13:44 24/11/2007

Công ty chứng khoán loay hoay chọn công nghệ

Nhiều công ty chứng khoán, nhất là công ty ra đời sau, đang đau đầu với vấn đề công nghệ

Không phải bất kỳ công ty chứng khoán nào cũng sẵn sàng chi ra một số tiền lớn để đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là công ty chứng khoán mới ra đời, quy mô còn nhỏ hoặc lợi nhuận chưa nhiều.
Không phải bất kỳ công ty chứng khoán nào cũng sẵn sàng chi ra một số tiền lớn để đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là công ty chứng khoán mới ra đời, quy mô còn nhỏ hoặc lợi nhuận chưa nhiều.
Nhiều công ty chứng khoán, nhất là công ty ra đời sau, đang đau đầu với vấn đề công nghệ, vốn được xem có tính quyết định với một công ty chứng khoán.

Sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) chuyển màn hình nhập lệnh (DCTerm) về cho các công ty chứng khoán và tiến tới giao dịch trực tuyến từ tháng 3/2008, ngay từ bây giờ, các công ty chứng khoán phải tính toán đến việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin cho phù hợp, nếu không họ sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi.

Theo các chuyên gia, hạ tầng công nghệ thông tin của đa số công ty chứng khoán hiện nay không đồng bộ và còn nhiều yếu kém. Khoảng 40 công ty chứng khoán đang sử dụng phần mềm của Công ty Hệ thống Thông tin FPT và theo đánh giá của nhiều công ty, chương trình này vẫn chưa hoàn thiện. Phần mềm của FPT đã được chỉnh sửa nhiều lần nhưng sẽ khó mở rộng những dịch vụ mới khi thị trường phát triển mạnh hơn.

Qua thực tiễn sử dụng, nhiều phần mềm trong nước không đáp ứng được các yêu cầu mới khi HOSE tiến hành nâng cấp hệ thống giao dịch. Vấn đề đặt ra đối với các công ty chứng khoán hiện nay là mua phần mềm như thế nào, nội hay ngoại để tích hợp được với hệ thống của HOSE và tới đây là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC).

Theo một chuyên gia chứng khoán, nước ngoài đã có kinh nghiệm về thị trường chứng khoán nên chương trình phần mềm của họ có nhiều dịch vụ mới, mà trong tương lai Việt Nam cũng phải thực hiện. Tuy nhiên, không phải bất kỳ công ty chứng khoán nào cũng sẵn sàng chi ra một số tiền lớn như vậy để đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là công ty chứng khoán mới ra đời, quy mô còn nhỏ hoặc lợi nhuận chưa nhiều.

“Tiền không phải là quyết định”. Ông Huỳnh Minh Vũ, Giám đốc khối công nghệ thông tin của Công ty Chứng khoán VNDirect khẳng định như vậy. Theo ông Vũ, nhiều công ty chứng khoán mạnh về tài chính có thể “bê” nguyên phần mềm đã được sản xuất ở nước ngoài, có trị giá vài triệu USD về sử dụng tại Việt Nam.

“Ưu điểm của các phần mềm này là có thể sử dụng được ngay nhưng mỗi khi cần chỉnh sửa cho phù hợp với hệ thống của HOSE hoặc HASTC lại rất khó. Lúc đó, lại phải nhờ các chuyên gia của chính hãng sang để can thiệp, không chỉ tốn kém về tiền bạc, mà tính hiệu quả cũng không cao”, ông Vũ nói.

Trên thực tế, VNDirect đã hướng đến một công nghệ trực tuyến theo cách đi riêng. Không chỉ giao dịch không sàn, khi được Uỷ ban Chứng khoán và Sở, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán cho phép, khách hàng của VNDirect có thể giao dịch trực tuyến qua Internet. Theo đó, lệnh mua hoặc lệnh bán của nhà đầu tư có thể truyền thẳng đến Sở, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, mà không phải qua khâu trung gian là công ty chứng khoán.

“Để có được công nghệ như vậy, chúng tôi không phải bỏ ra nhiều tiền mua phần mềm của hãng nào, tuy nhiên phải có đội ngũ chuyên gia IT lành nghề, có khả năng phát triển các phần mềm sẵn có cho phù hợp với điều kiện Việt Nam”.

Hiện VNDirect có 30 chuyên viên về IT, trong đó có 15 người chuyên về phần mềm. Số còn lại, bên cạnh việc hiểu sâu về IT cũng có chuyên môn về chứng khoán. Bản thân ông Vũ cũng là chuyên gia về công nghệ cao cấp, từng làm việc tại nhiều công ty chứng khoán của Đức cũng như các công ty công nghệ thông tin của Hoa Kỳ.

Không giống như các công ty chứng khoán khác, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) lựa chọn công nghệ có sự ổn định, tương đồng, phù hợp với thị trường chứng khoán Việt Nam. Qua khảo sát, nghiên cứu các giải pháp công nghệ của một số nước có thị trường chứng khoán phát triển, như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… TVSI quyết định lựa chọn giải pháp Smart của nhà cung cấp Freewill (Thái Lan). Đây là hệ thống được xây dựng dựa trên hạ tầng công nghệ của IBM.

Cho dù thế nào thì lựa chọn công nghệ đang là vấn đề khiến nhiều công ty chứng khoán loay hoay. Nếu không có nhiều tiền thì dùng phần mềm trong nước dẫu biết rằng, chưa đáp ứng được các yêu cầu nhưng phù hợp với khả năng tài chính của công ty.

Nhưng ngay cả khi mua được công nghệ của nước ngoài thì vấn đề chỉnh sửa phần mềm lại hết sức khó khăn. Trong khi đó, để có một đội ngũ công nghệ thông tin chuyên nghiệp lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh bùng nổ các công ty chứng khoán, cạnh tranh nhân lực gắt gao.