15:27 29/10/2012

Đại biểu Quốc hội: Nợ xấu chưa được đánh giá khách quan

Nguyễn Lê

Nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ cần có sự phân tích, đánh giá toàn diện về nợ xấu

Lo ngại về nợ xấu xuất hiện nhiều tại các phiên thảo luận tổ về kinh tế, xã hội - Ảnh: MĐ.<br>
Lo ngại về nợ xấu xuất hiện nhiều tại các phiên thảo luận tổ về kinh tế, xã hội - Ảnh: MĐ.<br>
Bản tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để phục vụ cho các phiên thảo luận tại hội trường về nội dung này, bắt đầu từ sáng mai (30/10).

Về tài chính tiền tệ, đa số ý kiến cho rằng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có ảnh hưởng tiêu cực đối với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế, tuy nhiên báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá khách quan, cụ thể, minh bạch tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng, thông tin thống kê không thống nhất khi có tới ba loại số liệu khác nhau.

Theo đề nghị của nhiều đại biểu, Chính phủ cần có sự phân tích, đánh giá toàn diện về nợ xấu, đưa ra tiêu chí cụ thể để xác định nợ xấu, phân loại nợ xấu trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng ngân hàng, từng doanh nghiệp, tìm ra nguyên nhân, để từ đó đề ra giải pháp phù hợp giải quyết triệt để tình trạng nợ xấu.

Nêu lại vấn đề đã được đề cập ở nhiều kỳ họp, đó là việc các ngân hàng được thành lập ồ ạt, trong đó có nhiều ngân hàng có năng lực yếu kém, một số ý kiến nhấn mạnh điều này đã gây bất ổn cho nền kinh tế. Chính phủ cần đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đánh giá, rà soát, phân loại hệ thống ngân hàng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu để điều hành, quản lý lãi suất tín dụng cho vay...

Ngoài ra, trong lĩnh vực ngân hàng vẫn tồn tại tình trạng cán bộ tín dụng có hành vi nhũng nhiễu trong hoạt động cho vay; chạy vốn giữa các ngân hàng, vi phạm quy định về lãi suất huy động tối đa theo quy định, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động còn lớn. Ngoại hối là phương tiện thanh toán quốc tế nhưng lại được sử dụng như một khoản đầu tư tài chính trong ngân hàng, tiền mặt vẫn còn sử dụng nhiều trong lưu thông.

Thị trường tài chính còn gặp nhiều khó khăn, chứa đựng nhiều yếu tố không ổn định, bền vững. Việc quản lý thị trường kinh doanh vàng còn thiếu chặt chẽ. Việc độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng SJC không hiệu quả, gây bất an và thiệt hại cho người dân, đại biểu quan ngại.

Trước phiên thảo luận tại tổ, con số nợ xấu được nêu tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã phần nào khiến đại biểu băn khoăn. Bởi kết quả giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đối với các khách hàng vay được chọn mẫu của 56 tổ chức tín dụng, đến 30/6/2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 8,82% tổng dư nợ cấp tín dụng, tăng 23,53% so với cuối năm 2011. Trong khi đó, số báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 6 nợ xấu là 4,49%.

Trao đổi với VnEconomy, TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, đại biểu Quốc hội Tp.HCM nhấn mạnh, chỉ mình ngành ngân hàng thì không thể giải quyết được nợ xấu mà đã đến lúc cần thành lập một ủy ban độc lập để cắt “khối u” này.