Chủ tịch Fed: Lạm phát chưa về mục tiêu, lãi suất còn phải tăng
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 28/6 tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn về chính sách tiền tệ, nói rằng ông kỳ vọng lãi suất còn phải tăng thêm vài lần nữa và thậm chí tăng với tốc độ quyết liệt...
“Chúng tôi tin rằng còn phải thắt chặt. Động lực cho điều này là một thị trường việc làm còn đang rất mạnh”, ông Powell phát biểu tại một sự kiện do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đăng cai ở Sintra, Bồ Đào Nha.
Phát biểu này là sự tái khẳng định lập trường của ông Powell và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ khác của Fed tại cuộc họp tháng 6, trong đó họ phát tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nữa trong năm nay.
Giả sử Fed tiếp tục tăng lãi suất mỗi lần 0,25 điểm phần trăm như trong mấy cuộc họp vừa rồi, dự kiến này của các quan chức Fed đồng nghĩa sẽ có thêm 2 lần tăng lãi suất nữa trong thời gian còn lại của năm 2023. Những phát biểu gần đây của ông Powell chỉ đến khả năng các đợt tăng lãi suất đó sẽ không diễn ra trong những cuộc họp liên tiếp, nhưng ngày thứ Tư ông nói rằng lãi suất cũng có thể tăng liên tiếp tuỳ thuộc vào các số liệu kinh tế tiếp theo.
Kể từ khi khởi động chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 3/2022, Fed đã có 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp, bao gồm 4 đợt tăng nối tiếp nhau với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm. Trong cuộc họp tháng 6 vừa rồi, Fed tạm nghỉ.
“Tôi không loại trừ khả năng tăng lãi suất trong những cuộc họp liên tiếp”, ông Powell phát biểu tại sự kiện.
Giữ vai trò trung tâm trong tư duy chính sách tiền tệ hiện nay của Fed là niềm tin rằng 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp chưa có đủ thời gian để ngấm vào nền kinh tế. Bởi vậy, giới chức Fed chưa dám chắc chính sách của họ đã đạt tới độ thắt chặt đủ để đưa lạm phát về mục tiêu 2% của Fed hay chưa.
Hầu hết các nhà kinh tế học nghĩ rằng lãi suất tăng rốt cục sẽ chí ít khiến kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái nông. Ông Powell có vẻ cũng tin như vậy. “Có một khả năng đáng kể là sẽ có một cuộc suy thoái,” ông Powell nói, đồng thời nhận định thêm rằng “đó không phải là một khả năng chắc chắn, nhưng chắc chắn là một khả năng”.
Khi được hỏi về căng thẳng trong hệ thống ngân hàng Mỹ, ông Powell cho biết trong cuộc họp tháng 6, những vấn đề hồi tháng 3 dẫn tới vụ đóng cửa của Silicon Valley Bank (SVB) và hai ngân hàng khu vực khác đã được tính đến trong các cân nhắc của Fed.
Ông Powell đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông coi tình trạng chung của ngành ngân hàng Mỹ là ổn định, nhưng ông nói Fed cần lưu ý về việc có thể có một số vấn đề về dòng vốn tín dụng. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy tiêu chuẩn tín dụng nói chung đang bị thắt chặt và nhu cầu vay vốn có chiều hướng giảm.
“Mức độ sẵn có của vốn tín dung và dòng chảy tín dụng của ngân hàng có thể giảm xuống một chút với độ trễ một chút. Vì vậy, chúng tôi đang theo dõi cẩn thận”, ông nói.
Các quan chức ngân hàng trung ương khác tham dự sự kiện này cũng đưa ra những phát biểu cứng rắn về sự cần thiết phải kiểm soát lạm phát.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói bà cảm thấy “chúng tôi vẫn còn một chặng đường phải đi” và nghĩ rằng “chúng tôi rất có thể sẽ lại nâng lãi suất vào tháng 7”.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda nói BOJ có thể chuyển sang thắt chặt từ chính sách siêu lỏng lẻo hiện nay nếu lạm phát không dịu đi.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Andrew Bailey thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kéo giá cả xuống và ông nói sẽ không tính đến chuyện nâng lạm phát mục tiêu lên từ mức 2%.
“Sẽ phải mất một thời gian nhất định. Lạm phát đã cho thấy sự dai dẳng hơn so với kỳ vọng. Dĩ nhiên, sẽ thật tuyệt vời nếu đến một ngày mà sự dai dẳng này chuyển biến. Dù vậy, chúng tôi không dám kỳ vọng sớm”, ông Bailey nói.