11:08 28/06/2013

Cuối năm nay trình nghị định về chứng khoán phái sinh

Duy Cường

“Tại các nước, thị trường chứng khoán phái sinh tuy ra đời muộn nhưng doanh số “khủng”

Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính Vũ Nhữ Thăng (trái) và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng tại hội thảo “Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam” diễn ra sáng 28/6 tại Tp.HCM.<br>
Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính Vũ Nhữ Thăng (trái) và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng tại hội thảo “Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam” diễn ra sáng 28/6 tại Tp.HCM.<br>
Nghị định về chứng khoán phái sinh đã hoàn thành lấy ý kiến và đang hoàn tất nội dung để trình Chính phủ vào cuối năm nay.

Phát biểu tại hội thảo “Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam” do Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Đại học Tài chính - Marketing tổ chức sáng 28/6, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán phái sinh cần sự chuẩn bị 3 - 4 năm và sau khi mở phiên giao dịch đầu tiên, cần khoảng 7 năm sau thì thị trường mới thật sự phát triển.

“Tại các nước, thị trường chứng khoán phái sinh tuy ra đời muộn nhưng doanh số “khủng”. Tại thị trường Đài Loan, doanh số thị trường tương lai gấp đôi thị trường sơ cấp, ở châu Âu doanh số này gấp 4 lần. Như vậy, thị trường chứng khoán phái sinh là mảnh đất tiềm năng để phát triển”, ông Bằng nói.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, đối với hàng hóa trên thị trường, Việt Nam có thể lựa chọn các sản phẩm quyền chọn tương lai (future option) đối với chứng khoán hay mở rộng ra đến các hàng hóa khác như như vàng, lãi suất, ngoại tệ.

Thị trường chứng khoán phái sinh có hai lựa chọn, là xây dựng cơ sở vật chất độc lập, hay là dựa vào cơ sở vật chất của sở giao dịch chứng khoán hiện nay? Thông thường các nước đều tận dụng cơ sở vật chất của sở giao dịch để thực hiện nhanh chóng hơn, ông Bằng nói.

Về vấn đề triển khai hệ thống giao dịch, cũng theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, các sở giao dịch chứng khoán đã có nâng cấp và cải tiến công nghệ.

Tuy vậy, điều mà ông lo nhất là vấn đề quản lý. “Nếu không quản lý được thì có rủi ro cao, việc này dẫn tới sự đổ vỡ”.

Về cơ sở pháp lý, theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), tại Việt Nam, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 là bước đi cần thiết cụ thể để đảm bảo thành công của thị trường. Cùng với đó là các văn bản pháp lý khác: bộ 38 nguyên tắc hoạt động quản lý thị trường chứng khoán, Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24/11/2010.

Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống pháp lý và pháp luật ở Việt Nam vẫn chưa có những quy định đầy đủ về chứng khoán phái sinh. Ông Thăng cho rằng, cơ quan quản lý cần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cấu trúc thị trường phù hợp và cơ sở hạ tầng hiện đại, nhằm đáp ứng tính phức tạp và thanh khoản của giao dịch phái sinh.

“Một vấn đề cũng cần phải chú trọng để thị trường có thể hoạt động tốt là cần phải đào tạo và phổ cập kiến thức chứng khoán phái sinh cho các nhà đầu tư và những ai tham gia kinh doanh trên thị trường”, ông Thăng nói.

Cũng liên quan đến hành lang pháp lý của chứng khoán phái sinh, ông Vũ Bằng thông tin thêm, cuối năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán đã trình Chính phủ nghị định về thị trường chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên, do một số vấn đề phát sinh nên Ủy ban xin lùi thời gian trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay. Nghị định này đã hoàn thành lấy ý kiến và đang hoàn tất nội dung.