18:05 13/12/2012

Cuộc chiến smartphone sắp có thêm đối thủ từ Nga

An Huy

Chiếc điện thoại này chưa được đặt tên này sử dụng phần mềm hệ điều hành Android của Google

"Cuộc chiến" trên phân khúc điện thoại di động thông minh (smartphone) đang nóng bỏng trên thế giới sắp có thêm một đối thủ mới tới từ nước Nga.

Báo Wall Street Journal cho biết, công ty Yota Divices của Nga đang nuôi hy vọng sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đối với thế hệ smartphone tiếp theo của thế giới. Trước khi nhảy vào lĩnh vực này, Yota có quan hệ mật thiết với ngành quốc phòng của xứ bạch dương.

Mọi hy vọng của Yota đang được đặt vào một chiếc smartphone có hai màn hình dự kiến sẽ ra mắt trong thời gian không xa, với sự kết hợp giữa một màn hình LCD truyền thống ở một mặt và mà hình giấy điện tử (electronic paper) ở mặt còn lại của sản phẩm.

“Chúng tôi tạo ra chiếc điện thoại này để hướng tới sự khác biệt. Phần lớn những chiếc điện thoại hiện có đều buồn tẻ, chúng chỉ là những cái hộp. Chiếc điện thoại này là dành cho những người muốn thoát ra ngoài chiếc hộp đó”, ông Vladislav Martynov, CEO của Yota, phát biểu.

Một nhóm gồm 35 kỹ sư và khoản ngân sách 25 triệu USD đã thực hiện dự án này từ tháng 5 năm nay để biến ý tưởng thành hiện thực.

Theo dự kiến, Yota sẽ giới thiệu chiếc điện thoại mới này tại Đại hội Thế giới di động (Mobile World Congress) tại Barcelona vào tháng 2 năm tới. Tiếp đó, chiếc điện thoại này sẽ lên kệ tại Nga vào quý 3, trước khi xuất hiện trên thị trường quốc tế vào quý 4.

Chiếc điện thoại này chưa được đặt tên này sử dụng phần mềm hệ điều hành Android của Google. Mức giá dự kiến của thiết bị vào khoảng 500 USD.

Theo giới phân tích, việc nhảy vào thị trường smartphone sẽ không dễ dàng đối với một “tay chơi” mới như Yota. “Họ có ý tưởng tốt, nhưng thương hiệu còn xa lạ. Thị trường điện thoại đòi hỏi nhiều về thương hiệu và mẫu mã, nên cạnh tranh rất khốc liệt”, nhà phân tích Carolina Milanesi của hãng nghiên cứu Gartner nhận xét.

Chiếc điện thoại của Yota cho phép người sử dụng xem liên tục mọi loại dữ liệu được truyền dẫn theo thời gian thực, từ các bài viết trên mạng Twitter tới diễn biến giá cổ phiếu, mà không cần phải liên tục bấm để điện thoại thoát khỏi “trạng thái ngủ” (sleep mode) hoặc hao pin nhanh.

Sự sáng tạo của chiếc điện thoại này nằm ở màn hình giấy điện tử, một công nghệ được sử dụng phổ biến cho các thiết bị đọc sách điện tử như Kindle của Amazon.com. Màn hình này cho phép hình ảnh luôn được hiển thị, nhưng chỉ sử dụng năng lượng khi hình ảnh thay đổi.

Những chiếc điện thoại có hai màn hình, nhưng đều là màn hình LCD, đã xuất hiện trên thị trường châu Á, nhưng không gặt hái được thành công đáng kể.

Ở Nga, chiếc điện thoại của Yota đang ít nhiều thu hút sự quan tâm. Năm 2010, ông Sergei Chemezov, Giám đốc tập đoàn quốc phòng Rostekhnologii - khi đó còn sở hữu 25% công ty mẹ của Yota - đã giới thiệu với Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev một mô hình của chiếc điện thoại này và gọi đây là một sản phẩm có khả năng gây đột phá cho nền công nghiệp Nga. Ông Medvedev được biết tới là một người rất chuộng hàng Apple.

Đến năm 2011, Yota tách khỏi tập đoàn quốc phòng nhà nước. Tuy nhiên, CEO Martynov khẳng định, sản phẩm của họ vẫn được Chính phủ Nga ủng hộ về mặt tinh thần.

Không giống như những công ty mới đến với thị trường di động vốn thường cấp phép ý tưởng cho những nhà sản xuất lớn, Yota dự kiến sẽ tự sản xuất mẫu thiết kế của mình và cung cấp sản phẩm thông qua hợp đồng với các nhà mạng.