08:42 25/08/2023

Cuộc đua lên Mặt Trăng “ngốn” bao nhiêu tiền của các nước?

Nguyễn Tuyên

Ấn Độ đã đạt mục tiêu chiến thắng trong cuộc đua không gian, khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống vùng cực Nam của Mặt Trăng vào ngày 23/8. Nhưng số tiền mà quốc gia Nam Á chi cho sứ mệnh lịch sử này so với các nước khác mới khiến nhiều người bất ngờ…

Một người Ấn Độ ăn mừng khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống vùng cực Nam của Mặt Trăng vào ngày 23/8 - Ảnh: Reuters.
Một người Ấn Độ ăn mừng khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống vùng cực Nam của Mặt Trăng vào ngày 23/8 - Ảnh: Reuters.

“Ngày lịch sử của ngành vũ trụ Ấn Độ”, Thủ tướng Narendra Modi nói sau khi theo dõi sự kiện này trực tuyến từ Nam Phi, nơi ông đang tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.

KHOẢNH KHẮC LỊCH SỬ CỦA ẤN ĐỘ

Theo hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã vẫy lá quốc kỳ khi chứng kiến màn hạ cánh lịch sử của tàu Chandrayaan-3 và vui mừng chia sẻ với toàn thế giới: “Khoảnh khắc này thật khó quên. Thật phi thường. Đây là tiếng reo hò chiến thắng của một Ấn Độ mới!”

“Ấn Độ hiện đã tới Mặt Trăng”, ông S. Somanath, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) vui mừng nói. Tại thủ đô New Delhi, các nhà khoa học và quan chức vỗ tay, cổ vũ và ôm chầm lấy nhau khi tàu vũ trụ của Ấn Độ hạ cánh thành công. Trên khắp đất nước Ấn Độ, người dân hân hoan ăn mừng, đốt pháo, đánh trống và nhảy múa trên đường phố.

Màn hạ cánh lịch sử của Chandrayaan-3 đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới hạ cánh thành công tàu vũ trụ lên Mặt Trăng, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô trước đây. Chandrayaan-3 dự kiến sẽ thực hiện loạt thí nghiệm, bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt Mặt Trăng.

Với cuộc đổ bộ này, tàu vũ trụ của Ấn Độ đã đến gần cực Nam của Mặt Trăng hơn bất cứ tàu thám hiểm vũ trụ nào trong lịch sử. Khu vực này có địa hình ghồ ghề và được cho là mang lại lợi ích quan trọng cả về chiến lược và khoa học đối với mọi quốc gia tham gia sứ mệnh thám hiểm vũ trụ.

Các nhà khoa học cho rằng đây là khu vực có nước đóng băng. Nếu tồn tại với số lượng đủ, nước đóng băng có thể làm nguồn nước uống phục vụ sứ mệnh khám phá MặtTtrăng và giúp làm mát thiết bị. Nó cũng có thể được phân hủy để tạo ra hydro làm nhiên liệu và ôxy để thở, hỗ trợ các sứ mệnh lên Sao Hỏa hoặc khai thác tài nguyên của Mặt Trăng trong tương lai.

Các nhà phân tích hy vọng sự kiện tàu vũ trụ của Ấn Độ hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt Trăng sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ non trẻ của quốc gia Nam Á này.

Với sự thúc đẩy của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã tư nhân hóa các vụ phóng vào không gian và đang tìm cách mở cửa lĩnh vực này cho đầu tư nước ngoài. Ấn Độ đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần thị phần của nước này trên thị trường phóng vệ tinh toàn cầu trong thập kỷ tới.

Với thành công của tàu Chandrayaan-3, các nhà phân tích kỳ vọng lĩnh vực vũ trụ của Ấn Độ sẽ tận dụng danh tiếng về kỹ thuật để cạnh tranh về mặt chi phí. Trước đó, ISRO chỉ được rót ngân sách khoảng 74 triệu USD cho sứ mệnh này.

Số tiền này không đáng là bao nếu đem ra so sánh với khoảng 93 tỷ USD mà Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến chi cho chương trình Mặt Trăng Artemis đến năm 2025.

“Sứ mệnh này thành công sẽ giúp nâng cao danh tiếng của tất cả những người liên quan đến nó. Khi thế giới nhìn vào một sứ mệnh như thế này, họ không chỉ tập trung vào ISRO”, Ajey Lele, nhà tư vấn tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar ở New Delhi, nhận định.

CUỘC CẠNH TRANH KHỐC LIỆT

Đáng chú ý, màn hạ cánh lịch sử của tàu Chandrayaan-3 diễn ra chỉ vài ngày sau thất bại của tàu thăm dò Mặt Trăng Luna-25 của Nga. Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, Nga vẫn cố gắng thực hiện vụ phóng tàu thăm dò Mặt Trăng. Hiện Nga chưa tiết lộ số tiền họ đã chi cho sứ mệnh này, nhưng sau thất bại của Luna-25, một số chuyên gia bày tỏ nghi ngờ về khả năng tài trợ cho sứ mệnh kế tiếp Luna-25.

Ông Vadim Lukashevich, một chuyên gia không gian ở Matxcơva, cho rằng việc Nga ưu tiên ngân sách cho cuộc xung đột ở Ukraine khiến việc lặp lại sứ mệnh Luna-25 là “cực kỳ khó xảy ra”.

Cuộc cạnh tranh có vẻ như khá bất ngờ giữa Nga và Ấn Độ để đến được một khu vực chưa từng được khám phá trước đây trên Mặt Trăng đã gợi lại cuộc chạy đua vào vũ trụ những năm 1960, với sự cạnh tranh của Mỹ và Liên Xô.

Trước đó, vào năm 2019, tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga 4 của Trung Quốc lần đầu hạ cánh thành công xuống mặt tối của Mặt Trăng. Đây là phần nửa Mặt Trăng không bao giờ được nhìn thấy từ Trái Đất.

Trung Quốc đặt mục tiêu đuổi kịp Nga và Mỹ để trở thành một cường quốc vũ trụ lớn vào năm 2030. Công ty nghiên cứu vũ trụ Euroconsult ước tính Trung Quốc đã chi 12 tỷ USD cho chương trình không gian vào năm 2022.

Cuộc đua vào không gian cũng chứng kiến sự tham gia đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp tư nhân. Trong đó có thể kể đến Công ty SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk. Công ty này đang phát triển tên lửa Starship cho hoạt động kinh doanh phóng vệ tinh của mình cũng như đưa các phi hành gia NASA lên bề mặt Mặt trăng theo hợp đồng trị giá 3 tỷ USD. Ngoài hợp đồng đó, SpaceX sẽ chi khoảng 2 tỷ USD cho Starship trong năm nay, ông Musk cho biết.

Bên cạnh đó, các công ty vũ trụ Astrobotic và Intuitive Machines (LUNR.O) của Mỹ cũng đang chế tạo tàu đổ bộ dự kiến sẽ phóng tới cực Nam của Mặt Trăng vào cuối năm nay hoặc vào năm 2024.

Mặc dù vậy, cuộc đua vào không gian vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nỗ lực hạ cánh trước đó của Ấn Độ đã thất bại vào năm 2019. Cùng năm này, một công ty khởi nghiệp của Israel cũng thất bại trong cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng đầu tiên do tư nhân tài trợ.

Hồi tháng 5 vừa qua, Công ty khởi nghiệp ispace của Nhật Bản thừa nhận nỗ lực trở thành hãng tư nhân đầu tiên đưa tàu đổ bộ lên Mặt Trăng đã kết thúc trong thất bại.

Bethany Ehlmann, Giáo sư tại Viện Công nghệ California (Mỹ), người đang làm việc với NASA trong sứ mệnh năm 2024 để lập bản đồ cực Nam của Mặt Trăng, cho biết: “Việc hạ cánh lên Mặt Trăng thật sự khó khăn như chúng ta đang thấy. Trong vài năm qua, Mặt Trăng dường như đang “ăn thịt” tàu vũ trụ”.