16:07 22/08/2012

“Đến cuối năm nay, phải giảm được nợ xấu!”

Nguyên Hà

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải giảm được tỷ lệ nợ xấu ngay trong năm 2012

Chủ tịch và các phó chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn sáng 22/8 - Ảnh: M.Đ.
Chủ tịch và các phó chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn sáng 22/8 - Ảnh: M.Đ.
Thống đốc có nói 5 năm, nhưng tôi yêu cầu là phải giảm được tỷ lệ nợ xấu trong thời gian từ nay đến cuối năm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu sau ba phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa kết thúc sáng 22/8.

Chiều hôm trước, Chủ tịch đã trực tiếp đặt câu hỏi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về mức độ có thể giảm nợ xấu từ nay đến hết tháng 6/2013.

Tuy nhiên, câu trả lời của Thống đốc là “ngay trong nhiệm kỳ này chúng ta có thể đưa được nợ xấu về mức an toàn theo đúng chuẩn mực quốc tế”.

Tại phiên họp sáng 22/8, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh “hai trách nhiệm lớn” của Thống đốc.

Thứ nhất, phải giải quyết cho được tình trạng nợ xấu của ngân hàng, đồng thời cũng là khoản nợ các doanh nghiệp, các đơn vị, cá nhân chưa trả được đối với ngân hàng.

“Xét trên phương diện hai mặt như vậy, Thống đốc phải triển khai một cách đồng bộ các biện pháp, phải giảm cho được nợ xấu”, ông nói.

Đi liền với giảm nợ xấu, theo Chủ tịch là tăng được nợ tốt, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết tình trạng tài chính của các ngân hàng, góp phần giải quyết nhu cầu vay vốn để phát triển một cách lành mạnh của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

“Tôi yêu cầu là tinh thần chất vấn lần này đặt ra trách nhiệm của Thống đốc là phải giảm được tỷ lệ nợ xấu trong thời gian từ nay đến cuối năm, từ nay đến sang năm và mỗi năm như vậy để có một sự tiến bộ và chuyển biến tích cực”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Ở trách nhiệm lớn thứ hai là tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu trong quá trình này “không được để cho các tổ chức tín dụng, tài chính thuộc lĩnh vực quản lý trực tiếp của Thống đốc đổ vỡ”.

Vừa cơ cấu, nhưng làm lành mạnh hóa và có trình độ quản lý tốt hơn, có trách nhiệm tốt hơn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế, kiềm chế được lạm phát cũng là yêu cầu được Chủ tịch nhấn mạnh trong nhiệm vụ này.

Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, Thống đốc còn có trách nhiệm vừa kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý, nhưng vừa bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng để đẩy lùi cho được, ngăn chặn cho được khả năng suy giảm kinh tế của Việt Nam, hồi phục cho được sản xuất kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp, góp phần giải quyết công ăn việc làm, giải quyết các vấn đề kinh tế gắn liền với xã hội.

Tiếp tục thanh tra tập đoàn, tổng công ty

Đối với Tổng thanh tra Chính phủ, một trong ba vị vừa hoàn thành trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ ba trách nhiệm.
 
Với giải quyết những khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện còn tồn đọng, Chủ tịch nói rõ thời gian từ nay đến cuối năm và sang năm sau phải cơ bản giải quyết được 528 vụ tồn đọng ở cấp Trung ương phải giải quyết.

Trách nhiệm rất lớn tiếp theo, theo Chủ tịch là làm tốt hơn nữa thanh tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thất thoát, tham nhũng. "Cuộc đấu tranh này, vô cùng khó khăn, vô cùng phức tạp nhưng mà phải tạo cho được chuyển biến tích cực", ông nói

Liên quan đến nội dung chất vấn vừa kết thúc trước đó, Chủ tịch lưu ý trong quá trình thanh tra phát hiện có dấu hiệu có tội phạm tham nhũng thì chuyển ngay cho cơ quan điều tra phối hợp để tiếp tục điều tra, xem xét và xử lý nghiêm.

Trong trách nhiệm thứ ba, Chủ tịch đề nghị tiếp tục thanh tra các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước nói chung góp phần vào việc ngăn chặn những thất thoát, tiêu cực trong khu vực này.

Thông qua thanh tra xử lý kịp thời những vấn đề tổn thất tài sản cũng như những dấu hiệu về tội phạm phải xử lý nghiêm. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Qua một ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch đánh giá, các bộ trưởng, đại biểu Quốc hội đã triển khai chức trách nhiệm vụ của mình minh bạch, rõ ràng, thẳng thắn. Ông đề nghị Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận để có hiệu lực yêu cầu thi hành và để thực hiện giám sát hậu chất vấn.