12:04 01/07/2025

“Siêu trụ” VCB cũng không cứu được thị trường

Kim Phong

Sức ép bán ra khá mạnh sáng nay đã đè giá cổ phiếu xoay chiều giảm cả loạt trong nửa sau của phiên. Từ chỗ số cổ phiếu tăng giá nhiều gấp rưỡi số giảm lúc VN-Index đạt đỉnh, kết phiên sáng tình thế đã đảo ngược với số giảm lại nhiều gấp đôi số tăng...

Sức cầu tốt vẫn đang co cụm dần.
Sức cầu tốt vẫn đang co cụm dần.

Sức ép bán ra khá mạnh sáng nay đã đè giá cổ phiếu xoay chiều giảm cả loạt trong nửa sau của phiên. Từ chỗ số cổ phiếu tăng giá nhiều gấp rưỡi số giảm lúc VN-Index đạt đỉnh, kết phiên sáng tình thế đã đảo ngược với số giảm lại nhiều gấp đôi số tăng.

VCB đang tăng rất mạnh 2,11% kéo lại gần 2,4 điểm cho VN-Index nhưng chỉ số này vẫn để mất 1,45 điểm tương đương -0,11% so với tham chiếu. Ngay cả cổ phiếu mạnh nhất nhóm blue-chips này cũng chịu sức ép không nhỏ: Thanh khoản lên cao nhất thị trường với 449,6 tỷ đồng nhưng giá cũng không còn giữ được mức cao nhất mà trượt giảm khoảng 1,02% so với giá đỉnh – cũng là lúc VN-Index đạt đỉnh khoảng 10h15.

Rổ VN30 từ chỗ có 24 mã tăng giá đã đảo ngược thành 18 mã giảm giá và 9 mã tăng. Trong Top 10 vốn hóa thị trường, ngoài VCB chỉ còn BID tăng 0,55%, FPT tăng 0,42%, MBB tăng 0,39%, còn lại là giảm. Ngay cả các trụ còn xanh này cũng đã tụt giảm đáng kể.

Trong 9 cổ phiếu đang đi ngược dòng của rổ blue-chips, GVR tăng 1,82%, VJC tăng 1,36%, BVH tăng 1,51% mạnh nổi bật. Tuy nhiên vốn hóa hạn chế nên lực đỡ quá kém. Ba mã này đem về khoảng 0,8 điểm cũng chỉ đủ bù lại sức ép của VHM giảm 0,91%. Điểm tích cực là nhóm giảm giá mất khá nhiều thời gian để trượt giảm từ vùng xanh. Yếu nhất đang là MSN giảm 1,82%. Cổ phiếu này đang tạm thời chững lại hai phiên gần đây sau khi xuất hiện ngày đột biến tăng 6,67% hôm 27/6, tức là chiều nay lượng cổ phiếu T+ sẽ về tài khoản.

VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,33% với thanh khoản tăng nhẹ 3,8% so với sáng hôm qua. Thanh khoản tăng đều nhờ giao dịch đột biến của VCB. Cổ phiếu này ghi nhận giá trị khớp lệnh tăng gấp 6,3 lần sáng hôm qua, tương đương 378 tỷ đồng trong khi tổng tăng của cả rổ chỉ là 204 tỷ đồng. Điều đó nghĩa là nhiều cổ phiếu khác trong rổ giảm giao dịch đáng kể.

Mở rộng ra toàn sàn HoSE, thanh khoản sụt giảm khoảng 5,5% so với sáng hôm qua, cho thấy dòng tiền vào tổng thể là yếu. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thiếu lực cầu cũng giảm trên diện rộng. Chỉ số Midcap đang đỏ 0,53%, Smallcap giảm 0,45%. Độ rộng sàn HoSE cuối phiên chỉ có 101 mã tăng/199 mã giảm.

Trong số đỏ, 77 cổ phiếu đang giảm từ 1% trở lên, chiếm gần 20% tổng giá trị khớp lệnh của sàn. Đây có thể xem là tín hiệu tích cực mờ nhạt khi sức ép từ bên bán chưa đẩy giá cổ phiếu rơi sâu hơn và lượng bán cũng không quá nhiều. Giá mở rộng theo chiều giảm chủ yếu do tiền mua ít hơn là bán mạnh. Một số mã đáng chú ý là MSN giảm 1,82% khớp 239,5 tỷ đồng; GEX giảm 1,34% với 217,5 tỷ; VND giảm 2,03% với 143,8 tỷ; DXG giảm 2,37% với 129,9 tỷ; DGC giảm 1,38% với 93,2 tỷ; DIG giảm 1,69% với 98,6 tỷ…

“Siêu trụ” VCB cũng không cứu được thị trường - Ảnh 1

Ở phía tăng dĩ nhiên dòng tiền còn co cụm hơn nữa vì tổng thể thanh khoản đã kém, nay thị trường lại suy yếu về điểm số. Cả sàn HoSE chỉ có 13 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên còn duy trì được biên độ tăng giá quá 1%. Ngoài VCB, hai mã đầu tư công đáng chú ý là VCG tăng 4,54% với 436,8 tỷ đồng; HHV tăng 1,21% với 132,2 tỷ. Tuy nhiên cả hai cổ phiếu này cũng đang bị ép mạnh mẽ. VCG đã tụt mất 1,91% so với giá đỉnh ngay sau khi mở cửa còn HHV tụt tới 2,72%. GVR, HAG, CMG, VJC là số ít cổ phiếu còn lại khớp lệnh loanh quanh 50 tỷ đồng thanh khoản.

Diễn biến suy yếu sáng nay không do tác động đặc biệt nào về thông tin, đây thuần túy là sự thay đổi trong cung cầu hàng ngày. Kể từ khi VN-Index vượt qua vùng đỉnh trung hạn hôm 24/6 vừa qua thì thị trường đã phân hóa rất sâu sắc và chỉ số ít cổ phiếu đem lại lợi nhuận ngắn hạn tốt. Nhà đầu tư không hào hứng bỏ nhiều tiền vào thị trường mà chỉ giao dịch đầu cơ tập trung theo từng cổ phiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài đang ghi nhận mức bán ròng đột biến 814,4 tỷ đồng trên sàn HoSE nhưng chủ yếu là do giao dịch thỏa thuận HDB và VJC. VJC xuất hiện mức bán ròng 389,1 tỷ đồng, HDB là 324,1 tỷ đồng. Ngoài hai mã này thì cũng không nhiều giao dịch đáng kể. GEX -44,2 tỷ, HPG -43,9 tỷ, FRT -26,4 tỷ, HDG -22,1 tỷ là đáng chú ý nhất. Phía mua ròng cũng chỉ vài mã: MSN +30,5 tỷ, FPT +29,1 tỷ, VCB +28,6 tỷ, HVN +24,7 tỷ, NLG +21,2 tỷ, VCG +21 tỷ.