07:00 31/05/2023

Tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực phổ cập giáo dục và giảm nghèo

Đỗ Như

Nhiều điểm nghẽn tại địa phương đã được đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo đến khảo sát, kiểm tra, hướng dẫn nhằm tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030….

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 “về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG PHÂN BỔ NGUỒN LỰC

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Đoàn giám sát Quốc hội cho thấy, Bộ đã hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện các nội dung thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các chỉ tiêu, các tiêu chí trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; hỗ trợ kỹ thuật, giám sát, đánh giá, chỉ đạo, thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và nâng cao chất lượng phổ cấp giáo dục, xóa mù chữ, kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại một số địa phương…

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, khó khăn hiện nay là việc phân bổ nguồn lực thực hiện các lĩnh vực thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới do địa phương quyết định, tùy theo thực tế thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của từng địa phương.

Vì vậy, trên thực tế, có địa phương do ngân sách hạn hẹp nên chỉ tập trung kinh phí cho một số lĩnh vực ưu tiên khác, dẫn đến đầu tư cho giáo dục, đào tạo không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí có địa phương tồn tại tình trạng “nợ chuẩn” đối với tiêu chí về trường học. Việc tổng hợp kinh phí chi cho giáo dục, đào tạo còn khó do không tách được kinh phí chi cho giáo dục, đào tạo với các khoản chi khác của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Việc triển khai tiểu dự án 1 còn chậm tiến độ so với yêu cầu. Việc phân công chủ trì tiểu dự án 1 tại một số địa phương chưa rõ, do đó công tác hướng dẫn triển khai tại các địa phương chưa được triển khai một cách bài bản.

Các thành viên Tổ công tác yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ nguyên nhân ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, muộn, chưa bảo đảm tính khả thi. Các văn bản hướng dẫn của Bộ đều ban hành trong thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 2/2023. Như vậy, so với tiến độ thời gian triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là chưa kịp thời, vì theo Nghị quyết của Quốc hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia phải được triển khai thực hiện từ năm 2021 – 2025.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nêu rõ địa phương chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực giáo dục dẫn đến tình trạng chủ yếu chỉ đầu tư cho các trường để đạt đủ các tiêu chí công nhận xã nông thôn mới; địa phương nào chưa thực sự tham gia vào công tác quản lý, điều hành triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trong phân bổ nguồn lực tài chính.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đánh giá tính kịp thời, tính khả thi của các văn bản hướng dẫn; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc sửa đổi các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn có vướng mắc.

Với vai trò là cơ quan chủ trì nội dung giáo dục trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có giải pháp cụ thể hơn để tháo gỡ vướng mắc ở các địa phương; quan tâm đến việc triển khai đào tạo cho học sinh cử tuyển; thúc đẩy các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

NỖ LỰC THÁO GỠ CÁC “ĐIỂM NGHẼN”

Ngày 24/5, Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến tỉnh Trà Vinh khảo sát, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 5.

Phó Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Trà Vinh -  Thạch Tha Lai cho hay, hiện nay, Dự án 5, Tiểu dự án 1 được triển khai cải tạo, nâng cấp, mở rộng tại 8 trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Trong đó, năm 2022 đã thực hiện 6 dự án, 2 dự án còn lại dự kiến triển khai trong năm 2023.

Về công tác xóa mù chữ thuộc Tiểu dự án 1 - Dự án 5, Sở giáo dục đào tạo tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản, bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch, ban hành các chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động xóa mù chữ trình HĐND tỉnh phê duyệt.

Đầu năm, Sở giáo dục đào tạo tỉnh Trà Vinh đã ban hành kế hoạch về việc mở lớp xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Các phòng Giáo dục và Đào tạo có xây dựng Kế hoạch mở lớp xóa mù chữ trên địa bàn huyện, thành phố. Tỉnh đã triển khai, quán triệt và thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác xóa mù chữ, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác xóa mù chữ.

Sở giáo dục đào tạo tỉnh Trà Vinh tiếp tục chỉ đạo việc bổ sung, rà soát cập nhật bộ số liệu thống kê, điều tra trình độ văn hóa đối tượng trong độ tuổi từ 15 - 60; phối hợp với các lực lượng xã hội khác trong công tác điều tra, vận động người học xóa mù chữ và trực tiếp dạy lớp xóa mù chữ tập trung ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tính đến nay, trên toàn tỉnh Trà Vinh có 106/106 xã và 9/9 huyện được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, trong đó độ tuổi 15 - 25 đạt tới 99,83%.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo Sở giáo dục đào tạo tỉnh Trà Vinh, trong quá trình thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 giai đoạn 1 tại địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Về cơ sở pháp lý và hướng dẫn thực hiện còn chưa được hiểu thống nhất, các cơ quan tham mưu của địa phương chưa thống nhất trình cấp thẩm quyền duyệt danh mục đầu tư đối với một số trường do không thuộc phạm vi thực hiện của Chương trình.

Do vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, chuyển đổi số, đào tạo bồi dưỡng theo nội dung Tiểu dự án 1 - Dự án 5 không được áp dụng đồng bộ cho cả hệ thống trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh để phục vụ học sinh dân tộc thiểu số có cùng điều kiện chính sách.

Ngoài ra, việc huy động học viên tham gia các lớp xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng tham gia là lực lượng lao động chính trong gia đình. Bên cạnh đó, tài liệu giảng dạy chương trình xóa mù chữ hiện nay chưa được phát hành khiến công tác này gặp nhiều khó khăn.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc Lê Như Xuyên nhấn mạnh, Trà Vinh là một trong những tỉnh có nhiều đặc thù như tập trung nhiều dân tộc, số lượng đông nhất là dân tộc Khmer, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường dân tộc nội trú, do đó, việc tập trung nguồn lực và đầu tư có trọng điểm là rất cần thiết. Với việc bố trí vốn đối ứng của địa phương vượt hơn 5% để thực hiện các hạng mục đầu tư thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh Trà Vinh đối với tiểu dự án 1 - Dự án 5.

Đoàn công tác ghi nhận những vướng mắc, ý kiến đóng góp tại tỉnh Trà Vinh để từ đó, đề ra những giải pháp, tháo gỡ các công việc mà các địa phương hiện nay muốn làm, phù hợp với mong muốn cấp thiết và linh hoạt, tránh cứng nhắc dẫn đến khó thực hiện.