16:42 11/12/2019

Đà Nẵng tìm hướng phát triển kinh tế đêm để hút khách du lịch

Nguyên Vũ

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 12 của Hội đồng nhân dân Đà Nẵng chiều 11/12 đã cho thấy du lịch thành phố sông Hàn đang đứng trước không ít khó khăn

Một góc chợ đêm Đà Nẵng
Một góc chợ đêm Đà Nẵng

Giải pháp nào tạo ra sản phẩm du lịch về đêm một cách chuyên nghiệp, xứng tầm, thúc đẩy kinh tế đêm để hút khách du lịch là vấn đề được đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng chất vấn Giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và du lịch thành phố.

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 12 của Hội đồng nhân dân Đà Nẵng chiều 11/12 đã cho thấy du lịch sông Hàn đang đứng trước không ít khó khăn.

Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân thành phố thì dịch vụ du lịch vẫn phát triển sôi động. Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ năm 2019 ước đạt 7,1 triệu lượt, tăng 22% so với 2018. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 9.781 tỷ đồng, tăng 10,2%.

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách nhấn mạnh, doanh thu chưa tăng tương xứng với lượt khách và có xu hướng tăng chậm lại.

Mặc dù tổng lượt khách tăng cao nhưng số ngày lưu trú bình quân của khách tại Đà Nẵng lại thấp hơn so với năm 2018,  năm 2019 là 1,77 ngày, giảm 0,02 ngày so với cùng kỳ.

Ban Kinh tế - ngân sách cho rằng Đà Nẵng vẫn thiếu các sản phẩm du lịch để tăng chi tiêu của du khách, sản phẩm du lịch đêm vẫn còn khá đơn điệu. Các khu vui chơi giải trí về đêm quy mô lớn, đặc sắc phục vụ khách không nhiều.

Cơ quan thẩm tra cho rằng cần khẩn trương có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thu hút các đầu tư hoạt động giải trí về đêm, có cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm, xem đây là vấn đề cần thiết cho phát triển du lịch hiện nay.

Trả lời chất vấn của đại biểu về phát triển kinh tế đêm, Giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, hiện tại dịch vụ về đêm tại thành phố cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách, có hai show diễn, có chợ đêm, có các cụm ẩm thực, hoạt động quán bar, vũ trường...

Tuy nhiên, theo bà Hạnh thì lĩnh vực này còn không ít khó khăn, hạn chế. Như, một số dịch vụ ẩm thực mua sắm quy mô nhỏ, nằm rải rác ở khu dân cư, chưa có quỹ đất để xây dựng quy mô lớn, nằm tách biệt. Thành phố cũng chưa có cơ chế khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch về đêm.

Về giải pháp, bà Hạnh cho biết sẽ triển khai sớm việc thí điểm phố đêm 24/7, xin phép cho Đà Nẵng thí điểm một số hoạt động dịch vụ về đêm đến 24h, đề xuất để tàu thuỷ nội địa hoạt động đến 24h, có cơ chế kích cầu mua sắm đêm...

Giải pháp dài hơn là sẽ đẩy nhanh các dự án lớn, hình thành phố đêm Nhật Bản để có sản phẩm đặc sắc, đầu tư xây dựng khu vui chơi mua sắm quy mô lớn, xa khu dân cư, thí điểm cho phép ba loại hình dịch vụ về đêm, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Nho Trung nói, đề án phát triển kinh tế đêm mới xây dựng, nhưng có doanh nghiệp đã đeo đuổi 3 năm 6 tháng để làm chợ đêm, hỏi sắp xong chưa thì doanh nhân này cho biết đến giờ mới gần xong. 

Ông Trung nhấn mạnh đề án phải xuất phát từ quy hoạch rõ ràng cụ thể, công khai minh bạch để thu hút nhà đầu tư chứ như hiện nay thì nay nói xây chỗ này mai nói chỗ khác.

"Tôi và Bí thư Thành uỷ đi qua chợ đêm Sơn Trà thì thấy 22h đã đóng cửa rồi, hàng quán nhếch nhác và chả có gì để mua cả", ông Trung nói.

Giám đốc Hạnh trình bày, thành phố đang thiếu sản phẩm du lịch là những khu vui chơi quy mô lớn. Nhưng để làm được một sản phẩm lớn thì quy trình mất 3 năm, hơn 50 bước thủ tục, rất khó khăn và mất thời gian.

Trước băn khoăn của một số vị là nếu cho phép kéo dài thời gian vui chơi ban đêm thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thành phố, bà Hạnh khẳng định sẽ tính toán phù hợp, chứ không bắt thành phố thức cả đêm để phát triển du lịch như lo lắng của đại biểu.

Vẫn liên quan đến kinh tế đêm, đăng đàn ngay sau Giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và du lịch, Giám đốc Sở Công Thương cũng nhận được chất vấn: kinh tế đêm là vấn đề mới nhưng dịch vụ cho du khách về đêm khá đơn điệu, vậy giải pháp sẽ là gì?.

Vị này cho biết sẽ có phố đêm tại đường Bạch Đằng nối dài, nhưng cần phải thực hiện nhiều thủ tục, trong đó có việc lấy ý kiến nhân dân, làm sao để kinh tế đêm không ảnh hởng đến kinh tế ngày. Sắp tới cũng sẽ xây dựng một số tụ điểm về đêm, không quá gần khu dân cư và có thể có chính sách khuyến mãi tập trung sau 23h, lên đến 70%....

Ngoài vấn đề nêu trên, những vấn đề đặt ra với du lịch Đà Nẵng còn là hệ luỵ từ những tour du lịch 0 đồng của khách Trung Quốc, Hàn Quốc, là sự phát triển nóng của các cơ sở lưu trú có thể dẫn đến sự quá tải về hạ tầng... mà câu trả lời từ cơ quan quản lý còn khá chung chung, chưa đủ sức thuyết phục.