10:10 05/07/2023

Cuộc suy thoái của nhà giàu Mỹ

An Huy

Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái trong năm nay đang giảm xuống. Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, tầng lớp giàu có hơn ở nước này đang phải vật lộn với một cuộc suy thoái của riêng họ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Nếu nhìn tổng thể, kinh tế Mỹ vẫn ổn. Tăng trưởng tiếp diễn và công ăn việc làm mới được tạo ra, bất chấp lạm phát cao và những đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed. Nhưng đối với nhiều người Mỹ khá giả trở lên, suy thoái kinh tế có vẻ đã bắt đầu.

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ điều chỉnh tăng số liệu tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1, cho biết GDP trong 3 tháng đầu năm tăng 2%, thay vì tăng 1,3% như lần công bố đầu tiên. Giới chuyên gia kinh tế cũng bận rộn với việc nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 2.

Trên thực tế, những người thuộc tầng lớp giàu hơn ở Mỹ lại đang là những người bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các cuộc sa thải nhân sự. Họ cũng không có được mức tăng lương đủ để bù lại sự leo thang của giá cả, đồng thời bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi sự sụt giảm của lợi nhuận. Nói cách khác, đây là một cuộc suy thoái của nhà giàu - nghĩa là, trong bất ổn kinh tế, tầng lớp giàu hơn bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Đáng ngại hơn cả, tình trạng này bắt đầu có ảnh hưởng lan rộng, vì những người giàu hơn phải kiểm soát chi tiêu nhiều hơn.

NGƯỜI THU NHẬP CAO BỊ SA THẢI NHIỀU HƠN

Không phải tầng lớp thu nhập thấp, mà những người thu nhập cao mới đang là những người bị ảnh hưởng nhiều hơn trong những đợt sa thải ở Mỹ. Theo dữ liệu từ công ty Challenger, Gray and Christmas, khoảng 1/3 số người bị mất việc ở Mỹ từ đầu năm đến nay là nhân sự của các công ty công nghệ như Meta Platforms. Ở những công ty như vậy, lương trung bình của nhân viên trong năm 2022 là 296.320 USD.

Ngoài ra, sa thải cũng rơi nhiều hơn vào những nhóm nhân viên được trả cao hơn. Chẳng hạn như ở hãng xe Ford Motor, các vụ sa thải được lên kế hoạch đều tập trung vào hàng ngũ kỹ sư.

Nếu nhìn tổng thể nền kinh tế, mức sa thải lại thấp, vì vẫn đang có một lượng lớn công việc mới được tạo ra. Nhưng đó chủ yếu là những công việc ở nhóm thu nhập thấp hơn. Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ, số người tham gia lực lượng lao động ở nước này hiện nay còn nhiều hơn cả trước đại dịch, còn số người nhận trợ cấp thất nghiệp là ít hơn.

Một phân tích gần đây của ngân Bank of America Institute phát hiện thấy rằng ở 30 bang áp dụng chính sách gửi thẳng trợ cấp thất nghiệp vào tài khoản của người thụ hưởng, số người nhận nằm trong những gia đình có thu nhập 125.000 USD/năm trở lên đã tăng 40% trong tháng 4 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng này lướn gấp 5 lần so với mức tăng của số người hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc về những hộ gia đình có thu nhập dưới 50.000 USD/năm.

THU NHẬP CỦA TẦNG LỚP GIÀU GIẢM SÚT

Thị trường lao động thắt chặt và các kỹ năng “hot” đồng nghĩa nhiều lao động thuộc nhóm thu nhập cao hơn có thể dễ dàng tìm được công việc mới, nhưng thu nhập của họ sẽ không được như trước. Trong khi đó nhu cầu lao động vẫn cao ở những lĩnh vực sử dụng lao động thu nhập thấp hơn, dẫn tới việc tiền lương ở nhu khu vực này tăng mạnh hơn.

Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta cho thấy tiền lương bình quân 12 tháng của người lao động ở nhóm 25% thu nhập thấp nhất đã tăng 6,8% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, trong khi mức tăng ở nhóm 25% thu nhập cao nhất chỉ tăng 5,6%.

Dĩ nhiên, lương không phải là khoản thu nhập duy nhất của người lao động ở nhóm thu nhập cao. Họ còn thường được nhận những khoản thưởng hấp dẫn, nhưng trong nhiều trường hợp, tiền thường của nhóm này cũng đang giảm mạnh. Theo một báo cáo của bang New York, tiền thưởng bình quân của người làm trong lĩnh vực chứng khoán ở thành phố New York trong năm 2022 là 176.700 USD, giảm 26% so với năm trước. Nếu trừ cả lạm phát, mức thưởng là thấp hơn so với thời điểm trước đại dịch.

Thu nhập giảm có vẻ như đã bắt đầu khiến tầng lớp khá giả ở Mỹ thay đổi hành vi. Bank of America Institute nhận thấy rằng chi tiêu bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cho những mặt hàng không thiết yếu của các hộ gia đình có thu nhập cao hơn ở Mỹ trong tháng 4 năm nay đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi tương tự của nhóm thu nhập thấp hơn lại tăng lên.

Phát hiện này tương tự như những gì được chỉ ra trong một báo cáo của Walmart, khi hãng bán lẻ bình dân này cho biết đang tăng được thị phần ở đối tượng khách hàng thu nhập cao, trong khi chi tiêu cho hàng hoá xa xỉ ở nhóm những người mua sắm theo cảm hứng đã chậm lại. Chuyên gia kinh tế cấp cao David Tinsley của Bank of America Institute cho rằng đây là một vấn đề không thể xem nhẹ vì các hộ gia đình ở nhóm 40% thu nhập cao nhất chiếm hơn 60% tổng tiêu dùng ở Mỹ.

Như vậy, một cuộc suy thoái toàn diện có thể chưa đến Mỹ. Nhưng cuộc suy thoái của tầng lớp giàu ở nước này vẫn có thể đặt ra trở ngại lớn đối với nền kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại - Wall Street Journal kết luận.