trung kinh tế thì cần xem xét tới giao dịch có vượt ngưỡng thông báo hay không.

Việc này khá đơn giản, với tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường, chỉ cần một doanh nghiệp có ý định thực hiện tập trung kinh tế, nếu doanh nghiệp đó có tổng tài sản hay doanh thu trên thị trường của năm trước năm dự kiến tập trung kinh tế từ 3.000 tỷ đồng trở nên thì cần thực hiện thủ tục thông báo, hoặc giá trị giao dịch của thương vụ mua lại từ 1.000 tỷ trở lên được thực hiện tại thị trường Việt Nam.

Trong trường hợp các doanh nghiệp có tổng tài sản hay tổng doanh thu dưới 3.000 tỷ đồng và giá trị giao dịch chỉ một vài trăm tỷ thì doanh nghiệp cũng cần xem liệu thị phần kết hợp trên thị trường liên quan (thị trường doanh nghiệp dự định tập trung kinh tế) có trên 20% hay không? Nếu các tiêu chí trên không đảm bảo nhưng thị phần lại trên 20% thì doanh nghiệp vẫn cần thực hiện thông báo hồ sơ tập trung kinh tế.

Theo nghiên cứu của Bộ Công Thương, trong năm 2021 căn cứ theo hệ thống ngành kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong số 734 ngành cấp 5 thì có khoảng 30% số ngành có chỉ số HHI (thước đo xác định mức độ tập trung của thị trường) trên 1.800 điểm, trong đó 20% ngành có chỉ số HHI tương đối cao trên 3.000 điểm.

Các ngành có mức độ tập trung kinh tế cao như trong lĩnh vực nông nghiệp có phân ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, cây trồng; trong khai thác khoáng sản có phân ngành dầu khí, quặng kim loại; trong lĩnh vực sản xuất chế biến có sản xuất sữa, thịt, bia, mô tô, xe máy, dệt may, da giày...; lĩnh vực dịch vụ có phân ngành như bán buôn, bán lẻ, chuyên doanh, dịch vụ vận tải đường đường sắt, hàng không, bảo hiểm...

Đây là những ngành có mức độ tập trung kinh tế cao đòi hỏi cơ quan cạnh tranh cần lưu ý có đánh giá khả năng gây tác động cạnh tranh một cách đáng kể khi có những hồ sơ thông báo tập trung kinh tế được nộp đến cơ quan cạnh tranh quốc gia.