Sáu giải pháp để đạt tỷ lệ mức giảm nghèo đa chiều  - Ảnh 1
Sáu giải pháp để đạt tỷ lệ mức giảm nghèo đa chiều  - Ảnh 2

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đã bước sang năm thứ ba. Xin ông cho biết khái quát việc thực hiện Chương trình cũng như kết quả tỷ lệ giảm nghèo đa chiều của năm 2022?

Công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện và luôn thể hiện rõ bản chất nhân văn của chế độ ta.

Ngân sách Nhà nước và các nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng. Năm 2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trong đó bố trí tối thiểu 75 nghìn tỷ đồng cho Chương trình.

Sáu giải pháp để đạt tỷ lệ mức giảm nghèo đa chiều  - Ảnh 3

Chương trình đã tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách giai đoạn trước còn tồn tại, như: đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho hộ nghèo; tăng cường thông tin giúp người nghèo. Đồng thời, Chương trình cũng bổ sung những hoạt động mới để giải quyết một số chiều dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều cho người nghèo, như: tăng cường giáo dục nghề nghiệp, kết nối, hỗ trợ tìm kiếm việc làm; hỗ trợ về nhà ở, dinh dưỡng.

Để triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, xác định rõ thời gian hoàn thành; thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp; hằng tháng họp trực tuyến toàn quốc kiểm điểm, đôn đốc việc hoàn thiện hệ thống văn bản, tiến độ triển khai thực hiện.

Là cơ quan được giao chủ quản Chương trình, năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tham mưu ban hành đầy đủ, đồng bộ, kịp thời cơ chế triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2022 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước; kế hoạch thực hiện; phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình; phân bổ vốn ngân sách địa phương; cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

Kết quả, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cả nước còn 4,03%, giảm 1,17% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao (giảm từ 1-1,5%/năm). Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Sáu giải pháp để đạt tỷ lệ mức giảm nghèo đa chiều  - Ảnh 4

Việc thay đổi cách đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều ở giai đoạn này đã làm thay đổi chính sách giảm nghèo như thế nào, thưa ông?

 Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia, làm cơ sở xác định đối tượng tác động chính sách giảm nghèo. Chuẩn nghèo quốc gia được xây dựng theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ.

Việc thay đổi chuẩn nghèo từ đơn chiều sang đa chiều thay đổi căn bản về phương pháp đo lường. Chuẩn nghèo đơn chiều (thu nhập) đo lường và giám sát mức độ về thu nhập. Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ về thu nhập và thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân về việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và môi trường, thông tin; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội và xây dựng, thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tiệm cận mức sống tối thiểu, so với giai đoạn trước chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều chỉ đáp ứng khoảng 70% mức sống tối thiểu. Tiêu chí xác định chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản được mở rộng hơn so với giai đoạn trước. Do vậy, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 sẽ phản ánh rõ nét hơn bản chất của tình trạng nghèo, từ đó các chính sách để giảm nghèo sẽ thực chất hơn, góp phần giảm nghèo một cách bao trùm và bền vững.

Sáu giải pháp để đạt tỷ lệ mức giảm nghèo đa chiều  - Ảnh 5

Thưa ông, để giảm nghèo theo các mục tiêu cụ thể như Quyết định số 90/QĐ-TTg trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay là không dễ. Theo ông, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào để đạt các mục tiêu đó?

Để hoàn thành mục tiêu Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1-1,5%/năm, tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm,… chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, trong đó tập trung thực hiện sáu giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội, nhất là cấp cơ sở; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo; đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua vì người nghèo, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội của người dân theo tinh thần “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.

Thứ hai, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách giảm nghèo, đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, hỗ trợ có điều kiện; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững; nghiên cứu, ban hành chuẩn nghèo đa chiều bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Thứ ba, quyết liệt chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo.

Thực hiện hiệu quả công tác sơ kết giữa kỳ, đánh giá khách quan, trung thực kết quả tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xây dựng định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2030; trong đó tập trung vào giải quyết thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng sản xuất, thiếu việc làm và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Thứ tư, tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế; thực hiện hiệu quả việc lồng ghép việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn cả nước, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Thứ năm, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án của Chương trình.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vi phạm. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.

Sáu giải pháp để đạt tỷ lệ mức giảm nghèo đa chiều  - Ảnh 6

VnEconomy 31/05/2023 16:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2023 phát hành ngày 29-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Sáu giải pháp để đạt tỷ lệ mức giảm nghèo đa chiều  - Ảnh 7