10:10 07/06/2023

Đại biểu Quốc hội “truy” trách nhiệm các địa phương về nạn lấn chiếm, sang nhượng đất sản xuất

Như Nguyệt

Nhiều đại biểu nêu ý kiến về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí có tình trạng giao đất không đủ điều kiện, hoặc lấn chiếm, bán, sang nhượng sau khi được giao...

Quốc hội họp phiên chất vấn chiều 6/6.
Quốc hội họp phiên chất vấn chiều 6/6.

Chiều 6/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về những vấn đề dân tộc.

Theo đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn Đại biểu Quốc hội Bà Rịa – Vũng Tàu, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Còn đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nam cho rằng, có tình trạng giao đất sản xuất không đủ điều kiện như thiếu nước, hoặc là các điều kiện hạ tầng, đồng bào không thể sản xuất hoặc chưa thể sản xuất được cho nên dẫn đến tình trạng là cũng bỏ. Có tình trạng thứ hai là lấn chiếm, bán, sang nhượng sau khi được giao. Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm thuộc tổ chức, cá nhân nào để ra tình trạng như vậy?

Bộ trưởng Hầu A Lềnh thừa nhận, việc thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào là một việc rất lớn mà đây là nhu cầu thực tế.

Theo thống kê, đến năm 2019, nhu cầu về đất ở của vùng đồng bào dân tộc thiểu số khoảng trên 24.000 hộ gia đình và đất sản xuất là trên 43.000 của hộ gia đình. Ủy ban Dân tộc đã tính toán, đưa vào trong Báo cáo nghiên cứu khả thi và trình với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1719, trong đó có đề ra các chỉ tiêu, mục tiêu rất cụ thể là đến năm 2025 thì giải quyết 60% nhu cầu đất ở cho người dân.

Còn giai đoạn tiếp theo là 2026-2030 là 40% còn lại. Với 24.000 nhu cầu đất ở thì giải quyết khoảng trên 17.000. Còn hơn 7.000 nữa thì sẽ giải quyết vào giai đoạn 2026.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết,  có nhiều địa phương có nguồn quỹ đất để hỗ trợ để xây dựng thành các mô hình sắp xếp dân cư tập trung. Tuy nhiên, rất nhiều địa phương là không còn quỹ đất, ở cấp xã cũng không có, cấp thôn cũng không có. Đây là một vấn đề rất lớn cần phải có những giải pháp thống nhất giữa các bộ, ngành.

Trước ý kiến của đại biểu Trần Văn Khải, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, chúng ta đang tập trung để giải quyết những hộ dân chưa được cấp đất lần nào mà không có đất ở và chưa có đất sản xuất do yếu tố khách quan.

Nhưng trong thực tiễn cũng xảy ra một số trường hợp khác là đã được cấp đất rồi, kể cả đất ở, kể cả đất sản xuất, nhưng trong quá trình thực tiễn thì có thể chuyển nhượng, mua bán, cho, tặng hoặc là tranh chấp, những vấn đề đó đều có diễn biến ở các địa phương.

Về thẩm quyền, người dân được chuyển nhượng, được mua, bán, được cho, tặng thì thực hiện theo quy định pháp luật và các địa phương khi xác nhận cái này cũng thực hiện theo quy định pháp luật, trừ những trường hợp không theo quy định pháp luật mà họ cho tặng một cách tự do, không có ai xác nhận, việc đấy cũng có diễn biến xảy ra…

“Vấn đề này theo đại biểu nói là trách nhiệm thuộc về ai? Nếu trường hợp vi phạm pháp luật theo quy định của các pháp luật hiện hành về Luật Đất đai, rồi pháp luật quản lý đất đai, pháp luật quản lý và trật tự xây dựng, trật tự đô thị v.v. thì đều giao cấp ủy, chính quyền địa phương hết.

Việc mua, bán, chuyển nhượng này đều do địa phương hết, kể cả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng do địa phương và ở trung ương thì ban hành luật, ban hành các nghị định, các chính sách về hỗ trợ. Việc này cần phải có một sự phối hợp thống nhất từ trung ương đến địa phương, trung ương thì tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, còn địa phương thì công tác kiểm tra tại địa phương và xử lý vi phạm nếu có.

Đây là những vấn đề phải có giải pháp tổng hợp. Chúng tôi cũng nghĩ rằng trong giai đoạn tới khi sửa Luật Đất đai và một số vấn đề liên quan đến các pháp luật khác sẽ có những thiết chế, chế tài để xử lý những vấn đề này tốt hơn”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay.

Trong khi đó, đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam có đặt vấn đề làm sao để thu hút được nguồn đầu tư của doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho bà con vùng đồng dân tộc thiểu số miền núi.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh mong muốn các địa phương sẽ xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào, đặc biệt là chính sách tín dụng, chính sách tiếp cận đất đai.

“Còn với trách nhiệm của cơ quan quản lý chương trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các địa phương để nghiên cứu, để khảo sát, đánh giá trong thời gian tới và đề xuất với các cấp có thẩm quyền có những chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng thêm nguồn lực để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết thêm.